Xin trả Trung thu cho trẻ thơ

Trung thu là mùa của trẻ thơ, của các em, từ thành phố cho đến thôn quê. Niềm vui trung thu là niềm vui con trẻ. Không thể lấy Trung thu của các em biến thành của người lớn, chạy đua để kinh doanh.

Trung thu là mùa của trẻ thơ, của các em, từ thành phố cho đến thôn quê. Niềm vui trung thu là niềm vui con trẻ. Không thể lấy Trung thu của các em biến thành của người lớn, chạy đua để kinh doanh.

 Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Trung thu. Nghe tiếng trống ếch, chẳng những trẻ thơ mà người lớn cũng thấy rộn ràng. Cái rộn ràng của một thời háo hức đợi chờ phá cỗ, trông trăng. Trong mâm cỗ Trung thu ngoài hoa quả, còn có những chiếc bánh trung thu. Trung thu vẫn còn nhiều ý nghĩa với miền thôn quê, nhưng không ít nơi thị thành, không ít trẻ đã hờ hững với Trung thu, hờ hững với bánh trung thu.

Trước Tết Trung thu khoảng tháng rưỡi, các đường phố ở Thủ đô, TP HCM cũng như nhiều tỉnh thành, như mọi năm đã đỏ rực những biển quảng cáo, cửa hàng, cửa hiệu bánh trung thu với các thương hiệu nổi tiếng.Vậy nhưng có vẻ càng về những năm gần đây, nhất là năm nay việc kinh doạnh bánh trung thu càng trở nên khó khăn.

Không thể lấy trung thu của các em biến thành của người lớn.


Năm nay, mặc dù các hãng bánh, các cửa hàng, cửa hiệu đã tổ chức quảng cáo, khuyến mãi rầm rộ, như mua một tặng một, mua một tặng hai, nhưng tình trạng vẫn ế ẩm. Không ít các doanh nghiệp lo ngay ngáy. Bởi việc kinh doanh bánh trung thu cũng chỉ trong vòng khoảng hơn một tháng. Sau ngày Rằm Trung thu thì còn ai đi mua bánh trung thu?

Không ít người từng đặt câu hỏi: Nhiều năm đến tối trung thu, bánh trung thu vẫn còn xếp ngồn ngộn ở các cửa hàng, vậy sau ngày rằm, bánh đem đi đâu? Ngay cả chuyện bánh đem cho người nghèo, các vùng quê xa, doanh nghiệp cũng phải tốn chi phí, lại mang tiếng kinh doanh không tốt và cái ý nghĩa của tặng bánh trung thu cũng không còn?

Có một thực tế, nhiều năm gần đây, tình trạng mua bánh trung thu chủ yếu đem đi biếu. Hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu đồng một chiếc bánh trung thu to bằng lòng bàn tay, hỏi người dân nghèo nào bỏ tiền ra mua? Thế nhưng, không ít các doanh nghiệp cũng chạy đua theo hình thức này.

Rồi đủ thứ quảng cáo sơn hào, hải vị, những thứ khó kiếm trên trời, dưới biển để nhét vào chiêc bánh, như dưới nước thì vi cá mập, trên cạn thì đủ loại từ thịt gà quý đến các loại cây quả, trên không như chim yến...

Rồi cùng bánh trung thu người ta sinh ra những “bộ sản phẩm” để đem đi biếu kèm theo như rượu ngoại, ly cốc...có giá trị hàng chục triệu đồng. Đồng thời kèm theo hộp bánh trung thu, những bộ sản phẩm kia là những phong bì. Mùa Tết Trung thu đã trở thành mùa hối lộ, mùa thu nhập của các tham quan.

Chuyện ai dám bảo những chiếc bánh trung thu có giá hàng triệu đồng kia là không ngon? Chỉ nghe cái giá tiền, ai đó đã giật mình.Véo một miếng bánh bằng ngón tay, ai đó nói đây đã là cả cục tiền, chắc phải bổ lắm, giá trị lắm, già trẻ cố mà ăn. Vậy nhưng có đứa trẻ cho miếng bánh vào miệng thì nhất quyết nhả ra, nhổ vào sọt rác vì cho là mùi không chịu được, hay chả có vị gì.

Cũng như không ít trẻ thành phố chẳng động đến cái bánh trung thu, hay chỉ cắn một miếng rồi lắc đầu, kêu, ngọt quá, hay...tanh quá. Trẻ thơ đã quay lưng lại với bánh trung thu.

Rồi khi kinh tế khó khăn, yêu cầu cao của  việc phòng, chống tham nhũng, người ta ít mua bánh đi biếu nữa, bánh làm ra ế, doanh nghiệp khốn khổ. Doanh nghiệp sản xuất bánh, cũng như người lớn đã vô tình làm mất đi cái niềm vui truyền thống của trẻ thơ, làm mất đi cái ý nghĩa trong sáng của Tết Trung thu cổ truyền. 

Chuyện rằng, có người nói, trung thu ngày nay kém vui so với xưa, bánh trung thu không ngon, cũng thật không ổn. Bởi, xưa tăm tối với ngọn đèn dầu, bếp củi, người ta, nhất là con trẻ mong ngày rằm trăng sáng để vui chơi. Nay giữa phố phường đèn điện sáng như ban ngày, ít ai để ý đến ông trăng lủi thủi trên cao? Xưa nghèo đói, ăn chẳng đủ no, có miếng bánh ngọt cũng phải cắn dè từng tí một, sao lại chẳng ngon? Xưa nào có trò chơi gì ngoài mấy cái trò chơi dân gian, chơi cù, đánh đáo. Nay đủ thứ trò điện tử, vui chơi...hàng ngày, đâu phải chờ đến Tết Trung thu?

Cũng một thực tế, trẻ thơ ngày nay phải học quá nhiều. Học cả ngày ở trường, tối đi học thêm. Mười em, có khi sáu bảy em bị cận, đeo kính dày cộm. Trong guồng quay hàng ngày, các em còn đâu thời gian nhìn lên trời, trông trăng; có trông, vầng trăng cũng không còn trong sáng như đúng bản chất của nó. Lại nữa, trẻ em thành phố chơi đâu ngoài mấy công viên, bờ hồ quen thuộc hàng ngày. Mấy đồ chơi đa số cũng nhập từ bên kia biên giới, đỏ xanh, lập lòe lớp sơn ẩn chứa những độc hại khôn lường.

Lại nói về chiếc bánh trung thu, có người rằng, người ta sản xuất hình như ít chú ý đến thị hiếu người dùng, nhất là của các em. Nói là giờ đây quá nhiều thức ăn, người ta chán ăn bánh cũng không phải. Cái chính là doanh nghiệp chưa tiếp cận được nhu cầu của người dùng. Giá rẻ, bánh ngon, hợp khẩu vị, ai chẳng muốn ăn.

Vì sao bánh nào cũng cứ nhất thiết phải cho quá ngọt, phải có trứng gà, cứ phải sơn hào, hải vị? Xu hướng bánh giá rẻ, dân dã, đảm bảo vệ sinh môi trường vẫn là xu hướng chung. Vì sao nhiều hãng có tiếng lại ế ẩm nhưng mấy cửa hàng bánh truyền thống dân dã, giá rẻ vẫn người người xếp hàng vào mua?

Trung thu là mùa của trẻ thơ, của các em, từ thành phố cho đến thôn quê. Niềm vui trung thu là niềm vui con trẻ. Không thể lấy trung thu của các em biến thành của người lớn, chạy đua để kinh doanh. Việc kinh doanh “trung thu”, bánh trung thu, tất cả phải vì mục đích của trẻ thơ, vì trẻ thơ, của người tiêu dùng bình dân. Đây có thể lại là hình thức phát triển thu được những kết quả cao nhất, từ vật chất cho đến tinh thần. 

Theo Ngaynay


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.