Truyền thông bất lương và nỗi oan mắm Việt

Thực tế, kết quả khảo sát của Vinastas chỉ phát hiện asen trong nước mắm là asen hữu cơ. Đến thời điểm này chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy asen hữu cơ có độc tố hoặc gây hại cho sức khoẻ con người.

Khi những loại nước mắm bị quy án 'nhiễm asen' bị rút khỏi quầy hàng siêu thị, trên quầy chỉ còn nước mắm công nghiệp, đó là tín hiệu cho thấy các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp chuẩn bị kiếm được hàng ngàn tỷ nhờ một bàn tay vô hình đã "vung một nhát dao", đẩy ngành nước mắm truyền thống vào khó khăn và dồn hàng triệu ngư dân vào khốn đốn.

Câu chuyện nước mắm nhiễm asen được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố đang có những biểu hiện mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn cho rằng có dấu hiệu của sự cấu kết bất lương trong truyền thông của doanh nghiệp (DN), thậm chí là vi phạm pháp luật.

Thật may, không giống những kịch bản truyền thông trước đây, sự lên tiếng của người đứng đầu ngành TT&TT đang là tiếng nói mạnh mẽ nhất để giúp người dân trong cơn hoang mang có cái nhìn chuẩn xác và công bằng về độ an toàn của nước mắm truyền thống. Những người sản xuất chân chính có thể tin rằng  hành vi làm truyền thông bất lương sẽ bị lật tẩy.

Nghi vấn truyền thông "bẩn"

nước mắm bị 'nhiễm asen', siêu thị, nước mắm công nghiệp, nước mắm truyền thống, ngư dân, điêu đứng, tin đồn, nước mắm sạch, rùng mình

Hệ thống siêu thị Fivimart tạm ngừng bán nhiều loại nước mắm truyền thống

Đầu 10/2016, xuất hiện thông tin nói nước mắm công nghiệp được tạo ra bởi hơn 20 loại thành phần gồm: nước, muối, đường, tinh cốt cá cơm, chất tạo ngọt, chất điều vị, hương cá hồi, chất tạo màu, chất bảo quản…

Vài ngày sau, đến 11/10, một DN sản xuất nước mắm công nghiệp đã có thông cáo cho biết đã gửi công văn kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện thanh tra toàn diện ngành nước mắm. Trong đó, họ đề nghị cơ quan thanh tra chú trọng việc tuân thủ quy định về giới hạn quy định kim loại nặng trong nước mắm, đặc biệt là asen.

Bốn ngày sau, Vinastas cho biết, cơ quan này đã tiến hành lấy 150 mẫu nước mắm trên thị trường để khảo sát và thực hiện kiểm nghiệm. Trong đó, chỉ đích danh chỉ tiêu kiểm nghiệm là hàm lượng asen trong nước mắm nhằm thông tin cho người tiêu dùng, đồng thời kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp quản lý phù hợp.

Ngày 17/10, Vinastas họp báo công bố kết quả kiểm nghiệm cho thấy: 67% mẫu nước mắm kiểm nghiệm phát hiện có hàm lượng asen vượt ngưỡng tối đa cho phép. Điểm đáng lưu ý, các loại nước mắm bị nhiễm asen hầu hết đều là nước mắm truyền thống có độ đạm cao. Cũng theo kết quả của Vinastas, các loại nước mắm công nghiệp đều có hàm lượng asen nằm trong giới hạn cho phép.

Thông tin ấy ngay lập tức được tỏa đi với tốc độ chóng mặt. Khi người tiêu dùng đang hoang mang, siêu thị đã bồi thêm một cú bằng việc rút khỏi kệ hàng của mình tất cả các loại nước mắm truyền thống khiến nỗi sợ hãi của người dân đã lên cao tột cùng.

nước mắm bị 'nhiễm asen', siêu thị, nước mắm công nghiệp, nước mắm truyền thống, ngư dân, điêu đứng, tin đồn, nước mắm sạch, rùng mình

Và lập tức, một nhà sản xuất nước mắm công nghiệp tung chiêu quảng cáo rằng sản phẩm của mình đạt giới hạn an toàn về asen.

Đến đây, cộng đồng đã phần nào nhận ra một kịch bản truyền thông đã được lộ ra, mà nhiều người cho rằng đó là một kịch bản bất lương.

Lập lờ đánh lận con đen

Sự thật, chuyện nước mắm nhiễm asen vượt ngưỡng giới hạn cho phép đang bị các chuyên gia vạch trần.

Thực tế, kết quả khảo sát của Vinastas chỉ phát hiện asen trong nước mắm là asen hữu cơ. Đến thời điểm này chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy asen hữu cơ có độc tố hoặc gây hại cho sức khoẻ con người. Asen vô cơ mới là loại kim loại độc hại. Vinastas đã phân tích sang lần thứ hai nhưng tuyệt đối không tìm ra bất kỳ một mẫu nước mắm nào có chứa asen vô cơ.

Tuy nhiên, cách thông tin chung chung rằng nước mắm nhiễm asen đã tạo nên một cuộc khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng về độ an toàn của nước mắm.

Hành vi công bố thông tin chung chung của Vinastas không rõ là vô tình hay hữu ý nhưng chắc chắn một điều nó có thể khiến người tiêu dùng tẩy chay nước mắm truyền thống, thay vào đó là sử dụng nước mắm công nghiệp.

Ai thiệt, ai lợi trong câu chuyện này chắc không cần phải nói gì thêm nữa.

nước mắm bị 'nhiễm asen', siêu thị, nước mắm công nghiệp, nước mắm truyền thống, ngư dân, điêu đứng, tin đồn, nước mắm sạch, rùng mình

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, tiêu chuẩn Việt Nam chỉ quy định hàm lượng asen là asen vô cơ, và quy định này chỉ dành cho nước chấm chứ không phải nước mắm. Chính Bộ trưởng cũng đặt cao hỏi tại sao Vinastas lại lập lờ khi nói rằng asen trong nước mắm vượt ngưỡng. Câu hỏi này hoàn toàn xác đáng bởi theo tiêu chuẩn Việt Nam hoàn toàn không có bất kỳ cơ sở nào làm căn cứ cho rằng 67% mẫu nước mắm có asen vượt ngưỡng.

Đơn giản là không có quy định về điều đó.

Có vẻ như vì một mục đích nào đó Vinastas đã tự đặt ra quy định hàm lượng giới hạn về asen hữu cơ - một chất không gây độc hại, vốn tồn tại trong tự nhiên trong hải sản nên độ đạm càng cao thì asen hữu cơ càng lớn.

Sự lập lờ đánh lận con đen của Vinastas đã tiếp tay đẩy nước mắm truyền thống vào khốn khó, để nước mắm công nghiệp giành vị trí độc tôn.

Có lẽ, những người làm lãnh đạo của Vinastas không thể ngây thơ đến mức lại không thể phân biệt được asen hữu cơ là vô hại khi tung ra một thứ thông tin vô trách nhiệm với người tiêu dùng và cả người sản xuất nước mắm truyền thống. Nhất là khi đứng sau cuộc khảo sát của Vinastas là một nhà tài trợ tiền vẫn đang được Vinastas bảo vệ danh tính đến cùng. Họ đến giờ vẫn không dám công khai ai đã trả tiền để họ thực hiện kiểm nghiệm nước mắm và công bố thông tin lập lờ kia.

Có hay không hành vi cấu kết với nhau để tạo một cú áp phe dựa trên nỗi hoảng sợ của người tiêu dùng khi gieo một tin sai sự thật để trục lợi?

Dự luận hoàn toàn có thể nghi ngờ những bàn tay 'bẩn' đã bắt tay với nhau để tạo ra một cuộc khủng hoảng truyền thông nhằm đẩy ngành nước mắm truyền thống vào thế khốn cùng. Đơn giản, nếu không có sự mờ ám, chẳng lý gì người ta phải giấu tên nhà tài trợ. Hơn nữa, một cuộc khảo sát được thực hiện bằng tiền của một thế lực giấu mặt thì phải lý giải thế nào về về sự trung thực, khách quan, vì cộng đồng.

Vinastas phải xin lỗi người tiêu dùng và các nhà sản xuất nước mắm truyền thống. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Cần phải có một cuộc điều tra về việc có hay không sự cấu kết của những bàn tay bẩn tạo nên cú truyền thông bất lương lần này. Người gây ra hậu quả phải bị quy trách nhiệm. Chỉ như thế nỗi oan mắm Việt mới được giải, lo lắng của người tiêu dùng mới chấm dứt.

Hơn nữa, những người gây ra cuộc chiến nước mắm này phải bị loại khỏi thị trường. Bởi, chẳng thể nào kì vọng những bàn tay bẩn có thể làm ra nước mắm sạch.

Theo VietNamNet


kinh tế

thị trường

nước mắm

truyền thông


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.