Chiêu làm lành với vợ của quý ông

Đang nằm dài trong phòng, nghe chuông điện thoại bàn reo mãi, chị Vân chạy ra alo thì đầu dây bên kia dịu dàng "Đừng giận anh nữa vợ ơi" rồi anh xã bất ngờ chạy tới ôm chặt vợ.

Đang nằm dài trong phòng, nghe chuông điện thoại bàn reo mãi, chị Vân chạy ra alo thì đầu dây bên kia dịu dàng "Đừng giận anh nữa vợ ơi" rồi anh xã bất ngờ chạy tới ôm chặt vợ.

vochong-1371525226_500x0.jpg
Ảnh minh họa: Sheknows.com.

Cưới nhau được 4 năm, vợ chồng chị Vân (Nguyên Hồng, Hà Nội) vẫn ríu rít như vợ chồng son, có lẽ nhờ anh có tính hài hước, lại biết nhường nhịn vợ. 

Chị Vân kể, mỗi lần hai người cãi nhau, tính chị mít ướt nên dễ khóc, chưa cần biết ai đúng ai sai, và anh thường là người làm lành trước. Mấy hôm trước, chị Vân rủ chồng tham gia kỳ nghỉ do cơ quan tổ chức, anh nhất quyết không đi. Nài nỉ một hồi, chị quay sang trách chồng là ích kỷ, không nghĩ đến cảm giác của vợ, bao nhiêu năm lấy nhau mà chưa lần nào vợ rủ lại gật đầu. Anh - sau khi giải thích là không muốn đi cùng người lạ - cũng nóng mặt nói vợ "nhiều chuyện, suy diễn". Chị Vân vì thế cả buổi chiều thứ 7 nằm dài trong phòng ngủ, khóa trái cửa, không ra ăn tối. 

Anh xã chị sau khi lấy điện thoại di động nhắn tin mà chẳng thấy vợ nhắn lại, liền nghĩ ra kế gọi điện thoại bàn. 

"Khi anh ấy chạy ra ôm chặt, mình vừa bực vừa buồn cười, sau đó 'hắn' nhất quyết kéo mình lên xe chở đi ăn rồi qua bà nội đón con về luôn", chị Vân kể. 

Chị cho biết, mỗi lần thấy vợ buồn, anh thường cố làm trò cười hay bắt chước điệu bộ của vợ, mặt mũi nhăn nhó, tay rứt thứ gì đó, đi đi lại lại trong phòng. "Có những lần lỗi là do mình nhưng anh xã cũng không chấp nhặt, khi mình đã nguôi ngoai, anh ấy mới phân tích lại, mình cũng tự thấy ngại và lần sau rút kinh nghiệm", chị Vân kể.

Anh Tuấn, trưởng phòng một công ty phân phối thiết bị máy chiếu ở Cầu Giấy, Hà Nội thì thường bày chiêu "giả vờ chết" để chọc vợ mỗi khi bà xã chiến tranh lạnh. Anh làm bộ mắt trợn ngược rồi ôm bụng ngã lăn ra, nín thở. "Lần đầu tiên mình làm thế, bà xã hoảng quá, chạy đến lay lay gọi gọi, mình mở choàng mắt, kéo mặt vợ xuống hôn một cái. Thế là huề. Những lần sau cô ấy biết mẽ rồi, nếu giận ít thì xông vào cù cho mình cười sặc, còn giận nhiều thì mặc, thậm chí còn ra giẫm cho cái lên bụng", anh Tuấn kể.

Anh cho biết, nhờ trò này, anh có thể biết mức độ giận của vợ đến đâu để tính kế tiếp. Nếu hai vợ chồng xích mích vì những chuyện nghiêm trọng liên quan đến tiền bạc, gia đình hai bên... thì anh đợi vợ nguôi giận rồi sắp xếp để hai người có một cuộc trò chuyện cởi mở, tháo gỡ hiểu lầm về nhau. Với những giận hờn vặt vãnh, anh thường đợi tới lúc đi ngủ để giảng hòa. "Cứ sán vào mà ôm, quờ quạng tay chân một hồi, vợ có đẩy ra cũng tấn công lại, là xong ngay", anh tếu táo. 

Sau một lần cãi gay gắt tới mức chồng sửng cồ chỉ vào mặt vợ gọi cô, xưng tôi, vợ khóc lóc tìm giấy bút viết đơn ly hôn ngay tại chỗ, anh Hòa (Hà Đông, Hà Nội) đã thề với bà xã là sau này, dù giận đến thế nào cũng không xưng hô gì khác ngoài "anh, em".

"Lần ấy gây nhau chạm tới điểm yếu và tính sĩ diện, cả hai đều không giữ được bình tĩnh. Hôm sau mình trốn làm về sớm đi chợ nấu cơm rồi lộn lên cơ quan vợ đứng chầu chực ngoài cổng chờ cô ấy. Nàng leo lên xe chồng, suốt quãng đường về không thèm nói câu nào, nhưng vào nhà, thấy mâm cơm dọn sẵn toàn món mình thích thì dịu lại ngay. Trước đó mình chưa bao giờ nấu cơm cho vợ ăn", anh Hòa kể lại. 

Anh cho biết, từ lần giận nhau đó tới nay là 5 năm, hai vợ chồng cũng cãi nhau, và có 2-3 lần vợ bực xưng "tôi" với chồng nhưng anh quyết tâm thực hiện lời hứa, chỉ "anh-em" với vợ. "Cô ấy thấy mình như vậy thì cũng kiềm chế bớt và bây giờ không xưng như thế nữa. Vợ chồng sống với nhau suốt đời, tình nghĩa đầy ăm ắp, lỡ một phút nóng giận nói điều tổn thương đến nhau thì về sau khó lấy lại lắm", anh chia sẻ. 

Vợ chồng chị Oanh (khu đô thị bắc Linh Đàm, Hà Nội) thì có một giao kèo từ lúc mới cưới rằng, khi giận nhau, ai muốn làm lành trước thì mua kem về mời người kia. "Chẳng là bọn mình từ lúc quen đến giờ, món yêu thích của hai đứa là kem, lần đầu tiên hẹn hò nhau cũng là ở quán kem", chị Oanh lý giải. Suốt gần 3 năm qua, thi thoảng anh xã chị lại mua kem về nhà, dù không có giận dỗi.

“Anh ấy thẳng tính, chẳng để bụng gì, thấy mình buồn thì cứ xấn tới trêu chọc, chưa yên là lặng lẽ đi lau nhà, mang đồ vợ con ra giặt... Khi đó mình mủi lòng chẳng giận được nữa. Trong thâm tâm, mình rất phục chồng vì tính thoáng, không chấp nhặt”, chị Oanh nói.

Theo chia sẻ của các bà vợ, thông thường, nam giới khi có lỗi rất ngại nói lời xin lỗi, thường dùng hành động để thể hiện lòng thành. Nhưng không phải ông chồng nào cũng tâm lý và có thiện chí làm lành với vợ trước. Chị Như (Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội) thổ lộ, chồng chị khá tốt tính nhưng không bao giờ chủ động làm lành mỗi lần hai người sinh chuyện. "Anh ấy bảo muốn vợ phải luôn dịu dàng, không được cãi chồng, cho nên vợ đã cãi thì đừng bao giờ có chuyện chồng giảng hòa", chị Như kể.

Chị cho biết, mỗi lần cơm không lành canh không ngọt, anh về nhà là lầm lũi, không nói năng gì nếu như chị không mở lời. "Nhiều khi chồng có lỗi nhưng cũng vẫn giữ thái độ đó làm mình ức chế vô cùng. Tính mình không giận dai, và rất sợ cảm giác nặng nề trong gia đình, nên đành nhún chồng. Nhưng việc này tái diễn lâu dần mình cảm thấy như chồng chẳng coi trọng vợ, thấy thèm cảm giác được nâng niu, dỗ dành", chị Như nói. 

Bát đũa còn có khi xô, chuyện cãi vã của vợ chồng hầu như gia đình nào cũng gặp.  Sau 10 năm kết hôn, chị Bích Trâm (Thụy Khuê, Hà Nội) đúc rút, làm sao để sau mỗi lần có mâu thuẫn vợ chồng hiểu nhau hơn, thấy yêu thương và gắn bó hơn, chứ không phải cãi vã để phân thắng thua và tạo khoảng cách. 

Trong gia đình chị, mỗi lần tranh cãi, nếu có lỗi, anh xã sẽ chủ động giảng hòa. Còn khi thấy chồng giận, chị thường đợi anh bình tĩnh, tới ôm thật chặt và nói xin lỗi. “Đàn ông dù tỏ ra cứng rắn cỡ nào thì cũng thích tình cảm, âu yếm, trừ phi họ không còn quan tâm gì đến mình nữa”, chị chia sẻ. Cách mà chị hay áp dụng nữa là viết thư để bày tỏ hết những suy nghĩ của mình với chồng. Thông thường anh xã sẽ không viết lại, nhưng sẽ hiểu vợ hơn và dễ chấp nhận một cuộc nói chuyện cởi mở sau đó.

Theo VnExpress



Cách làm bò xốt tiêu đen đơn giản, hấp dẫn
Bò xốt tiêu đen là món ăn thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng. Hôm nay, VietNamNet sẽ giới thiệu cách làm món thịt bò xốt tiêu đen đơn giản, hấp dẫn.
Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?
Đa ối là khi lượng nước ối vượt quá mức bình thường ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé. Mặc dù chế độ ăn không phải là yếu tố quyết định duy nhất nhưng việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng này.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.