Một số vi phạm giao thông bị tăng mức phạt 5-10 lần từ 1/1/2022

Dán, che mờ biển số ôtô; chở quá tải, quá số người quy định; đỗ xe trên cao tốc... là những vi phạm được tăng nặng mức xử phạt kể từ 1/1/2022.

Ngày 28/12, Chính phủ ban hành Nghị định 123 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Một số vi phạm về giao thông đường bộ tăng nặng mức phạt so với Nghị định 100 hiện nay.

Đáng chú ý, để phù hợp với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đối với cá nhân được tăng lên 75 triệu đồng.

Nghị định 123 có hiệu lực từ 1/1/2022.

Để bằng lái quá hạn bị phạt 12 triệu đồng
Hiện, mức phạt đối với việc sử dụng giấy phép lái ôtô quá hạn 6 tháng là 4-6 triệu đồng.

Tại Nghị định 123, cơ quan chức năng chia làm 2 mức. Trong đó, người sử dụng giấy phép lái xe quá hạn dưới 3 tháng sẽ bị phạt 5-7 triệu đồng.

Người sử dụng giấy phép quá hạn trên 3 tháng, không có hoặc sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt 10-12 triệu đồng.


Một số vi phạm giao thông bị tăng mức phạt 5-10 lần từ 1/1/2022-1Bằng lái xe quá hạn từ 3 tháng trở lên có thể bị phạt tối đa 12 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Hà.

Nghị định cũng tăng mức xử phạt lên 1-2 triệu đồng đối với người lái xe máy dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự mà không có giấy phép lái xe, hoặc sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy phép bị tẩy xóa.

Cơ quan chức năng cũng tăng mức phạt từ 3-4 triệu đồng hiện nay lên 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy trên 175 cm3, không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép hết hạn.

Theo Bộ GTVT, việc tăng mức xử phạt trên nhằm ngăn chặn tình trạng người vi phạm không xuất trình giấy phép lái xe để chấp nhận nộp phạt thay vì bị tước bằng lái.

Dán biển số xe bị tăng mức phạt gấp 6 lần
Nghị định 123 quy định mức phạt 10-12 triệu đồng đối với cá nhân (hiện là 1-2 triệu đồng) và 20-24 triệu đồng đối với tổ chức (hiện là 2-4 triệu đồng) có hành vi Bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Mức phạt tăng từ 3-5 triệu đồng lên 30-35 triệu đồng đối với cá nhân; 6-10 triệu đồng lên 60-70 triệu đồng với tổ chức có hành vi Sản xuất biển số trái phép.


Một số vi phạm giao thông bị tăng mức phạt 5-10 lần từ 1/1/2022-2Hành vi dán, che mờ biển số gây nhiều khó khăn cho xử phạt nguội. Ảnh: Thạch Thảo.

Đối với hành vi dán, che mờ biển số ôtô, để biển số xe không rõ chữ, số... Nghị định 123 cũng tăng mức phạt lên thành 4-6 triệu đồng (trước đây là 800.000-1 triệu đồng).

Chỉ còn 3 mức vi phạm đối với xe chở quá tải
Hành vi trở quá số người quy định trên xe khách, đối với chủ xe là cá nhân, cơ quan chức năng quy định phạt tiền 1-2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định. Tuy nhiên tổng mức phạt tiền tối đa được thay đổi từ không vượt quá 40 triệu như trước đây tăng lên thành không vượt quá 70 triệu đồng.

Đối với chủ xe là doanh nghiệp, phạt tiền 2-4 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định. Tuy nhiên tổng mức phạt tiền tối đa được thay đổi từ không vượt quá 80 triệu như trước đây được tăng lên không vượt quá 150 triệu đồng.

Đối với người điều khiển xe chở quá tải trọng, trước đây cơ quan chức năng chia làm 5 mức phạt lần lượt là: Quá tải 10-20%; 20-50%; 50-100%; 100-150% và trên 150% với mức phạt 1-16 triệu đồng.

Tại Nghị định 123, cơ quan chức năng kiến nghị chỉ còn 3 mức xử lý gồm: Quá tải 10-20%, 20-50% và trên 50% với mức xử phạt lần lượt là 4-6 triệu đồng, 13-15 triệu đồng và 40-50 triệu đồng.


Một số vi phạm giao thông bị tăng mức phạt 5-10 lần từ 1/1/2022-3Xe quá tải là nguyên nhân chính gây hư hỏng hạ tầng giao thông. Ảnh: H.Q.

Chủ xe phương tiện cũng bị tăng mức phạt từ 18 đến 75 triệu đồng đối với cá nhân và 36-150 triệu đồng đối với tổ chức, tương ứng với mức độ quá tải của xe.

Theo Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc tăng mạnh mức xử phạt do hành vi phương tiện chở quá tải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Đồng thời, mức xử phạt trên cũng phù hợp với tính chất, mức độ của vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

Người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm có thể bị phạt tới 600.000 đồng
Tại Nghị định 123, nhiều mức phạt có tính chất nguy hiểm, nguy cơ xảy ra tai nạn có thương vong cũng được tăng mức phạt.

Cơ quan chức năng tăng mức xử phạt đối với người đua xe máy lên 10-15 triệu đồng thay vì 7-8 triệu đồng như quy định hiện hành.

Ngoài ra, nếu trường hợp đua ôtô, mức xử phạt cũng tăng 8-10 triệu đồng lên 20-25 triệu đồng.

Mức phạt cũng tăng 6-8 triệu đồng hiện tại lên 10-12 triệu đồng đối với vi phạm về dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; quay đầu xe trên đường cao tốc.

Một số vi phạm giao thông bị tăng mức phạt 5-10 lần từ 1/1/2022-4Đỗ xe trên cao tốc bị phạt tới 12 triệu đồng. Ảnh: Camera giám sát giao thông.

Cơ quan soạn thảo quy định mức xử phạt tăng từ 200.000-300.000 đồng lên 400.000-600.000 đồng đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách.

Hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ có mức xử phạt 600.000 đồng-1 triệu đồng tăng lên 1-2 triệu đồng. Ngoài ra, hình phạt bổ sung là tước bằng lái 1-3 tháng được giữ nguyên.

Từ thực tế quản lý, Cục CSGT (Bộ Công an) đánh giá đây là những hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ rất cao dẫn đến tai nạn. Đặc biệt, trong thời gian qua, những hành vi này liên tục được dư luận, tài xế phản ánh, bày tỏ bức xúc bởi gây nguy hiểm cho cả những phương tiện chấp hành nghiêm quy định.

Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV, đánh giá việc tăng mức phạt đối với hành vi buôn bán, sản xuất biển số giả là cần thiết.

Ông Chiến cho rằng việc sản xuất, bán, tiêu thụ biển số giả gây tác hại nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn giao thông, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình quản lý, truy xét khi phương tiện vi phạm.

Hơn nữa từ thực tế hiện nay, ngành công an đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý vi phạm thì tình trạng biển số giả còn gây hệ lụy lớn cho cả chủ xe biển thật, từ đó đòi hỏi cơ quan chức năng nghiên cứu và đưa ra chế tài mạnh hơn.

Đặc biệt, điều đáng lo ngại hơn là kẻ gian có thể lợi dụng việc làm biển số xe giả để che giấu thông tin, thực hiện các hành vi phạm tội có tính chất nguy hiểm nhằm qua mặt hoặc gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý.

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/mot-so-vi-pham-giao-thong-bi-tang-muc-phat-5-10-lan-tu-112022-post1286581.html?fbclid=IwAR228oGjPQfrBVh0iUlGC7_tLaZC3iXihCJFd0O5s8hcNne88DwdSD4Z11U

vi phạm giao thông


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.