Thêm một phương án giá điện 2 bậc

Trong bối cảnh cả 3 phương án biểu giá điện mà EVN đưa ra lấy ý kiến đều bị cho là chưa phù hợp

Trong bối cảnh cả 3 phương án biểu giá điện mà EVN đưa ra lấy ý kiến đều bị cho là chưa phù hợp, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vừa có văn bản đề nghị xây dựng thêm một phương án biểu giá điện 2 bậc mới, trong đó từ 100 kWh trở lên mới tính giá lũy tiến.   

Một bậc dành riêng cho người nghèo

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vừa đề xuất Bộ Công Thương, EVN xem xét nghiên cứu thêm một phương án giá điện 2 bậc. Trong đó, bậc 1 dành cho đối tượng hộ nghèo, khó khăn với mức giá giữ trong khoảng từ  1.484 đồng/kWh đến 1.533 đồng/kWh. Lượng điện người tiêu dùng sử dụng trong bậc này (thông qua cân đối tính toán cụ thể) tối đa là 100kWh. Bậc 2 dành cho tất cả các đối tượng sử dụng điện còn lại với mức giá lũy tiến trên cơ sở tính toán khoa học và số liệu thống kê tin cậy.

them mot phuong an gia dien 2 bac hinh anh 1

Công nhân điện lực kiểm tra chỉ số điện tại phường Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: L.H.T

Đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, đây là phương án đơn giản, rõ ràng, thuận lợi hơn so với cả 3 phương án mà EVN đã đề xuất trước đó. Đặc biệt, phương án mới này vẫn đáp ứng được yêu cầu về chính sách giá điện ưu việt của Đảng và Nhà nước là hỗ trợ đối tượng hộ nghèo, khó khăn, không khuyến khích dùng quá nhiều điện (thậm chí lãng phí) trong khi nguồn và khả năng cung ứng còn khó khăn.

Phương án giá điện hai bậc này cũng thể hiện nguyên tắc bình đẳng về giá mua bán điện đối với các hộ có điều kiện, thu nhập trung bình trở lên, khuyến khích quan tâm tiết kiệm điện ở mọi đối tượng sử dụng điện. Đồng thời đảm bảo nguyên tắc đơn vị sản xuất kinh doanh điện bù đắp được chi phí sản xuất, có lợi nhuận hợp lý (theo quy định của Cơ quan quản lý Nhà nước).

Bình luận về phương án này của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh  Hùng - Phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nói: Vấn đề là ở chỗ áp dụng cách tính giá điện như thế nào ở các bậc để đáp ứng các chính sách của nhà nước, trong đó có chính sách an sinh xã hội, chính sách tiết kiệm. Nếu giá điện dành cho hộ nghèo mà đã ở mức 1.533 đồng/kWh thì giá điện ở bậc tính lũy tiến cho các đối tượng sử dụng điện còn lại sẽ được tính ra sao để đảm bảo EVN có lợi nhuận hợp lý?

“Đừng nói bậc mà hãy tính lại giá!”

Quan điểm của ông Hùng là chỉ nên áp dụng một chính sách giá bán lẻ điện sinh hoạt theo bậc thang và Chính phủ vẫn có chính sách hỗ trợ với hộ nghèo, thu nhập thấp. Còn số bậc thang là bao nhiêu phải trên cơ sở các dữ liệu có liên quan để tính toán cụ thể, bảo đảm giá điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, phản ảnh các yếu tố đầu vào của sản xuất điện (như giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu huy động các nguồn điện và giá điện trên thị trường…), đồng thời cũng phải tính tới tác động của giá điện đối với số đông người tiêu dùng có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Cùng với đó cũng phải tính tới tác động của việc điều chỉnh giá điện tới nền kinh tế trong vai trò điện là chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất.

PGS.TS Nguyễn Minh Duệ - Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, biểu giá điện sinh hoạt được đưa ra lấy ý kiến chỉ phục vụ cho lợi ích phía người sản xuất, chưa thể hiện đầy đủ các khía cạnh đảm bảo tính minh bạch, công bằng giữa sản xuất và tiêu dùng. Theo vị chuyên gia này, các phương án biểu giá điện đưa ra hiện nay còn phiến diện, chưa đủ căn cứ khoa học đối với người làm chính sách. "Sự thiếu công bằng lớn nhất là ở chỗ biểu giá đưa ra bảo vệ tính nguyên vẹn lợi ích của EVN, trong mọi tình huống đều đẩy mọi trách nhiệm về phía người tiêu dùng. Do đó, khó có sự thỏa mãn đầy đủ của các hộ tiêu dùng. Vì sao phải bảo vệ nguyên vẹn doanh thu của ngành điện và có lãi, đảm bảo giá bán lẻ bình quân 1.747 đồng/kWh trong khi tính minh bạch chưa được làm rõ?".

“Đừng nói bậc mà hãy tính lại giá. Tôi đề nghị không rút gọn xuống 3 hoặc 4 bậc hay 2 bậc như các đề xuất mà để nguyên 6 bậc như hiện nay, với các giải pháp thực hiện như sau: Tính toán kỹ lưỡng mỗi bậc thang từ bao nhiêu kWh đến bao nhiêu kWh tương ứng với giá là bao nhiêu. Để áp giá các bậc một cách chính xác, đề nghị xác định giá bình quân điện sinh hoạt hợp lý, trong đề án EVN lấy giá bình quân điện sinh hoạt là 1.747 đồng/kWh là chưa có cơ sở, cao hơn nhiều giá điện bình quân cho mọi đối tượng 1.662 đồng/kWh” - ông Duệ nói.

Còn GS.Nguyễn Quang Thái  - Viện Kinh tế Việt Nam thì cho rằng, có thể tách ra đồng hạng giá điện cho người sử dụng dưới 100 kWh, người nghèo được hỗ trợ trực tiếp không qua EVN. Tuy nhiên, các đơn giá tiếp theo phải là con số không có số lẻ, người dân tự kiểm chứng được. Theo ông Thái, có thể đưa phương án giá bán lẻ điện 4 bậc thang như dưới 100 KWh; 100-200 KWh; 201-400 KWh và trên 401 KWh và các nấc thang cũng nên “mượt mà” hơn. Ví dụ: bậc 1 (1.500 đồng/kWh); bậc 2 (tăng 20% là 1.800 đồng/kWh); bậc 3 (tăng thêm 20% là 2.100 đồng/kWh) và bậc 4 là (tăng thêm 20% nữa là 2.400 đồng/kWh).

Theo Dân Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.