Những cách kiếm tiền lạ ở Hà Nội

Không cần vốn, chỉ cần nhanh nhạy nắm bắt đúng nhu cầu của khách hàng, nhiều người cũng có thể kinh doanh có nguồn thu ổn định hàng tháng.

Không cần vốn, chỉ cần nhanh nhạy nắm bắt đúng nhu cầu của khách hàng, nhiều người cũng có thể kinh doanh có nguồn thu ổn định hàng tháng.
 
Một cựu giám đốc của Microsoft Việt Nam từng nói ở Hà Nội, anh nhìn đâu cũng thấy cơ hội để kiếm tiền. Kể cả khi trong tay chỉ có một chiếc chiếu rách, anh cũng có thể đem ra sân Mỹ Đình để cho thuê.

Đó cũng là nhận xét của nhiều người khi chứng kiến nhiều cách xoay tiền nhanh nhạy của người dân ở Hà Nội. Không phải ai cũng đủ vốn để mở cơ sở kinh doanh, một số người kiếm tiền bằng cách cung cấp đúng cái mà người khác cần.

Người trông xe kiếm tiền bằng cách nghe điện thoại

Ở một con con ngõ thuộc quận Hoàn Kiếm, có phòng khám đông khách của một bác sĩ sản khoa nổi tiếng khắp Hà Thành. Phòng khám mở cửa từ 5 đến 7h tối và ai muốn khám sớm phải đến đăng ký tên vào danh sách. Các chị em nhân viên văn phòng không phải ai cũng có thể rời cơ quan trước 5h để đến ghi tên sớm nhất có thể. Bắt được nhu cầu đó, chú Long, nhân viên trông xe của cả khu đã nhận dịch vụ đăng ký hộ. Ai muốn được đăng ký khám sớm chỉ cần ngồi cơ quan, gọi một cú điện thoại cho người bảo vệ này ghi tên vào danh sách. Sau khi đến khám xong, khách trả tiền công cho chú.

Làm một nghề không có tên, nhưng chú Long đã duy trì dịch vụ này được nhiều năm nay. Thời kỳ đầu, chú chỉ lấy 10.000 đồng cho mỗi lượt đăng ký. Nay giá cả thị trường ngày càng tăng và tiền đăng ký khám cũng tăng theo, nên các chị em trả cho chú 20.000 đồng. Lượt đăng ký khám ở đây lên tới cả trăm, chỉ cần một ngày có 10 đến 15 người gọi nhờ, chú có ngay hàng trăm nghìn đồng.

Ở Hà Nội, không phải ai cũng đủ vốn để mở cơ sở kinh doanh buôn bán. Thay vào đó, họ "xoay tiền" bằng nhiều cách khác nhau. Ảnh: Anh Quân

 
Cô bảo vệ bưu điện kiêm nghề gói quà

Tại một bưu điện trên con phố Cầu Giấy, nhiều năm nay cô Ngân bảo vệ vẫn duy trì một công việc quen thuộc hàng ngày của mình là gói bưu phẩm hộ cho khách. Cô mở dịch vụ này sau khi quan sát thấy nhiều người mang hàng vào bưu điện gửi nhưng lại không đóng gói đúng quy định. Bị nhân viên bưu điện trả về đóng gói lại, khách hàng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để về nhà. Thay vào đó, họ ra cổng nhờ cô bảo vệ gói luôn.

Chỉ với công cụ là kéo, cuộn băng dính và một xấp giấy bìa cứng, thùng cac-tông cũ, cô nhanh chóng cắt, dán và gói ghém bưu phẩm của khách vào một chiếc hộp gọn gàng. Chi phí gói là 15.000 đồng với hàng cỡ nhỏ và tăng dần giá theo kích thước.

"Cái này tôi làm cũng chỉ là tranh thủ, còn công việc chính là trông xe. Nhưng nhiều khi nghề tay trái đem lại thu nhập còn cao hơn tay phải", cô nói.

Xe ôm phố cổ kiêm hướng dẫn viên du lịch

Ở khu vực tập trung đông khách du lịch bậc nhất Hà Thành, các con phố cổ ở Hà Nội lại có nhược điểm là quá nhỏ để đi taxi và quá dài để đi bộ. Do đó nhiều du khách đã phải viện nhờ đến cánh xe ôm để di chuyển từ địa điểm nọ đến địa điểm kia. Dần dần, những người lái xe ôm kiêm thêm công việc hướng dẫn viên du lịch cho khách.

Anh Tùng, nhà ở phố Hàng Giầy cho biết vừa lái xe ôm vừa kiêm nghề "hướng dẫn viên" nên anh lấy giá cao hơn bình thường. "Bình thường cũng đoạn đường đấy tôi lấy 50.000 đồng, nếu phải hướng dẫn chỉ trỏ thêm thì tăng giá lên 70.000 đến 100.000 đồng", anh cho biết. Thỉnh thoảng, anh còn tranh thủ kiếm thêm bằng cách dẫn khách đến các cửa hàng quen. "Nhiều khách nước ngoài có nhu cầu đổi tiền, tôi mang ra chỗ người quen, khách vừa xong việc mà mình cũng có hoa hồng", anh Tùng nói.
 
Theo Anh Đức (VnExpress.net)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.