Mỹ phẩm tự làm: Ham rẻ, hại người

Chỉ cần khéo tay, không cần vốn lớn, không ít sinh viên, bà nội trợ đã kiếm bộn tiền nhờ nghề kinh doanh mỹ phẩm tự làm. Bên cạnh những ưu điểm nhất định thì loại mỹ phẩm này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe.

Chỉ cần khéo tay, không cần vốn lớn, không ít sinh viên, bà nội trợ đã kiếm bộn tiền nhờ nghề kinh doanh mỹ phẩm tự làm. Bên cạnh những ưu điểm nhất định thì loại mỹ phẩm này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe.

Dễ làm, vốn ít, lãi nhanh

Với giá thành nguyên vật liệu rẻ, các loại mỹ phẩm tự làm (handmade) được bán với giá thấp hơn nhiều so với các loại mỹ phẩm có tên tuổi khác. Thêm vào đó, tuy công thức và thành phần tương tự nhau, nhưng mỗi người biết cách tạo cho sản phẩm riêng của mình một hương vị, màu sắc hoặc hình dạng khác nhau nên mỹ phẩm handmade mang những nét khác biệt riêng, lại được tiếng là mỹ phẩm có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên, nên ngày càng có nhiều người, nhất là các bạn trẻ lựa chọn sử dụng các sản phẩm này.

Từ một sinh viên có học lực khá, Nguyễn Ngọc Mai (ở đường Đê La Thành, quận Đống Đa) bỗng nhiên xin bảo lưu kết quả ở trường để tập trung vào việc kinh doanh mỹ phẩm tự làm. Mai cho biết, các mặt hàng như nước hoa khô, son dưỡng, son màu, phấn má hồng, son tẩy tế bào chết… đều được bán qua mạng và bán khá chạy. Khách hàng của Mai chủ yếu là các bạn trẻ cùng trang lứa. So với hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, giá bán của các sản phẩm này là tương đương nhưng chất lượng thì tốt hơn hẳn. Hầu hết sản phẩm chủ yếu làm bằng nguyên liệu tự nhiên như tinh dầu dừa, bơ ca cao, bơ hạt mỡ... nên vốn bỏ ra không lớn và không mất nhiều thời gian. Chi phí để làm ra một thỏi son hiện nay chỉ từ 20.000 – 30.000 đồng, nhưng bán ra từ 60.000 – 70.000 đồng. Tương tự, để làm một lọ nước hoa khô chi phí khoảng 35.000 đồng nhưng được bán ra với giá 100.000 đồng. Như vậy, mỗi tháng, số lãi mà Mai thu được cũng lên tới 4-5 triệu đồng.

mỹ phẩm, thủ công, handmade, chất bảo quản, nguyên liệu
Cần thận trọng với mỹ phẩm không được kiểm định chất lượng, nguồn gốc xuất xứ

Không chỉ có học sinh, sinh viên mà không ít bà nội trợ cũng hăng hái tham gia kinh doanh mỹ phẩm handmade. Chỉ cần học qua truyền miệng hoặc tham gia một khóa học cấp tốc tại một số spa, họ đã có thể trở thành một người pha chế mỹ phẩm thành thạo.

Chị Nguyễn Thị Thục, ở khu đô thị mới Xa La, Hà Đông chia sẻ, từ đầu năm đến nay, do công ty làm ăn khó khăn, giảm biên chế nên chị phải nghỉ việc. Qua một người bạn chị Thục biết cách làm xà phòng, son và cả nước hoa khô. Theo chị Thục, làm son và nước hoa khô vừa đơn giản, vừa dễ bán nhất, còn xà phòng thì khá phức tạp và mất thời gian. Do các mặt hàng của chị Thục mẫu mã đẹp lại vừa túi tiền nên được khá nhiều cửa hàng làm đẹp đặt mua. Tuy vậy, đã có lần chị Thục bị khách hàng dọa kiện do sử dụng sản phẩm bị dị ứng và phải bồi thường số tiền khá lớn.

“Thực ra kiến thức của tôi có hạn, công thức được học là do truyền miệng, lại nghĩ sản phẩm từ thiên nhiên thì không gây hại cho sức khỏe, ai ngờ vẫn có những người da không hợp. Thôi thì kinh doanh phải chấp nhận rủi ro vậy” - chị Thục kể lại.

Nhưng có an toàn?

Theo bác sỹ Trần Thị Thu Hà - Bệnh viện Bạch Mai, thời gian qua đã có không ít người đến khám và điều trị tại bệnh viện do sử dụng mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc với những vùng da mẩn đỏ, nổi mụn và phồng rộp. Phần lớn mỹ phẩm tự làm được tạo ra bởi những người sản xuất không có kiến thức về các hóa chất và các thành phần mỹ phẩm, về các thành phần cấu tạo da.

Trong khi đó, để sản xuất ra một sản phẩm mỹ phẩm có chất lượng phải trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài và sự kiểm định chặt chẽ của cơ quan có chuyên môn. Mỹ phẩm được sản xuất thủ công, không được kiểm tra chất lượng nên độ rủi ro đối với người sử dụng là khá lớn.

Hầu hết những sản phẩm mỹ phẩm tự làm dù được quảng cáo có nguyên liệu thiên nhiên nhưng đều có hạn sử dụng ngắn hơn do làm thủ công và không dùng chất bảo quản. Người làm mỹ phẩm không có kinh nghiệm trong việc chọn lọc nguyên liệu, bảo quản và pha chế nên sản phẩm có thể bị biến chất, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Ngoài ra, những tinh chất, tinh dầu hay vitamin không phải là chất bảo quản vì không hề có tác dụng chống nấm mốc, nên chỉ có thể giúp kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, nhưng cũng không có khả năng kháng khuẩn và rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Đặc biệt, đối với các loại mỹ phẩm có nước thì bắt buộc phải sử dụng đến hóa chất bảo quản. Hơn nữa, các loại tinh dầu được dùng cho vào sản phẩm để tạo mùi phần lớn được tổng hợp từ các chất hóa học nên có thể gây kích ứng đối với da nhạy cảm.

Cũng theo bác sỹ Trần Thu Hà, trong khi việc quản lý chất lượng đối với các loại mỹ phẩm tự làm vẫn đang bị thả nổi thì người tiêu dùng cần hiểu rằng, không phải cứ sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên là tuyệt đối an toàn. Đặc biệt với những người có làn da nhạy cảm, dị ứng cần thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm handmade. Bởi, thành phần có trong các sản phẩm này khi tương tác với nhau có thể gây phản ứng và các nguyên liệu từ thiên nhiên chưa được lọc bỏ độc tố thì vẫn có thể gây hại cho da. Hơn nữa, nếu sử dụng những sản phẩm quá hạn đã bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm thì tác hại của chúng đối với sức khỏe là rất khó lường.

Theo ANTĐ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.