Hòa thượng Viên Minh: Họa phúc tự mình, không do sao nào chiếu

Việc các chùa nhận cúng dâng sao giải hạn khiến nhiều người ngộ nhận rằng đây là một nghi lễ của Phật giáo, dựa theo giáo lý của đạo Phật. Thực tế, dâng sao giải hạn vốn là một tín ngưỡng du nhập vào Việt Nam.

Khẳng định dâng sao giải hạn không có trong giáo lý đạo Phật, tiến sĩ Hán Nôm Lê Trung Kiên (Viện Hàn lâm KHXH) chia sẻ, theo nhiều tài liệu, tục dâng sao giải hạn có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất phát từ niềm tin rằng, mỗi năm con người có một vì sao chiếu mệnh. Có tất cả 9 sao, gồm Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch, Thổ Tú, Vân Hán, Thủy Diệu. Trong đó, Thái Dương, Thái Âm là sao tốt, còn La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch là những sao xấu, nên nếu ai bị những ngôi sao đó “chiếu mệnh” sẽ làm hại đến sức khỏe, tiền tài, quan lộ...

Hòa thượng Viên Minh: Họa phúc tự mình, không do sao nào chiếu-1

Phật giáo không dạy dâng sao giải hạn Ảnh: NHƯ Ý

Vì vậy, với mong muốn hóa giải những sao xấu “chiếu mệnh”, nhiều người làm lễ dâng sao giải hạn để xua đi những điều xui xẻo, đổi lại may mắn và hạnh phúc. Lễ này thường diễn ra vào dịp đầu xuân. Ở nước ta, từ thời kỳ tam giáo đồng nguyên (thời Lý - Trần), các tập tục của Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo có sự hòa hợp nên việc cúng dâng sao giải hạn không chỉ được tổ chức tại các đình, đền mà dung nạp vào trong nhiều ngôi chùa cùng nghi thức cầu an.

“Lễ dâng sao giải hạn bị biến tướng đã khiến những người bị phán gặp sao xấu sẵn sàng đến đình, đền, miếu, phủ làm mọi nghi thức thông qua lễ dâng sao để hóa giải như lập đàn, cắt tiễn sao, đốt hình nhân thế mạng, đốt vàng mã... rất tốn kém, gây lãng phí. Đây là việc làm đi ngược với giáo lý nhà Phật bởi đạo Phật chỉ có chính tín chứ không lạc vào mê tín tà kiến.

Dâng sao không giải được hạn

Trả lời cho câu hỏi, dâng sao có giải được hạn không, Hòa thượng Viên Minh (trụ trì chùa Bửu Long) cho rằng: “Đây chỉ là động thái tâm lý để người nào tin vào đó cảm thấy yên tâm. Nếu người đã thấu hiểu chánh đạo, tin vào nhân quả nghiệp báo, tin vào phước tội và sáng suốt biết rõ nhận thức và hành vi của mình thì tự mình điều chỉnh cho đúng, cho tốt chứ không thể cúng sao giải hạn mà được. Họa hay phúc trên đường đời đều do chính mình mà ra, không phải do sao nào chiếu cả. Nếu dâng sao mà giải được hạn thì trên đời này sẽ chẳng có khổ đau, mất mát”.

Họa hay phúc trên đường đời đều do chính mình mà ra, không phải do sao nào chiếu cả. Nếu dâng sao mà giải được hạn thì trên đời này sẽ chẳng có khổ đau, mất mát”. Hòa thượng Viên Minh

Quay lại nguồn gốc của tục dâng sao giải hạn là để giải thoát khỏi khổ đau, dính mắc, Hòa thượng Viên Minh trả lời, đừng cố thoát khỏi dính mắc, khổ đau. “Khi bị dính mắc, khổ đau, hãy bình tĩnh sáng suốt để nhìn ngắm, quan sát, lắng nghe, cảm nhận nỗi đau ấy một cách hoàn toàn trung thực, xác nhận trạng thái đang là như thế nào, từ đó hiểu nó, biết được nguyên nhân, hậu quả và tác động của sự khổ đau ấy lên thân tâm ta. Ở bất kỳ tình huống, trạng thái nào cũng phải thấy được sự thật một cách rõ ràng minh bạch, tức là giác ngộ, rồi sau đó sẽ tự giải thoát, nếu chưa giác ngộ đã cố giải thoát là sai”, Hòa thượng nêu.

Hòa thượng giải thích, đau khổ không tồn tại mãi, niềm vui cũng vậy. “Bất kỳ pháp nào có sinh đều có diệt. Cứ đau khổ, mới hiểu vì sao dính mắc là đau khổ, ràng buộc là đau khổ, tham sân si là đau khổ, qua đó học được nhiều bài học. Cách để đừng đau khổ là trọn vẹn thấy, cảm nhận cái đau đó. Đến lúc sẽ tự diệt, trong sự sáng suốt của mình chứ không phải bằng cách lãng quên, diệt trong minh chứ không phải trong vô minh”, Hòa thượng Viên Minh nói.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/hoa-thuong-vien-minh-hoa-phuc-tu-minh-khong-do-sao-nao-chieu-post1715170.tpo

Dâng sao giải hạn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.