Những loại cây cảnh Tết đặc biệt có giá 'bỏng tay' ở Hà Nội

Đào thất thốn, phật thủ, cây ngũ quả là những loại cây cảnh mới lạ độc đáo, đắt xắt ra miếng trong dịp Tết Nguyên đán này.

Đào thất thốn, phật thủ, cây ngũ quả là những loại cây cảnh mới lạ độc đáo, đắt xắt ra miếng trong dịp Tết Nguyên đán này.

Đào thất thốn

Đào thất thốn là một loại đào hiếm và nổi tiếng là kén người chơi. Sự đặc biệt của đào thất thốn thể hiện ở gốc xù xì, thân cây có vẻ rắn rỏi, hoa đỏ thắm tươi, nhụy vàng nổi bật và đặc biệt là ra hoa kép, số lượng cánh hoa trên một bông đào thất thốn có thể nhiều gấp đôi ba lần các loại đào thường. Các loại đào phổ thông có xu hướng nở vào dịp Tết, hoặc việc “gò ép” để hoa nở đúng dịp Tết thường không quá khó khăn. Riêng đào thất thốn, hoa thường nở muộn vào sau Tết, việc chăm sóc sao cho hoa nở đúng dịp Tết rất phức tạp nên giá loại đào độc đáo này đắt đỏ, và đa phần cũng chỉ những người hiểu về sinh vật cảnh, yêu thích nghệ thuật mới dễ “phải lòng” đào thất thốn.

Hiện ở đất đào Nhật Tân, chỉ có dăm ba hộ trồng được loại đào này. Vì là loại đào quý và khó chơi nên giá của đào thất thốn khá cao, dao động từ 10 - 30 triệu đồng/cây, với những cây có dáng đặc biệt, giá có thể lên đến hơn 50 triệu đồng/cây.

Phật thủ

Phật thủ được trồng từ cành chiết, sau 2 - 3 năm trồng mới bói quả. Quả phật thủ có nhiều tầng, nhiều ngón xòe ra được ví như bàn tay Phật che chở, mang an lành, sung túc đến cho gia chủ. Vì ý nghĩa tâm linh đó nên cây phật thủ cũng trở thành loại cây cảnh được nhiều người săn lùng trong dịp Tết năm nay.

Cây phật thủ cũng được nhiều khách hàng tìm mua.

Gốc phật thủ cảnh chia làm nhiều loại, có cây chỉ 2 - 3 triệu đồng nhưng cũng có cây 20 - 30 triệu đồng. Khi có khách hàng đặt, chủ vườn sẽ bọc giấy cẩn thận cho từng quả phật thủ để tránh rơi gẫy các ngón rồi đánh gốc và vận chuyển tới nơi mà khách yêu cầu. Thủ phủ của cây phật thủ là Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội.

Cây ngũ quả, tam quả, thất quả

Dòng cây ngũ quả, tam quả, thất quả (5 hoặc 3 hoặc 7 loại quả được nuôi trên cùng một thân) đã ra đời được vài năm, song đến năm nay nó vẫn giữ được sức hút và được nhiều “thượng đế” ưa chuộng mỗi dịp Tết đến xuân sang. Giá cây ngũ quả tùy theo từng dáng, từng thân mà giá thành khác nhau. Với những cây thân to, màu sắc quả bắt mắt, dáng đẹp thì có giá 6 - 8 triệu đồng, có những cây đặc biệt giá lên tới hơn chục triệu đồng. Các loại cây tầm trung từ 3 - 5 triệu đồng hoặc thấp 1- 1,5 triệu đồng. Loại cây thất quả ngoài 5 loại quả đặc trưng (chanh, cam, quất, phật thủ, bưởi) thì còn có thêm 2 loại quả: bưởi đỏ và chanh đào. Giá của chúng cũng cao hơn cây ngũ quả tầm 500.000 - 600.000 đồng/cây tùy loại.

Cây ngũ quả của ông Lê Đức Giáp ở Thanh Oai, HN.

Ngoài cây ngũ quả, thất quả, còn có loại cây 3 quả (1 thân có 3 loại quả: cam canh, bưởi diễn, phật thủ). Cây ngũ quả thường là gốc bưởi còn cây tam quả là gốc cam canh. Giá của cây tam quả khoảng 700.000 đồng/cây. Hiện Thanh Oai đang là mảnh đất “sản sinh” ra loại cây ghép nhiều loại quả độc đáo này.

Theo Chất lượng Việt Nam



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.