Rau nhiễm độc: Phun thuốc sâu kiểu này bao giờ mới hết

Tại một số vùng trồng rau ở ngoại thành Hà Nội, nông dân vẫn phun thuốc trừ với cách thức và quy trình cách ly chưa đúng hướng dẫn.

Dù số mẫu rau bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép đã giảm so với 2015, song, tại một số vùng trồng rau ở ngoại thành Hà Nội, nông dân vẫn phun thuốc trừ với cách thức và quy trình cách ly chưa đúng hướng dẫn.

4 tháng gần đây (từ tháng 7-10/2016), kết quả kiểm nghiệm mới nhất của Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, tỷ lệ mẫu rau, quả có dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép là 3,15%, giảm so với năm 2015 (8,6%).

Trước đó, kết quả giám sát trên diện rộng trong 6 tháng đầu năm 2016 cũng do cơ quan này công bố, tỷ lệ mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng chiếm gần 4%.

Có thể thấy số lượng mẫu rau phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ đã giảm đáng kể. Song, theo ghi nhận trực tiếp của PV.VietNamNet tại các vùng trồng rau ở ngoại thành Hà Nội, nông dân vẫn phun thuốc trừ sâu một cách khá nhiều với cách thức và quy trình chưa như hướng dẫn. 

Rau nhiễm độc: Phun thuốc sâu kiểu này bao giờ mới hết
Những cánh đồng rau bắp cải bạt ngàn ở ngoại thành Hà Nội

Đơn cử, tại một cánh đồng rau xanh lớn ở ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng hơn chục km, một người đàn ông chừng hơn 50 tuổi tên V. đang bơm nước giếng khoan lên tưới rau bắp cải. Ông cho biết, vùng này trồng toàn rau sạch nên yên tâm về chất lượng. Chiều ra chợ tha hồ mua, cứ chọn loại nào to đẹp nhất ấy.

Trong lúc trò chuyện, PV thắc mắc là làm cách nào để rau không có sâu, liệu có phải bắt sâu bằng tay không? Ngay lập tức, ông cho biết: “Ở đây không có sâu để mà bắt vì nhà nào cũng đánh (phun thuốc sâu - PV) chết luôn rồi”.

Dừng bơm nước để nói chuyện, ông nói thêm, giờ mà ngồi bắt từng con sâu thì hỏng hết cả bắp cải. Theo ông V. các loại thuốc sâu mà ông và người dân trong vùng này sử dụng đều mua của công ty, đã được nhà nước kiểm nghiệm. Do đó, bơm cho rau sẽ an toàn.

“Ở đây toàn rau sạch. Nước tưới rau là nước bơm từ giếng khoan lên chứ không dùng nước sông hay nước kênh mương. Còn sâu thì không ai bắt bằng tay, chỉ dùng thuốc đánh. Cứ 10 ngày đánh thuốc 1 lần, lúc nào chuẩn bị bán thì ngừng đánh thuốc”, ông nói.

Rau nhiễm độc: Phun thuốc sâu kiểu này bao giờ mới hết
Tuy nhiên, để bắp cải không bị sâu tấn công, người trồng cứ khoảng 10 ngày phun thuốc trừ sâu một lần, một lứa rau phun 7 lần thuốc

Cách đó không xa, một nông dân khác trẻ tuổi vừa bón phân cho ruộng rau bắp cải của mình vừa nói: “Rau này tầm một tuần nữa được thu hoạch, giờ thì vẫn còn bé, bắp cải chưa cuộn chặt”. Khi hỏi cách chăm sóc rau bắp cải, anh chia sẻ, phân hóa học có nhiều loại, mua tưới vài lần. Còn thuốc sâu thì cứ 10 ngày bơm một lần. Song, thời tiết mà ấm kiểu này sâu nở nhiều thì phải phun thuốc nhiều hơn.

Trên thực tế, tại ruộng rau này vỏ các loại bao bì thuốc sâu như thuốc đặc trị rầy, thuốc đặc trị sâu cuốn lá lúa và sâu tơ bắp cải,... sử dụng xong vứt khắp các bờ ruộng, lại gần cả các giếng nước.

Các nông dân kinh nghiệm cho biết, rau nào cũng cần phun thuốc, tuy nhiên, khi phun thuốc xong phải để cách ly đủ ngày mới cắt bán.

Rau nhiễm độc: Phun thuốc sâu kiểu này bao giờ mới hết
Vỏ thuốc sâu tràn ngập cánh đồng rau

Anh nông dân trẻ cũng thừa nhận: “Chúng tôi bơm nhiều loại thuốc, nhưng cụ thể tên gì thì không nhớ. Cứ ra cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật kể sau họ bán cho về phun thôi”. “Thế nhưng, chuẩn bị bán thì dừng không phun nên yên tâm. Đặc biệt, rau bắp cải cuộn từ trong ra ngoài, mà phun thuốc thì ướt là ngoài chứ không ướt lá trong nên lúc cắt bán, bóc bỏ lá bên ngoài đi là an toàn, phun nhiều cũng không lo”.

Trước đó, vào tháng 11/2015, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong một cuộc điều vào khoảng thời gian 2010-2011 phát hiện tỷ lệ nông dân sử dụng thuốc BVTV sai cách lên đến 20%, chủ yếu là do sử dụng quá liều, sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép hoặc không tuân thủ đúng thời gian cách ly,...

Trao đổi với PV, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết, ông vừa làm việc với Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung về tình trạng trồng rau xanh hiện nay quá nguy hiểm và nguy cơ mất an toàn cao.

Theo Giáo sư Dũng, chúng ta đang nhập về 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm gồm 4.100 thương phẩm và khoảng 1.630 hoạt chất (ở Trung Quốc chỉ cho dùng khoảng 900 hoạt chất). Đáng chú ý là có đến 90% lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập từ Trung Quốc.

Với thực tế sản xuất hiện nay, theo giáo sư Dũng, không thể dựa vào lời nói của nông dân nói rau đó an toàn là có thể khẳng định an toàn, ăn vào sẽ không ảnh hưởng gì tới sức khỏe. 

"Nông dân toàn tự phun thuốc. Khi thu hoạch rau bán thì nói cách ly đúng theo hướng dẫn của mỗi loại thuốc. Tuy nhiên, không ai dám chắc nông dân họ thực hiện đúng và trung thực trong quá trình họ trồng rau không có cơ quan nào có thể giám sát hết được. Đây chính là khâu khó nhất trong sản xuất rau an toàn hiện nay".

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho hay, tất cả các loại hóa chất bảo vệ thực vật đều độc hại, tuy nhiên, mức độ độc hại còn phụ thuộc nhiều vào liều lượng được dùng ít hay nhiều và thời gian cách ly dài hay ngắn. Có loại thời gian cách ly để phân giải hết hàm lượng độc tố của thuốc chỉ 1 tuần, 2 tuần, có loại thời gian cách ly tới cả tháng.

Thực tế, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun lên rau, hoa quả, vẫn còn một bộ phận không tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật, chưa hết thời gian cách ly đã vội thu hoạch về bán. Theo đó, rau cỏ thường bị tồn dư một lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Kết quả, người tiêu dùng mua các loại rau quả có tồn dư các loại thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng về ăn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người.


Theo VietNamNet

thuốc bảo vệ thực vật

thuốc trừ sâu

rau nhiễm thuốc trừ sâu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.