Nhiều
người cho rằng, việc sắm Tết ở Trung tâm thương mại, siêu thị là quá
xưa rồi và việc kéo nhau về các miền quê nghèo để “săn Tết” đang được
cho là thú vui sang chảnh của người thành phố.
Dù còn khoảng 3 tuần nữa mới đến Tết cổ truyền thế nhưng rất nhiều người đã và đang lên kế hoạch để về nhiều miền quê khác nhau để “săn Tết”. Nói là “săn Tết” cũng chẳng sai bởi không phải ở đâu cũng có thể mua được các loại đặc sản tươi, ngon, chất lượng mà chỉ cần đánh 1 chuyến xe là có thể chất đầy được các loại thực phẩm rồi ung dung đánh ngược lại thành phố chờ… Tết đến.
Nói về
điều này, anh Nguyễn Văn Hưng (40 tuổi – trú tại Yên Hòa – Cầu Giấy – Hà
Nội) than thở: “Năm ngoái trong công ty tôi phải nhờ đến cả chục người ở
nhiều quê quán khác nhau để nhờ mua hộ các loại thực phẩm như: nem
chua, giò chả, cá, cam, bưởi, gà Đông Tảo, lợn rừng, rau rừng... nhưng
rất mất thời gian. Trên facebook quảng cáo đặc sản quê rất nhiều nhưng
bản thân tôi cũng chẳng thể yên tâm bởi bản thân mình có trực tiếp kiểm
tra được đâu. Thế nên, cách tốt nhất là năm nay tôi rủ thêm 2 đồng
nghiệp nữa quyết định lên Sơn La sắm… Tết”.
Dù lợn rừng nái nhưng khách Hà Nội vẫn đòi mua với giá cao tại Phú Thọ. |
Cùng quan điểm với anh Hưng, chị Thanh Hà – nhân viên truyền thông cũng cho biết: “Hiện nay bạn bè bán đặc sản cũng nhiều nhưng bản thân tôi và nhiều người khác cũng chẳng biết chất lượng ra sao. Chính vì vậy cách tốt nhất là đích thân mình về những miền quê đó để mua sắm cho gia đình, người thân. Vừa được đi chơi lại vừa mua rẻ hơn rất nhiều”.
Tận
dụng mối quan hệ là người thân, bạn bè, đồng nghiệp ở các miền quê khác
nhau, nhiều người đã cùng hò nhau đánh xe ô tô về quê dịp cuối tuần để
mua sắm. Thậm chí nhiều khu chung cư, cư dân trong tầng còn bàn tán rất
xôn xào và tỏ ra hào hứng về điều này.
Rau cải mèo được trồng trên núi đá hút người dân thành phố. |
Chị
Mai trú tại Điện Biên làm cùng cơ quan với chị Hà cho biết: “Biết việc
mấy người cùng cơ quan sẽ có chuyến về quê “săn Tết” vào cuối tuần này,
mình đã tức tốc gọi điện huy động cả gia đình ở quê tìm mua các loại đặc
sản sạch như: Lợn, gà, rau sạch, gạo, thậm chí cả rượu quê của người
thân quen để đảm bảo an toàn, sạch lại rẻ nữa”.
Gừng nương được nhiều người săn lùng dịp Tết. |
Nhiều người không chỉ ngược lên phía Bắc mà còn lặn lội xuống các tỉnh như: Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, thậm chí vào tận miền Trung như: Thanh Hóa, Nghệ An để sắm thực phẩm cho dịp "cả năm mới có một lần" này. Bởi thực tế quãng đường từ Hà Nội về đây cũng không quá xa, dao động từ 150km đến 300km. Tại đây không chỉ có hải sản tươi sạch, các đặc sản nem chua ngon nức tiếng mà nhiều loại thực phẩm người dân nuôi như gà, lợn, đà điểu…
Rau rừng, cỏ dại, gà chưa lớn... bắt tất lên xe
Câu
chuyện về quê “săn Tết” khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng việc đi
“săn” cũng lắm chuyện nực cười bởi theo thói quen của không ít người
thành phố: hễ thấy ở quê có cái gì ăn được là đòi mua bằng được dù những
người dân ở quê bản thân họ bán cũng thấy áy náy vô cùng.
Gà chọi thịt chưa đủ tuổi nhưng khách vẫn nằng nặc đòi anh Tiến bán. |
Trao
đổi về điều này, chị Nguyễn Thị Tươi trú tại Lạc Sơn (Hòa Bình) cho
biết: “Vừa rồi có mấy anh ở tận Hà Nội lên đây chơi ở nhà một anh hàng
xóm nhà tôi. Anh này cũng nhờ bố mẹ đi gom các loại thực phẩm dành cho
Tết nhưng cũng không đủ vì nghe đâu có tận 3 xe ô tô về cơ. Xong lúc anh
hàng xóm dẫn sang nhà tôi thấy đàn gà tre khoảng gần 20 con thế là gạ
bán. Khổ, đây là đàn gà cảnh của đứa con đang học ở Hà Nội nuôi làm cảnh
chứ có bán chác gì đâu, thế nhưng mấy người cứ gạ bán, nói giá bao
nhiêu cũng được, thậm chí họ còn năn nỉ tôi ấy. Chả biết làm sao cả, vừa
nể vừa thương họ nên tôi đã lén bán hết, chỉ giữ lại 4 con thôi. Chắc
Tết đứa con về đành phải nói dối nó là gà bị cúm nên chết chứ biết làm
sao”.
Lạp xưởng Lạng Sơn mệnh danh ngon trứ danh cũng nằm trong danh sách thực phẩm Tết nhiều người ưa chuộng. |
“Không dừng lại ở đó, một vài người trong đoàn cũng muốn tôi bán cả mấy buồng chuối còn xanh, rồi đến cả vườn rau khoai lang nữa”, chị Tươi kể.
Thậm
chí nhiều người còn mua cả gà chưa đủ tuổi để thịt như trường hợp của
gia đình anh Lê Văn Tiến (Bỉm Sơn – Thanh Hóa): “Gia đình có 1 đồi vải
thiều nhưng trên đó cũng nuôi rất nhiều gà chọi thịt, tất nhiên gà chủ
yếu ăn thóc và thả đồi để chúng kiếm ăn tự nhiên. Thế nhưng có mấy người
nghe nói gia đình tôi có đàn gà gần 100 con thả đồi thế là họ nài nỉ
mua hơn 20 con để về ăn Tết. Mặc dù tôi giải thích là gà mới chỉ được
khoảng 1,2kg nhưng họ vẫn muốn mua bằng được”.
Không
chỉ gà, lợn mà ngay cả nhiều loại rau cũng được người thành phố “ôm”
tất về, từ rau ngót, rau đay, mồng tơi đến rau cải bắp, xu hào, đỗ xanh…
Thậm chí cả những loại rau tưởng chừng chả ai ăn nữa như rau sam, rau
dền gai, dền đất, rau má… Ngay cả đến rau muối mọc đầy dưới gốc cây ngô
cũng được nhiều người hăm hở xuống hái mang về.
Bưởi diễn "xịn", cam canh sạch cũng được người tìm mua để ăn trong dịp Tết. |
Chính vì bản thân một số người thành phố bị “cuồng” đồ quê nên từ cọng rau sam, rau dền đất, lá đinh lăng, lá sung, lá ổi, lá găng, rau má… mọc đầy ven đường, ven ruộng đều xin mua hoặc hăm hở hái tất đóng bao vứt lên cốp xe. Chứng kiến cảnh này, một người dân ở quê tận Phú Thọ cười xòa “những thứ đó ở quê toàn trâu bò với lợn ăn thôi nên cứ hái thoải mái”?!
Hiện nay, vấn đề thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch là mối quan tâm hàng đầu trong bữa ăn của mỗi gia đình. Đặc biệt dịp Tết cổ truyền thì mối lo an toàn thực phẩm lại càng được đẩy lên cao. Thực phẩm sạch, đặc sản sạch tại Hà Nội không thiếu nhưng không phải ai cũng biết cách mua, biết cách phân biệt, chính điều này đã dấy lên phong trào nhà nhà “săn” thực phẩm sạch, người người “săn” thực phẩm sạch cho ngày Tết…