Video: Cảnh sinh hoạt của công nhân trong lán tạm ở quận Hoàng Mai, Hà Nội
6 giờ chiều, tại một công trường đang xây dựng ở quận Hoàng Mai với ngổn ngang sắt thép, từng tốp công nhân xây dựng mang trên mình bộ đồ bảo hộ vội vã trở về "tổ ấm" của mình. Đó là những chiếc lán được chủ thầu bố trí ở tạm ngay dưới tầng hầm cho các công nhân ăn ngủ, sinh hoạt.
Mặc dù đã hình dung sẵn trong đầu nhưng khi chứng kiến cảnh tồi tàn, xập xệ phía trong những lán tạm này, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Những căn lán được bố trí nằm sát nhau. Phía bên trong là một một mùi khó tả bởi quần áo thấm mồ hôi và vôi vữa quyện lại, dưới sàn nhà cũng ướt nhẹp vì nước từ trên các tầng cao chảy xuống.
Vừa thay bộ quần áo bảo hộ, anh Nguyễn Tuấn (32 tuổi, quê Thanh Hóa) dùng một xô nước ấm đi ra phía góc hầm để dội lên người.
Thấy chúng tôi có vẻ sốc trước kiểu tắm tạm bợ này, chị Lò Thị Mai (39 tuổi, quê Yên Bái) làm cấp dưỡng, cho biết: “Họ đi làm cả ngày, người đầy mồ hôi, bụi bặm không tắm như thế thì không chịu được. Ở đây, ai chờ được thì đun nước nóng, còn không thì phải tắm nước lạnh”.
Chị Lò Thị Mai chia sẻ chuyện sinh hoạt trong những lán tạm công nhân. Ảnh: Thanh Hải. |
Vừa nói, chị Mai vừa chỉ tay về phía cuối phía cuối hầm: “Đó mới là khu tắm của công nhân. Nhà tắm không có cửa, không có bể dự trữ. Mỗi khi tắm, các công nhân phải mang theo một chiếc thùng nhựa để đựng nước và tắm tập thể”.
Theo chị Mai, những công nhân nữ làm nghề xách vữa hoặc cấp dưỡng thì được ưu ái hơn bởi họ không thể tắm cảnh tập thể như các công nhân nam.
Vì thế trong khoảng trống giữa hai nhà vệ sinh tạm bợ, họ tự thiết kế một nhà tắm tạm có cửa che bằng một tấm ri đô mỏng. Ngày nào các chị cũng phải bịt khẩu trang để tắm vì mùi hôi từ những nhà vệ sinh bốc lên. Chưa hết khi tắm ở đây, họ phải tranh thủ tắm thật sớm hoặc thật khuya, khi các công nhân đã đi ngủ để thoải mái, an toàn.
Nhà tắm tạm có cửa che bằng ri đô của nữ cấp dưỡng trong khu lán của công nhân. Ảnh Nhật Linh |
Vì cảnh tắm tạm bợ như vậy mà không ít lần, các chị em trong khu lán công nhân gặp cảnh dở khóc dở cười. Như vụ việc của một cô gái tên Hương (29 tuổi, quê Phú Thọ) là một ví dụ điển hình.
Chị Mai kể: “Hương lấy chồng, 29 tuổi vợ chồng họ có với nhau hai con, một trai, một gái. Cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ đang hạnh phúc thì một lần đi làm, chồng Hương không may gặp tai nạn qua đời. Từ đó Hương phải sống cảnh mẹ góa, con côi.
Hương gửi con cho ông bà ngoại lên Hà Nội làm nấu ăn cho công nhân trong khu lán tạm. Làm ở công trình bên ngoài được 3 tháng thì hết việc, Hương xin vào đây làm cấp dưỡng. Không ngờ khi Hương vừa vào lán làm một ngày đã gặp sự cố”.
Chị Mai tiếp lời: “Hôm đó, sau khi nấu ăn trong khu lán, Hương chuẩn bị đi tắm. Trong lúc cô tắm, một nam công nhân nào đó đã ném đá về phía nhà tắm trêu đùa. Không may, hòn đá bay qua tấm ri đô rơi trúng đầu khiến Hương bị thương nặng, phải khâu mấy mũi. Sau đó, Hương xin nghỉ mấy hôm, chờ bình phục hẳn mới đi làm trở lại”.
Chị Đào Thị Thủy (quê Thanh Hóa), làm cấp dưỡng trong lán tạm công nhân tại công trường xây dựng quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải. |
Chỉ vào chiếc giường bốc mùi ẩm mốc của mình, chị Đào Thị Thủy (38 tuổi, quê Thanh Hóa) cũng cho hay, cuộc sống trong lán trại của những người làm cấp dưỡng như chị vô cùng khó khăn, khổ sở và thiếu thốn.
“Tôi nhớ nhất là lần làm cấp dưỡng cho một công trình dân sinh ở xa khu dân cư. Ở đây không có điện, không có nhà tắm, nhà vệ sinh. Để giải quyết ‘nhu cầu’, chúng tôi đều phải ra cánh đồng gần đó, mà ở đó thì rất nhiều chuột và rắn rết...", chị Thủy nói.
Người phụ nữ này cũng khẳng định, việc tắm giặt ở đây cũng muộn vàn khổ cực. Chị kể: “Mỗi lần đi tắm, tôi phải mượn tạm một chiếc bạt trong công trường. Vừa tắm tôi vừa phải nhắm mắt vì sợ bóng tối và tiếng ếch nhái kêu rang rảng bên tai.
Một lần khác, tôi đang tắm thì trời nổi gió. Không may, chiếc bạt che tạm bị gió thổi mạnh nên bay mất khiến tôi tái mặt. Sau lần đó, tôi đều tự nhủ phải cẩn thận hơn”.
Giữa mùa đông, chị Thủy vẫn phải bật quạt để hong khô quần áo. |
Người phụ nữ cấp dưỡng sinh năm 1980 cho biết, việc tắm giặt ở các lán tạm đã vất vả, việc phơi phóng ở đây cũng gặp vô vàn rủi ro. Có lần, chị giặt quần áo tại một lán tạm trong khu biệt thự đang xây dựng. Vừa phơi xong quần áo và trở vào trong để chuẩn bị đi chợ, chị tá hỏa vì số quần áo vừa phơi bị kẻ gian lấy trộm. Từ đó dù trời nắng gắt hay mưa lạnh, chị vẫn phải phơi đồ ngay trong căn phòng chật hẹp của mình.
Như để chứng minh cho lời nói của mình, chị Thủy chỉ tay về chiếc giường ngủ đang bật quạt. Chị nói: “Trong hầm tối lại ẩm mốc thế này, để tránh bị mất cắp, chúng tôi phải bật quạt, hong quần áo ngay quanh giường. Việc này khiến quần áo ‘bốc mùi’ và gây không ít bệnh tật ngoài da cho công nhân”.
(Còn nữa)
*Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu
Theo VietNamNet