Kể từ mức đáy 513 điểm ngày 13/5, đến chốt phiên ngày 12/8, VN-Index đạt 601,78 điểm. Tuy nhiên, theo thống kê của CTCK VNDirect, trong khoảng thời gian này, có 190 mã cổ phiếu giảm giá, trong đó có 36 mã giảm hơn 20%, 14 mã giảm hơn 30%.
Nhận định về hiện tượng những cổ phiếu đi ngược với xu hướng thị trường, một số CTCK cho biết, hầu hết những cổ phiếu này có kết quả kinh doanh quý I và quý II không mấy khả quan; rơi vào diện bị kiểm soát và thường tập trung ở những mã có thị giá thấp hơn rất nhiều so với mệnh giá.
Cổ phiếu NTP của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong giảm mạnh giá chủ yếu do điều chỉnh sau thưởng cổ phiếu. |
Một ví dụ là cổ phiếu TSM (sàn HNX) của CTCP Xi măng Tiên Sơn Hà Tây. Cổ phiếu này hiện đang được giao dịch với giá 2.800 đồng/CP, giảm 30% so với 3 tháng trước đây. TSM là doanh nghiệp rơi vào diện kiểm soát vì kết quả kinh doanh 2 năm liên tiếp thua lỗ. Theo TSM, Công ty đang cố gắng năm 2014 có lãi để tránh rơi vào tình trạng bị hủy niêm yết bắt buộc. TSM cho biết, thị trường xây dựng từ đầu năm đến nay “ấm” hơn giúp hoạt động tiêu thụ của Công ty tốt hơn và Công ty đang tăng cường mở rộng thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ cả 3 sản phẩm là xi măng, đá xây dựng và gạch không nung.
Tương tự, cổ phiếu PPE của CTCP Tư vấn Điện lực Dầu khí Việt Nam cũng ghi nhận mức giảm mạnh trên 33% và hiện chỉ giao dịch với giá 3.100 đồng/CP.
Một số cổ phiếu bị điều chỉnh giảm mạnh trong giai đoạn này là do các doanh nghiệp thực hiện chia thưởng cổ phiếu. Đơn cử như CTCP Bột giặt NET (NET), giá cổ phiếu NET sau điều chỉnh giảm từ 55.100 đồng/CP xuống còn 26.300 đồng/CP, tức giảm hơn 52%. Với nguyên nhân tương tự, cổ phiếu CSC của CTCP Đầu tư và Xây dựng Thành Nam đã giảm hơn 50% trong vòng 3 tháng qua, từ 17.200 đồng/CP xuống 8.500 đồng/CP; cổ phiếu NTP của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong điều chỉnh từ 71.000 đồng/CP xuống 47.000 đồng/CP…
Thường thì các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là nhân tố nâng đỡ thị trường và dấu hiệu tích cực của thị trường trong thời gian qua là sự luân chuyển của dòng tiền từ các cổ phiếu cơ bản đã tăng tốt trước đó sang các cổ phiếu đầu cơ. Điều này giúp thị trường lan tỏa rộng và thu hút được nhiều dòng tiền tham gia hơn bởi cách tăng giá chỉ ở số ít cổ phiếu cơ bản như trước sẽ khó thu thút được dòng tiền đầu cơ gia nhập thị trường. Dù là “tháng Ngâu” và thiếu các thông tin hỗ trợ, nhưng thị trường vẫn vận động khá tích cực khi thiết lập đỉnh mới ngắn hạn (VN-Index đạt hơn 610 điểm), điều này phản ánh sự hấp dẫn của TTCK đối với dòng tiền đầu tư.
Biến động giá của các bluechip thường không lớn, do các cổ phiếu này đã có thị giá khá cao. Tuy nhiên, xét trong bình diện tăng chung của thị trường trong vòng 3 tháng qua thì vẫn có những bluechip giảm, dù mức giảm không lớn. Cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan ghi nhận giảm từ 90.500 đồng xuống 86.000 đồng/CP, tương đương 5%; VCB của Vietcombank cũng giảm nhẹ còn 25.700 đồng/CP; PGD của CTCP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam giảm từ 40.600 đồng/CP còn 36.200 đồng/CP, tương đương 10%...
Ở chiều ngược lại, có những cổ phiếu tăng mạnh mẽ và tăng hơn rất nhiều so với mức tăng bình quân của thị trường. Trong đó phải kể đến những mã như SVN, tăng 117% từ 4.700 đồng/CP lên 10.200 đồng/CP. Có đến 29 mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng trên 50% như VCS, LGC… Trong đó, cổ phiếu MPC của CTCP Thủy sản Minh Phú tăng 65,15% (từ 33.000 đồng/CP lên 54.500 đồng/CP). Điểm chung của những doanh nghiệp này là có lợi nhuận 6 tháng đầu năm rất khả quan, nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch năm.
Xu hướng đối lập tăng/giảm của các mã cổ phiếu, theo nhiều CTCK, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục diễn ra để phân hóa thị trường, nhưng sẽ chậm hơn chứ không ồ ạt như những tháng đầu năm.
Theo Đầu tư Chứng khoán