"Tôi giỏi từ bé, tiêu hơn 9 tỷ đồng của bố mẹ để du học ĐH top thế giới, nhưng giờ ở tuổi 30 vẫn trắng tay - Bất công với tôi quá!"

Tại sao mọi chuyện lại thành ra như thế này?

Mới đây, một bài đăng trên mạng Trung Quốc nhận được sự quan tâm của dân tình.

Một blogger có tên “Nhật ký Tiểu Sâm” đã chia sẻ về trải nghiệm của mình: “Tốt nghiệp trường Ivy League nhưng sự nghiệp tôi xuống dốc, đến năm 30 tuổi vẫn chẳng có gì trong tay”.

Thành tích học tập của nữ blogger này từng rất ấn tượng, thậm chí có thể nói là kiểu con cái mà nhiều bậc cha mẹ mong ước.

Năm 16 tuổi, cô sang Mỹ học cấp ba và xuất sắc đỗ vào một trường đại học thuộc top 30 toàn nước Mỹ.

Trong suốt những năm đại học, cô đều nhận học bổng mỗi năm. Cô dành toàn bộ thời gian và công sức cho việc học, thậm chí chỉ mất 3 năm để hoàn thành chương trình vốn dĩ kéo dài 4 năm. Sau đó, cô tiếp tục học lên cao học tại Mỹ. 

Từ lúc 16 tuổi đi du học cho đến khi hoàn thành chương trình thạc sĩ và trở về nước, mất tổng cộng 8 năm. Có thể tưởng tượng được một cô gái trẻ một mình nơi đất khách quê người, để đạt được những thành tích đó, đã phải chịu bao nhiêu vất vả. 

Và chi phí gia đình nữ blogger bỏ ra trong 8 năm này cũng không hề nhỏ. Dù bản thân cô gái là một người khá tiết kiệm và có học bổng hỗ trợ, nhưng sau nhiều năm, tổng chi phí bao gồm học phí, tiền thuê nhà, sinh hoạt phí, ăn uống… cũng lên đến khoảng 2,68 triệu nhân dân tệ (hơn 9,3 tỷ đồng).

Tôi giỏi từ bé, tiêu hơn 9 tỷ đồng của bố mẹ để du học ĐH top thế giới, nhưng giờ ở tuổi 30 vẫn trắng tay - Bất công với tôi quá!-1
Chi phí dành ra để đi du học là không hề nhỏ. (Ảnh minh họa)

Đáng buồn là dẫu tốt nghiệp từ một trường danh tiếng ở nước ngoài và trở về khi mới 25 tuổi - độ tuổi vàng của sự nghiệp - nhưng Tiểu Sâm lại không tìm được công việc suôn sẻ như mong đợi.

Mức lương của công việc đầu tiên của cô chỉ là 12.000 nhân dân tệ (gần 42 triệu đồng). Lúc đó, cô vẫn tự tin vào bản thân, tin rằng sau này mọi thứ sẽ ổn hơn. Nhưng một năm sau, Tiểu Sâm bất ngờ mang thai. Sau khi nghỉ một năm để chăm con, cô quay lại làm việc thì đúng lúc đại dịch bùng phát.

Mức lương của cô vẫn dừng lại ở 12.000 nhân dân tệ và đến nay vẫn không thay đổi. Chi phí du học gần 2,7 triệu nhân dân tệ, nhưng hiện tại lương/năm của cô chỉ khoảng 150.000 nhân dân tệ (hơn 524 triệu đồng). Ngay cả khi không tính đến lạm phát, cũng rất khó để bù đắp chi phí từng chi ra cho giáo dục.

Tiểu Sâm dùng từ "chẳng có gì trong tay" để miêu tả bản thân. Dưới bài đăng của cô, vô số du học sinh khác cũng bày tỏ những cảm xúc tương tự.

Trong suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ, việc đỗ vào một trường danh giá, đi du học nước ngoài là điều đáng tự hào. Mọi người đều tin rằng những đứa trẻ có cơ hội "thấy được thế giới rộng lớn" thì tương lai chắc chắn sẽ đầy triển vọng.

Nhưng trong thực tế, những trường hợp “khởi đầu hoành tráng nhưng tụt dốc” không hề hiếm. Không ít bạn trẻ từng có trong tay những lá bài đẹp, được kỳ vọng rất nhiều, nhưng cuối cùng lại đi đến một cuộc sống bình thường, thậm chí tầm thường.

Họ không phải kiểu người "ăn bám cha mẹ", cũng chẳng hề có ý định "nằm yên mặc kệ đời" ngay từ đầu, nhưng thực tế lại khiến họ cảm thấy bất công, còn những người xung quanh nhìn vào cũng không khỏi tiếc nuối.

Những trải nghiệm của họ khiến người ta không khỏi tự hỏi: Điều gì mới thực sự có thể thay đổi quỹ đạo cuộc đời của một con người?

Dưới bài đăng của blogger “Nhật ký Tiểu Sâm”, nhiều người cho rằng lý do cô không được tăng lương suốt nhiều năm là vì ảnh hưởng của đại dịch, ngành nghề suy thoái và việc kết hôn, sinh con quá sớm. Tóm lại, vừa có yếu tố khách quan từ thị trường, vừa có những quyết định cá nhân tác động đến cuộc sống của cô. Thời thế thay đổi, nếu gặp đúng cơ hội, ngay cả một con lợn cũng có thể cất cánh. Nhưng khi sóng gió ập đến, ngay cả đại bàng cũng khó mà đứng vững.

Thế giới này, thứ duy nhất không thay đổi, chính là sự thay đổi. Và cuộc đời của một người, chính là tổng hợp của vô số lựa chọn trước đó.

Điểm 100 trong bài kiểm tra tiểu học, vào trường chuyên, nhận học bổng đại học – những điều này quan trọng, nhưng chưa đủ để quyết định cả cuộc đời. Quan trọng hơn là bạn có liên tục đưa ra những lựa chọn đúng đắn không, có theo kịp thời đại không, có biết khi nào nên cắt lỗ không, và có để lại cho mình đường lui trong những tình huống không chắc chắn không.

Rất nhiều người trẻ đầy tài năng than thở rằng thế giới này thật bất công, rằng họ đã làm việc chăm chỉ nhưng vẫn thua thiệt trước những người có gia thế và mối quan hệ. Điều này đúng, và cũng thật đáng tiếc. Nhưng phải thừa nhận một sự thật phũ phàng: nếu đi sai hướng, dù có cố gắng đến đâu cũng chỉ là công cốc.

Trên đời có rất nhiều thứ quan trọng hơn cả sự nỗ lực. Đôi khi, mười năm dùi mài kinh sử cũng không bằng một vài lời chỉ dẫn hay một cơ hội từ cha mẹ người khác.

Tôi giỏi từ bé, tiêu hơn 9 tỷ đồng của bố mẹ để du học ĐH top thế giới, nhưng giờ ở tuổi 30 vẫn trắng tay - Bất công với tôi quá!-2
Cô cảm thấy rất bất công. (Ảnh minh họa)

Trên MXH Trung Quốc cũng xuất hiện câu chuyện:

Một anh chàng đến từ một thị trấn nhỏ hẻo lánh, là con của một gia đình bình thường của Trung Quốc. Năm 2017, nhờ nỗ lực không ngừng, anh đỗ vào Đại học Thanh Hoa - ngôi trường top đầu đất nước tỷ dân.

Ở Thanh Hoa, anh kết bạn với một người có cha là hiệu trưởng một trường đại học. Ban đầu, hai người rất hợp nhau, cùng trò chuyện về mọi thứ. Nhưng rồi khoảng cách dần lộ rõ.

Người bạn đó chuyển ngành, học ngày càng giỏi hơn, không chỉ được trao đổi tại Đại học Berkeley (Mỹ) mà còn xuất bản ba bài báo trên các tạp chí khoa học hàng đầu ngay khi còn học đại học. Cuối cùng, anh ta vào một trong bốn trường đại học hàng đầu thế giới để làm nghiên cứu sinh.

Còn anh chàng trên? Suốt bốn năm ở Thanh Hoa, anh cảm thấy cuộc sống của mình trôi qua một cách nhạt nhẽo và chẳng có thành tích gì đáng kể. Anh ấy rất thông minh và chăm chỉ - Vậy tại sao anh lại “thua”?

Anh thua ở khả năng lập kế hoạch, thua ở chi phí thử - sai, thua ở khả năng tiếp cận thông tin. Suốt bốn năm đại học, anh không biết trọng tâm của mình là gì. Khi mới vào trường, anh hào hứng tham gia đủ loại hoạt động: đội hợp xướng, đội tình nguyện, hội sinh viên, câu lạc bộ thực tế… Anh còn dành cả năm nhất để ôn thi cao học.

Nhưng đến năm tư, anh mới nhận ra – tất cả những điều đó đều là nỗ lực vô nghĩa, vì chúng không liên quan đến mục tiêu của anh. Thậm chí, cả năm trời chuẩn bị cho kỳ thi cao học cũng là phí công, vì sinh viên Thanh Hoa có thể được tuyển thẳng lên thạc sĩ mà không cần thi.

Việc thiếu đi một kế hoạch rõ ràng khiến anh lãng phí quá nhiều thời gian cho những thử nghiệm không hiệu quả. Trong khi đó, người kia lại có định hướng rất rõ ràng ngay từ đầu. Anh ta biết rằng Thanh Hoa không phải đích đến cuối cùng – mục tiêu của anh ta là trở thành một trong những nhà vật lý hàng đầu thế giới, và việc vào Thanh Hoa chỉ là bước đệm để xây nền tảng toán học và vật lý. Vậy nên, trong suốt bốn năm đại học, mọi thứ anh ta làm đều xoay quanh mục tiêu đó.

Thậm chí, cơ hội trao đổi tại Đại học Berkeley - một chương trình mà rất ít người biết đến - anh ta vẫn nằm trong số ít người nắm bắt được. Thông tin về chương trình trao đổi này là công khai, nhưng chỉ có số ít người biết và chủ động chuẩn bị từ sớm.

Tầm nhìn, khả năng tiếp cận tài nguyên – đây chính là mầm mống của sự thành công. Vì thế, điều đầu tiên một người trẻ cần làm khi đối diện với khoảng cách này chính là: Nhận thức được thực tế.

Khi rơi vào trường hợp này, thay vì than vãn hay tuyệt vọng, hãy giữ thái độ tích cực và nhận ra rằng, nhờ nỗ lực, bạn đã đứng ở một vị trí cao hơn so với trước đây. Việc tiếp theo chính là tiếp tục cố gắng một cách vững chắc – điều này ít nhất có thể đảm bảo mức sống tối thiểu cho bạn.Còn nếu may mắn mỉm cười, có người giúp đỡ hoặc nắm bắt được thời cơ, bạn có thể bật lên và tiến xa hơn nữa.

Tôi giỏi từ bé, tiêu hơn 9 tỷ đồng của bố mẹ để du học ĐH top thế giới, nhưng giờ ở tuổi 30 vẫn trắng tay - Bất công với tôi quá!-3
Anh chàng Thanh Hoa vì thiếu đi sự lên kế hoạch cho tương lai của chính mình. (Ảnh minh họa)

Mỗi người có quyền lựa chọn cách sống của mình, nhưng có một câu nói rất đúng: Thái độ quyết định số phận.

Những người gặp khó khăn liền trốn tránh, tự trách bản thân, dù có xuất thân danh giá hay thông minh vượt trội, cũng khó có một cuộc đời viên mãn.

Giáo sư tâm lý học Angela Duckworth của Đại học Pennsylvania từng nói:

"Trong tất cả các nghiên cứu của chúng tôi, có một đặc điểm có thể dự đoán thành công rất tốt. Đó không phải là kỹ năng giao tiếp, không phải ngoại hình, không phải thể chất, cũng không phải IQ, mà là sự kiên trì”.

Bà định nghĩa kiên trì là:

“Giữ vững đam mê với mục tiêu dài hạn, dù thất bại hay vấp ngã cũng không bỏ cuộc, tiếp tục cố gắng không ngừng”.

Nói cách khác, điều quan trọng nhất để một đứa trẻ thành công không phải là ép con phải đạt bao nhiêu điểm tuyệt đối, cũng không phải là nhồi nhét bao nhiêu kiến thức, mà là giúp con có được ý chí kiên định và tinh thần chiến đấu từ chính bên trong mình.

Nếu trong quá trình trưởng thành, cha mẹ có thể dành nhiều lời động viên, khuyến khích hơn, giúp con có cơ hội đứng dậy sau thất bại và trải nghiệm cảm giác chinh phục thử thách, giúp con nhận ra giá trị, khả năng và cách giải quyết vấn đề của mình, thì có lẽ kết quả đã khác.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến cuộc đời một người.

Chẳng hạn như:

- Lúc mới đi làm, có gặp được một người sếp tốt, đáng tin cậy không?

- Khi chọn người yêu, bạn đời, liệu đó có phải là người có thể đồng hành cùng bạn vượt qua khó khăn, có tâm lý vững vàng và tính cách điềm tĩnh không?

- Khi bước vào tuổi trung niên, bạn có chọn đúng ngành nghề có tiềm năng phát triển và có đủ tinh thần học hỏi suốt đời không?

Những lựa chọn này, dù lớn hay nhỏ, đều có thể tạo ra khác biệt rất lớn trong cuộc sống.

Theo Doisongphapluat

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/toi-gioi-tu-be-tieu-hon-9-ty-cua-bo-me-de-du-hoc-dh-top-the-gioi-nhung-gio-o-tuoi-30-van-trang-tay-bat-cong-voi-toi-qua-a508415.html

bài học cuộc sống

du học


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.