Vất vả thu hồi mỹ phẩm chứa paraben

Các sản phẩm thu hồi rất đa dạng, từ sữa rửa mặt, tế bào gốc tái tạo phục hồi da, serum cho vùng mắt, kem dưỡng trắng sáng da...

Trong hơn 2.200 loại mỹ phẩm của 231 công ty bị thu hồi do chứa chất paraben nghi gây ung thư có những tên tuổi quen thuộc, được người tiêu dùng ưa chuộng

Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, vừa ra quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc từ ngày 31-7 đối với gần 2.100 loại mỹ phẩm nhập khẩu và 142 sản phẩm của 231 công ty do chứa 5 dẫn chất paraben (gồm: Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben) nghi ngờ gây ung thư vú.

Doanh nghiệp “không kịp trở tay”

Trong danh sách này có những sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới, như: Christian Dior, Olay, Elizabeth Arden, The Face Shop, Kose, Lancôme Paris, Vichy, Olay… cùng nhiều sản phẩm của các công ty trong nước: Yến Phương, LaCosmé, V-Day, Nasca, Thorakao, Raole, Victory, Mắt Ngọc...

Các sản phẩm thu hồi rất đa dạng, từ sữa rửa mặt, tế bào gốc tái tạo phục hồi da, serum cho vùng mắt, kem dưỡng trắng sáng da, dầu gội cho đến sữa tắm, kem chống nắng, kem ngừa mụn, lăn khử mùi, kem cạo râu, dung dịch phụ khoa, gel săn chắc da, kem ngừa nám, kem ủ tóc...

Người dân chọn mua mỹ phẩm tại một siêu thị tại TP HCM. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: TẤN THẠNH
Người dân chọn mua mỹ phẩm tại một siêu thị tại TP HCM. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: TẤN THẠNH

Khảo sát thị trường mỹ phẩm TP HCM ngày 30-7 cho thấy không có tình trạng xuống hàng ồ ạt. Một nhân viên cửa hàng Guardian trên đường Trương Định, quận 3 - thuộc chuỗi cửa hàng chuyên sản phẩm sức khỏe về sắc đẹp- tỏ ra bất ngờ trước thông tin thu hồi mỹ phẩm hàng loạt.

Còn tại cửa hàng của Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao) trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, kem dưỡng da ốc sên ban đêm, kem nghệ thuộc diện bị thu hồi vẫn bày bán bình thường. Nhân viên công ty này cho biết chỉ có nhiệm vụ bán hàng, các thông tin khác phải liên hệ công ty. Theo danh sách mà Cục Quản lý dược thông báo, Thorakao có 13 loại mỹ phẩm phải thu hồi do chứa dẫn chất paraben.

Trong khi đó, Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam có 44 sản phẩm trong diện thu hồi nhưng đại diện nhãn hàng này khẳng định hầu hết đã ngưng sản xuất từ lâu. Qua rà soát từ thông báo trước đó của Cục Quản lý dược, L’Oreal có 3 sản phẩm còn sử dụng paraben thuộc danh sách cấm nên công ty đã ngừng lưu hành từ đầu tháng 7.

Tại nhiều cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ở Hà Nội, một số nhân viên bán hàng cho rằng khó mà thu hồi hết vào ngày 31-7 bởi việc loại bỏ cả ngàn sản phẩm trong thời gian ngắn là không đơn giản. Do thời gian thu hồi quá gấp gáp nên cửa hàng “không kịp trở tay”.

Theo đại diện hệ thống Co.opmart, ngay sau khi nhận được thông tin, siêu thị này đã làm việc với các nhà cung cấp, các nhãn hàng để có phương án, lộ trình thực hiện. Đến 17 giờ ngày 30-7, Co.opmart nhận được hầu hết kết quả kiểm định cập nhật của các nhãn hàng đáp ứng tốt quy định mới.

Co.opmart bảo đảm từ ngày 31-7, tất cả sản phẩm hóa mỹ phẩm chăm sóc cá nhân kinh doanh trong hệ thống siêu thị này sẽ thực hiện đúng quy định. Nhà phân phối này nhận định đợt thu hồi khiến các công ty phải rà soát đến mấy ngàn mặt hàng, dù chưa đến mức “khủng hoảng” nhưng rất vất vả và tốn kém để đáp ứng quy định mới.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị Lotte Mart cho hay chưa nhận được thông báo chính thức từ nhà cung cấp hay nhà sản xuất mà mới cập nhật thông tin trên trang web của Cục Quản lý dược. Từ danh mục này, quản lý ngành hàng mỹ phẩm khá bối rối vì tên sản phẩm theo công bố của cơ quan chức năng rất khác với tên thương mại trên thị trường; lệnh thu hồi cũng không nêu rõ đó là dòng mỹ phẩm nào nên phải rà hồ sơ từng sản phẩm. Do thời gian thu hồi quá gấp, Lotte Mart lo ngại nguy cơ thu hồi sai hoặc sót hàng. Dự kiến, siêu thị này mất 3-4 ngày mới rà soát, đối chiếu xong và loại bỏ các sản phẩm thuộc diện thu hồi.

Thực hiện theo lộ trình thế giới

Trong văn bản khẩn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố, những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm ngày 28-7, ông Nguyễn Tất Đạt đã yêu cầu các đơn vị thông báo và tiến hành thu hồi sản phẩm mỹ phẩm trong danh mục buộc phải thu hồi trước ngày 31-7.

Trước đó 4 tháng, Cục Quản lý dược đã thông báo đưa 5 dẫn chất paraben vào danh mục các chất cấm, không dùng trong mỹ phẩm, có hiệu lực từ ngày 31-7. Cục đã khuyến cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh tự thu hồi sản phẩm có chứa 5 dẫn chất này theo đúng lộ trình quy định.

Ông Đạt cho biết Cục Quản lý dược cũng áp dụng việc công bố lưu hành sản phẩm qua mạng internet tại trang web của cục để kiểm soát việc thu hồi sản phẩm. “Sau khi sản phẩm lưu hành, nếu doanh nghiệp (DN) cố tình sử dụng paraben và các chất bị cấm trong sản phẩm thì ngoài phạt tiền còn có hình phạt bổ sung là rút chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, thu hồi, ngừng lưu hành sản phẩm” - ông Đạt khẳng định.

Trước đó, ngày 18-9-2014, Ủy ban Mỹ phẩm Cộng đồng châu Âu nghi ngờ một số dẫn chất của paraben có thể gây ung thư vú nên đã ra quy định cập nhật 5 dẫn chất vào danh mục các chất không dùng trong mỹ phẩm. Tuy nhiên, Hội đồng Khoa học châu Âu lại tuyên bố hiện không có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định các dẫn chất paraben bị cấm ấy không an toàn nếu dùng với nồng độ giới hạn cho phép.

Do chưa có bằng chứng cụ thể về sự mất an toàn của các sản phẩm và cần thời gian để tìm kiếm, thay thế các hợp chất an toàn hơn, Cộng đồng châu Âu quyết định đưa ra lộ trình để thực hiện khuyến cáo này.

Sau đó, Hội đồng Mỹ phẩm ASEAN đã cập nhật quy định mới về các chất nêu trên từ Cộng đồng châu Âu, đồng thời khuyến cáo ngưng sử dụng các chất này để thay thế các chất an toàn hơn. Vì Việt Nam nằm trong cộng đồng ASEAN nên Cục Quản lý dược đã cập nhật các chất dùng trong mỹ phẩm, trong đó khuyến cáo việc ngưng sử dụng 5 dẫn chất paraben và thực hiện theo lộ trình nhất định.

Bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM, khẳng định các DN có sản phẩm bị thu hồi là đơn vị chịu trách nhiệm chính, phải thông báo cho hệ thống phân phối và người tiêu dùng biết. Nếu DN cố tình tiêu thụ sản phẩm trong diện bị thu hồi thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật mà không thể đổ thừa cho đại lý bên dưới.

Sử dụng phổ biến trong nhiều loại mỹ phẩm

Theo PGS-TS-BS Lê Ngọc Diệp, Trường ĐH Y Dược TP HCM, paraben là chất có mặt trong nhiều loại mỹ phẩm, đặc biệt sử dụng phổ biến trong các dòng chăm sóc cá nhân và nhiều sản phẩm dành cho trẻ em như sữa tắm, khăn giấy ướt. Các nhà sản xuất thường phối hợp các gốc paraben để giúp giảm liều lượng những chất này trong sản phẩm, đồng thời tăng khả năng kháng khuẩn và kháng nấm. Paraben (có 12 loại, trong đó 5 chất độc nhất bị cấm) là các biến thể của dầu hỏa, dùng trong mỹ phẩm để ngăn ngừa sự ôxy hóa của sản phẩm.


Theo Người lao động


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.