Mỹ phẩm Thái Lan nhập từ... chợ Đồng Xuân

Nhiều người tiêu dùng đang có xu hướng “né” các loại mỹ phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc chuyển sang sử dụng các sản phẩm Thái Lan như muối tắm trắng, son chống nẻ, ủ tóc tảo biển, kem trang điểm, kem dưỡng da…

Nhiều người tiêu dùng đang có xu hướng “né” các loại mỹ phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc chuyển sang sử dụng các sản phẩm Thái Lan như muối tắm trắng, son chống nẻ, ủ tóc tảo biển, kem trang điểm, kem dưỡng da…

Tuy nhiên, không ít mặt hàng Thái “xịn” này lại là hàng kém chất lượng của Trung Quốc “đội lốt”.

 

Mỹ phẩm Thái “đắt” khách nhờ giá rẻ

 

Chỉ cần gõ dòng chữ “mỹ phẩm Thái Lan” trên google là đã thấy hàng trăm kết quả những dòng giới thiệu sản phẩm của các shop bán mỹ phẩm Thái Lan. Hiện nay hàng mỹ phẩm Thái phát triển rầm rộ nhất trên chợ mạng online và cả trang xã hội facebook.

 

So với mỹ phẩm trôi nổi của Trung Quốc, hàng Thái Lan được đánh giá khá cao về chất lượng, độ an toàn. Nhiều dòng mỹ phẩm của Thái như Mistine, YoKo, Aron với các sản phẩm như BB cream, son dạng tint, phấn, mascarra đã có chỗ đứng ở nhiều thị trường khó tính và nổi tiếng về mỹ phẩm cao cấp như Hàn Quốc, Nhật Bản.

 

Mỹ phẩm Thái Lan bày bán ở chợ Đồng Xuân
Mỹ phẩm Thái Lan bày bán ở chợ Đồng Xuân

 

Phóng viên đã gọi điện đến số điện thoại 091512xxxx chuyên phân phối mỹ phẩm Thái trên chợ online Énbạc để “đặt hàng”. Chủ số điện thoại trên chỉ đường cho phóng viên tìm đến địa chỉ của shop trên đường Giáp Bát, Quận Hoàng Mai. Shop bày bán khá nhiều đồ mỹ phẩm Thái Lan, người bán hàng tiếp thị đủ loại từ đồ trang điểm đến các loại kem dưỡng da mặt, cơ thể, kem tắm trắng…

 

Loại “hot” nhất hiện nay chính là các dòng son tint, son gió của Thái Lan. Loại son này có thể bền màu đến… 12 tiếng đồng hồ lại có mức giá khá rẻ chỉ từ 30.000 – 50.000 đồng/thỏi. Kem tắm trắng hiệu Chiếc Lá, muối tắm trắng cũng chỉ có 60.000 - 80.000 đồng/hộp. Các loại kem dưỡng thể chiết xuất protein sữa tươi, vitamin E và cam thảo, hoa quả, nhau thai cừu, ngọc trai… chỉ có giá từ 80.000 đồng/hộp.

 

So sánh với giá cả mỹ phẩm trôi nổi của Trung Quốc thì hàng Thái còn “mềm” hơn. Đó cũng là lí do khiến xu hướng dùng mỹ phẩm Thái Lan càng ngày càng “hot” hơn. Tuy nhiên, tận mắt chứng kiến các quầy bán hàng Thái Lan tại shop trên, PV còn thấy lác đác vài món mỹ phẩm Trung Quốc.

 

Nhiều mặt hàng son Thái của shop này cũng na ná hàng trôi nổi bán ngoài chợ. Ngoài các mặt hàng có thương hiệu như Mistine mẫu mã, bao bì đẹp, đóng gói cẩn thận và mức giá cũng đắt hơn thì đa số hàng hoá tại đây trông khá “lởm”. Bao bì của nhiều mỹ phẩm đều không có nhãn phụ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt cũng như không có tem nhập khẩu. Một số mặt hàng lại chỉ in ngày sản xuất mà không hề tìm thấy hạn sử dụng.

 

"Vàng thau lẫn lộn"

 

Khi được hỏi về cung cấp nhập khẩu và tem mác của hàng Thái, chủ shop mỹ phẩm Thái Lan tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết “Hàng Thái “xịn” thì đảm bảo chất lượng rồi, mình bán hai năm nay chưa thấy ai bị dị ứng gì cả. Hạn sử dụng của mỹ phẩm đồng loạt là 3 năm nên người ta chỉ cần in ngày sản xuất còn ngày hết hạn thì khách hàng tự… suy ra”.

 

Khi được hỏi qui cách nhập khẩu mỹ phẩm Thái Lan thông qua công ty xuất nhập khẩu nào thì chủ shop lại tỏ ra khá lúng túng “ Mấy món đồ “con con” như mỹ phẩm, kem dưỡng da này mình thường nhập qua đường xách tay vì có người nhà ở Thái Lan hoặc kí gửi qua máy bay nên không có tem nhập khẩu hay tem nhãn tiếng Việt.

 

Thật giả khó phân biệt
Thật giả khó phân biệt

 

Mĩ phẩm Thái Lan trên thị trường đa phần là hàng xách tay mà chỉ có các sản phẩm đồ ăn, đồ uống, một số mặt hàng điện gia dụng… có trọng lượng lớn nên không thể xách tay về được, phải lấy hàng từ các công ty nhập khẩu và phân phối nên có nhãn phụ và tem nhập khẩu của công ty”.

 

Thử tìm hiểu một số shop bán hàng mỹ phẩm Thái Lan khác trên mạng, PV cũng đều nhận được câu hỏi tương tự. Tuy nhiên, khi ngỏ ý muốn nhập mỹ phẩm Thái về bán tại cửa hàng tạp hoá, nhân viên bán hàng mỹ phẩm Thái trên chợ “ảo” đã “rỉ tai” PV một vài địa chỉ chuyên phân phối, bỏ mối buôn hàng Thái là các kiốt trong… chợ Đồng Xuân.

 

Tại các kiốt này, mặt hàng son tint được bán buôn theo từng lố với mức giá chỉ từ 120.000 đồng/lố, các loại kem tắm trắng cũng chỉ có 40.000 – 50.000 đồng.

 

Điều đáng nói là ngoài mỹ phẩm Thái Lan, các kiốt này còn bày bán và giao buôn khá nhiều mặt hàng mỹ phẩm nhái của Trung Quốc. Hàng Thái Lan và hàng kém chất lượng Trung Quốc được trưng bày trong tình trạng “vàng thau lẫn lỗn”.

 

Các chủ kiốt trên cũng cho biết, hàng mỹ phẩm Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu vẫn qua đường “xách tay” của tiểu thương nhỏ lẻ hoặc qua cửa khẩu chuyên cung cấp hàng Thái Lao Bảo (Quảng Trị), chứ không có nhãn hàng phân phối chính thức. Với hình thức nhập khẩu như vậy, khó có thể đảm bảo chất lượng hàng hoá không bị “trà trộn” những sản phẩm kém chất lượng.

 

Chị Hoài Anh (Lĩnh Nam, Hà Nội) cho biết “Đợt hè năm ngoái du lịch sang Thái Lan, mình mua khá nhiều son dưỡng môi, son tint của Thái. Chất lượng khá tốt, giá thành lại rẻ. Nhưng ở Việt Nam hầu hết khó tìm thấy những loại son như vậy vì đa phần là hàng Trung Quốc trà trộn vào. Nhiều người đã bị dị ứng, sưng ngứa môi vì các loại son “made in Thailand” bán tại các shop ở Việt Nam”.

 

Theo Báo Chất lượng VN



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.