Những chuyện cảm động của “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

Hiện nay, đang là thời điểm chó mèo đi lang thang nhiều hơn do bị bỏ đói vì chủ bận bịu lơ đãng việc chăm sóc.

Hiện nay, đang là thời điểm chó mèo đi lang thang nhiều hơn do bị bỏ đói vì chủ bận bịu lơ đãng việc chăm sóc. Điều này đang khiến những người cứu hộ chó mèo phải rước đón không xuể chó mèo bị lang thang, cơ nhỡ.

 Bạn Nguyễn Khánh Vân điều phối viên bế trên tay chú mèo con vừa được cứu về. Ảnh: Khánh Hải
Bạn Nguyễn Khánh Vân điều phối viên bế trên tay chú mèo con vừa được cứu về. Ảnh: Khánh Hải

Càng gần Tết, chó mèo cơ nhỡ càng nhiều

Bạn Nguyễn Khánh Vân, điều phối viên của Trạm cứu hộ chó mèo Hà Nội cho biết: “Cách đây khoảng vài tháng trung bình một ngày Trạm phải cứu hộ khoảng 2 – 3 ca chó mèo bị bỏ rơi, tuy nhiên dịp gần Tết thế này có ngày Trạm nhận được hơn chục ca cần cứu hộ”.

Vân nhớ lại trong ngày mùng 1 Tết năm , Trạm đã tiếp nhận được 15 trường hợp. Theo Vân sở dĩ dịp Tết số lượng cứu hộ chó mèo nhiều hơn là do chủ nhân quá bận bịu để chúng bị bỏ đói. Thương nhất là những con chó mèo già yếu, bệnh tật, tai nạn bị bỏ đói khi được cứu hộ chúng đã rất yếu, phải chăm sóc rất cẩn thận nhưng nhiều con cũng không thể cứu chữa được.

Theo tìm hiểu của PV, hẩm hiu nhất vẫn là những chú mèo chẳng may bị lang thang cơ nhỡ do quan niệm của người Việt “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang” nên chúng thường bị xua đuổi trong dịp này. Đã không ít trường hợp các thành viên của Trạm cứu hộ nhận được những chú mèo đã rất yếu sức vì phải chịu cảnh đói rét.

Để duy trì được Trạm cứu hộ hoạt động, các thành viên trong nhóm mỗi khi cứu hộ được chú chó, mèo nào sẽ đăng trên Facebook và nhận được nhiều sự ủng hộ: người ủng hộ tiền, người ủng hộ thức ăn, người bỏ thời gian chăm bẵm, ai cũng thấy vui và ý nghĩa. “Làm công việc này mình mới thấy có rất nhiều người yêu động vật, họ chính là một phần động lực để nhóm mình tiếp tục duy trì hoạt động của trạm”, Vân chia sẻ

Tìm hiểu về quá trình các bạn tìm chủ cho những vật nuôi bị bỏ rơi chúng tôi được biết, thông thường những trường hợp chó mèo khỏe mạnh, hình thức đẹp sẽ được vô số người nhận nuôi. Còn đối với những trường hợp đã già, xấu, bệnh tật lại gặp vô vàn khó khăn trong việc tìm chủ mới. Những trường hợp như vậy các thành viên trong nhóm cứu hộ lại kiên nhẫn đăng tin tìm chủ, thậm chí có chú chó đã ở với các bạn cả năm trời vẫn chưa tìm được chủ mới. “Không phải vì khó mà bọn mình dễ dàng trong việc tìm chủ nuôi mới, nếu như gặp phải chủ nuôi không tốt rất có thể chúng sẽ lại bị bỏ rơi một lần nữa, thậm chí là còn bị giết thịt”, Vân chia sẻ

Ngay cả đến những con chó chú mèo sau khi đã được cứu hộ và tìm được chủ mới, đến gần Tết lại bị đem trả lại. Lý do thì muôn vàn nhưng phần lớn đều do…bận. Có những trường hợp người nhận nuôi sau khi được phỏng vấn chán chê, cam kết chắc chắn nhưng đến ngày hẹn đến đón lại không thấy đâu.

“Bọn mình có một quy định chung là không được tiết lộ địa chỉ nhà chung của trạm cứu hộ. Nếu tiết lộ sẽ có rất nhiều người mang chó mèo già yếu, bệnh tật đến, ngày bình thường đã nhiều rồi ngày Tết càng quá tải.” Bạn Phạm Nam Long, một thành viên của trạm cho biết.

Những người không có Tết

Một người yêu động vật đến ủng hộ cho trạm.
Một người yêu động vật đến ủng hộ cho trạm.

Long cho biết đã từng vượt hàng trăm cây số về Bắc Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình… để cứu hộ chó mèo, không kể ngày thường hay ngày lễ. “Việc mình vắng nhà vào những ngày Tết đã trở nên quá quen thuộc rồi, mình nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ mẹ mình cũng là người rất yêu quý động vật, còn cha mình lại là người không thích mèo nên mình không dám để cho cha mình biết việc mình đang làm”, Long chia sẻ

Vì số lượng công việc nhiều, trạm liên tục tuyển tình nguyện viên, tuy nhiên do công việc quá vất vả lại không có thù lao, có thể đi cứu trợ vào bất cứ lúc nào nên sau một thời gian hoạt động, nhiều bạn thấy nản và đã quyết định từ bỏ.

Năm nào cũng như năm nào, cứ vào dịp Tết là trạm lại rơi vào tình trạng quá tải, lượng chó mèo tiếp nhận ngày một đông, chuồng không đủ để nuôi nhốt nên thường phải ghép chuồng. Ngoài ra không phải ai cũng yêu quý chó mèo nên các bạn thường xuyên gặp phải sự phàn nàn của người dân quanh trạm, có khi còn bị dọa báo công an, dọa đuổi. Các bạn cho hay Tết năm nay số lượng cứu hộ chó mèo chắc chắn sẽ còn cao hơn những năm trước, sức người thì có hạn nên các bạn chưa biết phải xoay sở thế nào.

“Từ ngày mình tham gia trạm cứu hộ mình có được đi đâu đâu, ngày lễ Tết lại càng khó vì lúc đấy các thành viên ngoại tỉnh đã về quê hết, thiếu người mà việc thì nhiều lên, công việc chăm sóc, cứu hộ chó mèo được mình và các bạn ở Hà Nội thay nhau phụ trách. Ngày thường vất vả một thì ngày Tết lên đến mười, nói thật là cứ đến dịp này là mình lại thấy sợ lắm”, Vân cười nói.

Vân cho biết thêm “Ngoài sự ủng hộ của những người yêu động vật bọn mình còn nhận được sự hỗ trợ từ khá nhiều các phòng khám, bởi với số lượng chó mèo hàng ngày một phòng khám không thể tiếp nhận hết.

Càng về cuối năm các thành viên của trạm cứu hộ đặc biệt này đều mong muốn những người bạn bốn chân của mình có thể tìm được một ngôi nhà mới tốt đẹp hơn, sang năm mới nhận được nhiều sự yêu thương hơn, mọi người sẽ có ý thức tốt hơn trong việc chăm sóc vật nuôi của mình, đừng bao giờ bỏ rơi chúng.

Trạm cứu hộ chó mèo Hà Nội là một tổ chức chuyên đi thu nhận chó mèo bị bỏ rơi, gặp nạn quanh khu vực Hà Nội. Trạm được thành lập vào tháng 4 năm 2012 do bạn Nguyễn Lương Tuyết Nhung (SN 1990) khởi xướng. Với quy mô ban đầu chỉ có vài thành viên cùng chung lòng yêu thương động vật, giờ đây trạm đã có khoảng hơn 30 thành viên hoạt động thường xuyên cùng với hàng ngàn tình nguyện viên trên khắp cả nước. Hiện nay trạm chủ yếu hoạt động trên Fanpage Facebook và số điện thoại đăng trên mạng xã hội (01234524650). Cho đến nay số lượng chó mèo được trạm cứu trợ đã lên tới con số hơn 3.000 và ngày càng tăng thêm.


Theo Khánh Hải/Báo Gia đình & Xã hội


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.