Mứt, bánh kẹo Tết “3 không” bày bán tràn lan

Mứt Tết, bánh kẹo “3 không” - không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng - đang được bày bán tràn lan ở các chợ lớn, nhỏ ở Hà Nội với giá siêu rẻ.

Mứt Tết, bánh kẹo “3 không” - không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng - đang được bày bán tràn lan ở các chợ lớn, nhỏ ở Hà Nội với giá siêu rẻ.

Bánh kẹo giá rẻ “3 không” bày bán tràn lan.
Bánh kẹo giá rẻ “3 không” bày bán tràn lan.

30.000 đồng/kg kẹo

Cửa hàng chị T.T ở tầng 2, chợ Hà Đông (Hà Nội) bày bán gần 100 mặt hàng bánh, kẹo, mứt, ô mai, hạt dưa, hạt điều các loại. Khoảng 20 loại ô mai, mứt được chủ cửa hàng đổ vào rổ bày bán không có bất cứ thứ gì che đậy, không ghi xuất xứ, hạn sử dụng. Nhan nhản bánh kẹo không thương hiệu chứa trong những bịch to và bán theo ký.

Trong vai người đi nhập hàng về bán ở tỉnh lẻ, chủ cửa hàng T.T giới thiệu với PV giá cả từng loại bánh, kẹo tại sạp. Theo chủ cửa hàng này, 1 kg kẹo trái cây có giá 30.000 đồng; các loại bánh có giá từ 40-50.000 đồng; hạt hướng dương 40-45.000 đồng/kg tùy loại; các loại ô mai có giá 50-60.000 đồng/kg; nho khô 85.000 đồng/kg… “Nếu lấy về tỉnh lẻ bán thì nên lấy mặt hàng hạng trung giá 30-50.000 đồng sẽ dễ bán, phù hợp túi tiền người tiêu dùng. Khách của chị chủ yếu nhập loại này, mỗi ngày chị bán vài tạ”, chủ cửa hàng này nói.

Cũng theo chủ cửa hàng, tất cả bánh kẹo, ô mai hay các loại hạt ở đây đều được bán dưới hình thức kg. Mỗi túi thường 5kg, khách mua về bán cân hoặc mua túi nhỏ về đóng mỗi gói 2-3 lạng. Cửa hàng sẽ tặng tập chữ “Chúc mừng năm mới” để các đại lý cho vào từng túi nhỏ.

Chợ Đồng Xuân được coi là thủ phủ của mọi mặt hàng tiêu dùng, những ngày này hoạt động mua bán hàng Tết sôi động hơn bao giờ hết. Riêng bánh kẹo có tới hơn chục cửa hàng, mỗi cửa hàng có trên dưới 100 loại bánh kẹo. Đặc biệt, nhiều loại mứt, ô mai, hạt dưa, hướng dương... đa màu sắc không nhãn mác, xuất xứ, hạn sử dụng được bán công khai.

Tại một ki ốt, chủ cửa hàng không mấy mặn mà khi có khách chỉ lấy mỗi loại khoảng 3-5kg. Giá cả các mặt hàng bánh kẹo, mứt Tết ở đây cũng chỉ dao động từ 30 - 50.000 đồng/loại rẻ và 80-110.000 đồng/loại đắt. 

“Giờ bắt đầu vào mùa, đại lý các tỉnh bắt đầu “ôm” hàng về bán Tết, mỗi ngày chúng tôi bán hàng tạ. Không lấy nhanh hôm sau hàng sẽ lên một vài giá”, chủ cửa hàng này nói. Khi được hỏi về bao bì đóng gói sản phẩm, chủ cửa hàng cho biết: “Bao bì khách tự đi in hoặc cửa hàng in hộ. Cứ ghi tên sản phẩm và xuất xứ Việt Nam, in bao nhiêu cũng được”, chủ cửa hàng hướng dẫn. 

Một tiểu thương quê Thái Bình lên Hà Nội lấy hàng cho biết, chị là đại lý cho nhiều cửa hàng tạp hóa khác. Mỗi vụ Tết, cửa hàng chị bán hàng tấn bánh, kẹo, mứt Tết các loại. Chị chỉ lên Hà Nội lấy hàng lần đầu, sau đó chỉ việc gọi điện là các tiểu thương ở chợ Đồng Xuân gửi hàng về. “Ở quê, người dân chỉ quan tâm đến giá, họ thích giá rẻ nên những mặt hàng bán theo cân bán chạy nhất”, chị này nói.

Chủ một cửa hàng lấy nho khô Trung Quốc ra bán lẻ.

Hàng Trung Quốc giả danh hàng Việt

Theo quan sát của PV, tại nhiều ki ốt, cửa hàng bánh kẹo ở các chợ lớn như chợ Đồng Xuân, chợ Hà Đông có nhiều loại bánh kẹo, ô mai Trung Quốc được trà trộn để bày bán. Người tiêu dùng có tâm lý e ngại hàng Trung Quốc nên khi được hỏi, các tiểu thương đều khẳng định, không có hàng Trung Quốc.

Tuy nhiên, ở một cửa hàng khác, đầu giờ sáng một tiểu thương vô tư bóc thùng nho loại 10kg ngay trước cửa hàng để đưa lên kệ. Tiểu thương này thật thà: “Loại này là của Trung Quốc, làm gì có Việt Nam”. Nói đoạn, tiểu thương chỉ lên kệ giới thiệu thêm nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc khác như: mận xào, nho đỏ, mơ xào, bánh ốc quế…

Theo GS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, người tiêu dùng không nên mua thực phẩm không nhãn mác vì không thể biết họ chế biến từ nguyên liệu, phụ gia gì. Cũng theo GS Thịnh, thông thường bánh kẹo được làm từ các loại nguyên liệu không có chất độc hại như gạo, sắn, đường, phẩm màu trong danh mục cho phép. Tuy nhiên, để có giá rẻ, có thể họ chọn những loại đường hóa học, tinh bột sắn thay thế. “Người mua hàng giá rẻ thường ở nông thôn hoặc trẻ em, họ không có nhiều thông tin nên nếu mua phải sản phẩm đã hết hạn sử dụng sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ độc hại cho sức khỏe”, GS Thịnh nói.

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi Cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho hay, Hà Nội đang tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết và chưa có con số thống kê về sai phạm. “Ngay khi có thông tin về hàng hóa không nhãn mác đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra”, ông Lộc nói.

Theo Tiền Phong



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.