Việt Nam vẫn chưa được cấp phép xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc

Việt Nam hiện vẫn chưa nằm trong danh sách các nước được cấp phép xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc.

Việt Nam hiện vẫn chưa nằm trong danh sách các nước được cấp phép xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc. Do vậy, hoạt động xuất khẩu lợn sống từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, đường mòn... sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Trong một thông báo phát đi chiều 17.5, Bộ Công thương cho biết, trong thời gian gần đây, giá thịt lợn tại thị trường Trung Quốc liên tục tăng cao và đã vượt mức giá cao nhất 5 năm, tính từ tháng 6.2011, nguyên nhân là do nước này đang thiếu nguồn cung trầm trọng.

Theo đó, để giải quyết vấn đề này, các cơ quan trung ương và địa phương Trung Quốc đã tăng cường nguồn cung thịt lợn đông lạnh từ kho dự trữ quốc gia cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, vấn đề thiếu nguồn cung thịt lợn tại thị trường Trung Quốc vẫn chưa thể giải quyết một cách hiệu quả.

thịt lợn, thịt lợn xuất khẩu, xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, Việt Nam xuất khẩu thịt lợn, thịt lợn Việt Nam 

Trong bối cảnh đó, xuất khẩu lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đất liền giữa hai nước đang tăng mạnh, hai bên giao dịch ở tần suất lớn. Tuy nhiên vấn đề ở đây chính là Việt Nam vẫn chưa nằm trong danh sách các nước được cấp phép xuất khẩu sản phẩm thịt (bao gồm thịt lợn) sang thị trường Trung Quốc do Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc công bố ngày 29.4.2016.

Do đó, Bộ Công thương cảnh báo hoạt động xuất khẩu lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở biên giới đất liền sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề này, vào tháng 4 vừa qua, Bộ Công thương cũng phát đi thông báo về việc giá thịt lợn Trung Quốc đang có xu hướng tăng mạnh. Trong tháng 3 vừa qua, giá thịt lợn sống bình quân tại thị trường Trung Quốc ở mức 66.000 đồng/kg, tăng 55,3% so với cùng kỳ năm 2015. Theo đánh giá, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vài năm gần đây ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc bước vào chu kỳ điều chỉnh, kéo theo sự phục hồi và nhu cầu bù lỗ của các hộ chăn nuôi sau thời gian dài thua lỗ.

Ngoài ra, hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu trong năm 2015 đã ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của lợn, khiến nguồn cung trong nước bị giảm sút.

Trong khi đó, giá thịt lợn hơi trên thị trường bán lẻ có tăng, song mức tăng thấp hơn mức tăng thịt lợn sống. Trong tháng 3.2016, giá bình quân mỗi ký thịt lợn hơi bán trong các chợ, siêu thị tại 36 thành phố lớn của nước này là khoảng 118.000 đồng/kg, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo dự báo của Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc, từ nay đến Tết Trung thu và Quốc khánh Trung Quốc (1.10), giá thịt lợn tại thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cao. Do giá thịt lợn tại thị trường nội địa tăng cao nên nhiều thương lái nước này đã tận dụng cơ hội nguồn cung rẻ tại các thị trường láng giềng để nhập khẩu về, trong đó Việt Nam chính là mục tiêu nhập khẩu thịt lợn chính của Trung Quốc.

Trong những tháng qua, các thương lái Trung Quốc đang tích cực thu mua khối lượng lớn thịt lợn hơi từ phía Việt Nam để hưởng mức giá rẻ, vì giá thịt lợn hơi của Việt Nam chuyển qua biên giới phía bắc để xuất sang Trung Quốc có giá chưa đến 60.000 đồng/kg.

Trao đổi với phóng viên về nguyên nhân khiến thương lái Trung Quốc tích cực thu mua lợn sống của Việt Nam qua đường tiểu ngạch, TS Đoàn Xuân Trúc, Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết: "Trung Quốc nhập lợn Việt Nam qua đường tiểu ngạch lợi hơn rất nhiều nước khác, vì nếu nhập qua đường chính ngạch thuế nhiều, giá cao, không trốn thuế được, trong khi nhập từ Việt Nam qua đường tiểu ngạch sẽ được hưởng lợi những thứ đó".

TS Trúc cho biết thêm, tình trạng nhập khẩu thịt lợn sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch không được kiểm soát chặt. Để tránh tình trạng thua lỗ, người dân Việt Nam cần phải kết hợp với phía Trung Quốc để ghi rõ số liệu sản xuất, số liệu lấy hàng để tránh thiệt hại. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa được đề ra, người chăn nuôi vẫn xuất theo kiểu “thích thì làm”, tác động lớn tới thị trường chăn nuôi, làm mất cân đối nguồn cung - cầu trong nước, tạo nên cơn sốt giá và không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Chính những điều này khiến ngành chăn nuôi trong nước kém sức cạnh tranh và bị thịt nhập khẩu chèn ép ngay trên sân nhà.

Theo Một thế giới


Trung Quốc

thị trường

xuất khẩu thịt lợn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.