"Phù phép" quần áo Trung Quốc thành Made in Viet Nam

Không ít loại áo gia công chất lượng kém, áo Trung Quốc được “phù phép” thành hàng “made in Vietnam” thông qua việc gắn những chiếc “mác”.

Không ít loại áo gia công chất lượng kém, áo Trung Quốc được “phù phép” thành hàng “made in Vietnam” thông qua việc gắn những chiếc “mác”.

Hàng Việt “nhái” đắt khách

Dọc các con phố Hàng Đậu, Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng, Bạch Mai, Ngọc Lâm, Hai Bà Trưng… đều xuất hiện hàng loạt các cửa hàng treo biển “made in Vietnam”, bày bán hàng quần áo Việt Nam xuất khẩu. Đang là thời điểm giao mùa Thu – Đông nên các chủ cửa hàng đã trưng bày nhiều mẫu mã áo sơmi dài tay, áo len, áo khoác phao cho người lớn và quần áo trẻ con …
So với áo Trung Quốc thì quần áo “made in Vietnam” có giá cao hơn hẳn, một chiếc áo khoác len thường có giá từ 200.000 – 300.000 đồng, áo phao từ 500.000 – 800.000 đồng, áo sơmi dài tay dao động từ 150.000 – 250.000 đồng, những chiếc quần đông xuân, bộ dài tay của trẻ con cũng được bày bán với giá từ 70.000 – 150.000 đồng… 
Rất dễ dàng có thể mua các loại nhãn mác Made in Việt Nam gán vào quần áo
Rất dễ dàng có thể mua các loại nhãn mác Made in Việt Nam gán vào quần áo
 
Tuy nhiên, người tiêu dùng lại có xu hướng chuộng đồ Việt Nam hơn do tính bền, đẹp về chất lượng. Đặc biệt là những chiếc áo len, váy len, áo khoác phao có chất liệu tốt hơn hàng gia công Trung Quốc. Nhiều chiếc váy len công sở kiểu dáng lịch sự được gắn mác Zara, Mango, H&M, F21 nhưng lại chỉ có giá khoảng 300.000 – 400.000 đồng/chiếc, rẻ hơn hẳn hàng hiệu “xịn” bày bán trong các trung tâm thương mại như Parkson, Vincom. 
 
Chủ một cửa hàng thời trang Việt Nam xuất khẩu trên phố Chùa Bộc cho biết, những mẫu quần áo này là hàng “xịn” của Zara, Mango được sản xuất tại Việt Nam nhưng được bán rẻ hơn từ một nửa cho đến một phần ba so với giá trên website của hàng xuất sang “bển”… Nguyên nhân là do đây là mặt hàng bị lỗi, do công nhân “tuồn” ra, các chủ cửa hàng có “mối” nên mới lấy về được. 
 
Thử so sánh những chiếc áo “xịn” hàng “made in Vietnam” với những chiếc váy cao cấp của các hãng Mango, Zara, F21, H&M thì đều khá giống nhau. Hàng “xịn” vừa ra mẫu mã nào thì ở các cửa hàng “made in Vietnam” đều cập nhật hết các mẫu “hot”. Tuy nhiên, có nhiều chiếc lại được thiết kế khá lạ mà bới trên trang website chính hãng “đỏ mắt” cũng không thấy. Có chiếc thì thiết kế theo kiểu phần trên “copy” Mango, phần dưới lại giống một mẫu váy khác của H&M. Không hiểu là hàng “độc” bị lỗi hay do công nhân các xưởng may của hãng tự “chế” ra ? 

Hành trình của những chiếc mác “xịn”
 
Thực tế, hàng “Made in Vietnam” của các hãng thời trang có tiếng như Zara, Mango, F21, H&M là các loại quần áo đẹp, cao cấp do nước ngoài đặt và Việt Nam sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu. Có nhiều hãng khác nhau tham gia sản xuất mặt hàng này như Công ty may Việt Tiến, Thăng Long, Việt Brothers, chứ không phải của riêng một đơn vị nào đứng ra đăng kí thương hiệu độc quyền. Những mặt hàng lỗi mốt hoặc sai sót về kỹ thuật được trả về hoặc tồn đọng lại mới được xuất bán ở thị trường Việt Nam.
 
Với qui trình sản xuất nghiêm ngặt của nước ngoài thì không dễ gì để “tuồn” hàng lỗi hay hàng may hỏng ra ngoài bán phá giá tràn lan trên thị trường như vậy. Số lượng các loại hàng “xịn” được bày bán ngoài thị trường còn nhiều hơn hàng hiệu tại showroom chính hãng và các trung tâm thương mại cao cấp. Liệu một dây chuyền sản xuất cao cấp lại có thể tạo ra nhiều hàng may lỗi đến vậy ?
 
Chị Hoàng Linh (Hàng Bông, Hà Nội) cho biết, chị đã mua một chiếc áo khoác len giá 250.000 đồng tại một cửa hàng bán đồ Việt Nam xuất khẩu trên phố Hàng Điếu. Người bán giải thích đây là hàng Zara lỗi nên chủ sản xuất đã cắt mác mới “thải” ra thị trường, chiếc mác trên áo khoác len đúng là bị cắt nham nhở chữ Zara và “Made in”. Thế nhưng, vài hôm sau, chị lại thấy một chiếc áo len y hệt từ chất liệu, kiểu dáng trong một cửa hàng ở chợ Ngã Tư Sở. Chiếc áo này lại có mác Zara nhưng “Made in China” và có giá bán rẻ hơn một nửa.
Áo len bị cắt mác nham nhở phần “made in”
Áo len bị cắt mác nham nhở phần “made in”
 
“Mấy năm nay tôi toàn mua quần áo cho cả nhà với mấy đứa trẻ ở các cửa hàng Made in Vietnam vì tin tưởng chất liệu tốt và an toàn hơn hàng Trung Quốc. Nhưng bây giờ ngày càng có nhiều cửa hàng lợi dụng tâm lí khách hàng trà trộn hàng gia công Trung Quốc, cắt và thay nhãn mác. Cứ thế này, muốn “yêu” hàng Việt, dùng hàng Việt cũng khó khăn lắm”, chị Linh than thở. 
 
Để có câu trả lời về quá trình “phù phép” quần áo gia công thành “made in Việt Nam”, phóng viên Chất lượng Việt Nam đã tìm đến các cửa hàng in nhãn mác tại Hàng Bồ và các cơ sở chuyên sản xuất nhãn mác quảng cáo trên mạng. Trong vai một khách hàng muốn tìm “mối” mua buôn hàng may mặc Việt Nam xuất khẩu, PV đã được một chủ cửa hàng trên phố Hàng Bồ “bật mí”, thực tế hàng Việt Nam xuất khẩu lỗi chủ yếu được đặt hàng từ các khu may gia công ở Cổ Nhuế, Việt Hưng, Ninh Hiệp hoặc đặt tại các xưởng may gia công của Trung Quốc …
 
Người bán chỉ việc đặt các mác, tag có logo Zara, Bebe, Mango, F21, H&M đem về khâu, đính lên quần áo là có hàng “made in Vietnam”. Các loại nhãn mác này thường được bán với giá 400 – 500 đồng/chiếc. Tuy nhiên, những chiếc mác giấy này thường được cách điệu đi, khác một chút so với các nhãn, mác “xịn” nổi tiếng ngoài thị trường.
 
Nhiều chủ cơ sở sản xuất nhãn mác tại Hà Đông, Cổ Nhuế cũng nhận đơn đặt hàng từ 200 chiếc trở lên với giá chỉ từ 40.000 – 50.000 đồng/200 chiếc mác. Nếu muốn đặt in mác theo bất kỳ thương hiệu nổi tiếng nào, khách hàng chỉ cần đưa mẫu nhãn, mác đó đến cửa hàng, nhìn vào chất liệu giấy, chủ tiệm sẽ báo giá sau. Chỉ khoảng 5 – 7 ngày là có thể hoàn toàn vài trăm chiếc mác các kiểu giống y như thật. 
 
Nhiều cửa hàng bán quần áo xuất khẩu, “Made in Vietnam” đều bị trà trộn rất nhiều mặt hàng gia công trong nước và hàng Trung Quốc rẻ tiền. Khách hàng phải mua theo cảm tính, sờ chất vải tốt, mẫu mã đẹp, chứ chỉ nhìn vào mác, tag thì khó lòng biết được đấy có phải là hàng cao cấp xuất khẩu của các hãng thời trang “xịn” trên thế giới hay không? 
 
Theo VietQ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.