Nội chiến trong nhà vì chuyện bé ăn dặm

Dự kiến 6 tháng bé mới được ăn dặm, nhưng khi bé hơn 3 tháng, hay quấy đêm, mẹ chồng chị Dung đã khăng khăng bắt con dâu nấu bột cho cháu vì "nó đói không ngủ được".

Dự kiến 6 tháng bé mới được ăn dặm, nhưng khi bé hơn 3 tháng, hay quấy đêm, mẹ chồng chị Dung đã khăng khăng bắt con dâu nấu bột cho cháu vì "nó đói không ngủ được".

Chị Dung không đồng ý, giải thích với mẹ chồng là tới 6 tháng trẻ mới có khả năng tiêu hóa tinh bột và ăn sớm cháu có thể còi cọc thì được ca một bài rằng "tôi đẻ 7 đứa con toàn ăn cháo từ một tháng mà có thấy đứa nào bị làm sao đâu", hay "Có vài chữ học hơi tí là lôi sách vở ra nói"... Bà còn sai con trai đi mua nồi, bột trong siêu thị về để tự nấu cho cháu. 

"Mình bực quá mà không biết làm thế nào. Nhất quyết không theo ý bà thì sợ làm mọi chuyện căng thẳng, bà giận bỏ về không chăm con hộ nữa cũng khổ, mà cho con ăn dặm sớm quá lại lo ảnh hưởng tới sức khỏe của bé", chị Dung (phố Đặng Dung, Hà Nội) than thở. 

Đến lúc con lớn hơn, ăn cháo, chị Dung nấu sẵn một nồi cháo trắng từ sáng và dặn mẹ chồng cất ngay vào tủ lạnh rồi mỗi bữa múc ra cho con ăn, nhưng bà thường vẫn để bên ngoài vì "có mùi gì đâu, chỉ để trong ngày thôi". Bà cũng không thích cho cháu ăn rau mà chỉ nấu thịt, cá... cho "có chất" nên bé thường xuyên bị táo bón. Khi con dâu góp ý thì bà giận dỗi bảo "Đấy, tôi chả biết chăm đâu, chị ở nhà mà nấu, cho nó ăn".

"Thịt, cá, tôm, cua... mình chế biến sẵn cất ngăn đá rồi hằng ngày định cho con ăn gì thì lấy để xuống ngăn mát cho bà nấu, nhưng rau thì muốn bé ăn tươi, bữa nào làm bữa đó. Mình đi làm cả ngày, nên chỉ có bữa sáng băm rau cho con được thôi, thành ra mới thế", chị Dung kể.

Biết chồng hay bênh mẹ nên chị Dung không dám làm căng với mẹ chồng nhưng trong lòng hậm hực, nên không khí gia đình trở nên căng thẳng, quan hệ giữa hai người phụ nữ trong nhà cũng ngày càng xa cách. 

Cho bé ăn dặm là chuyện tưởng nhỏ mà lại khiến không ít gia đình phát sinh mâu thuẫn

Cũng chỉ vì chuyện chăm con ăn mà nhà anh Thành mấy hôm nay có chiến tranh lạnh. Mâu thuẫn lại nảy sinh giữa hai vợ chồng. Lấy vợ muộn, anh Thành rất yêu và chăm con. Lúc con chuẩn bị ăn dặm, anh tự đi chọn từ gạo, đậu xanh, hạt sen, vừng đen, đậu đỏ... về rang lên rồi đi xay bột về cho bé. Vợ anh không đồng ý vì nghĩ con mới ăn dặm chỉ nên ăn bột gạo riêng cho quen dạ dần, nhưng anh Thành vẫn nhất nhất làm theo ý mình. 

Tuần đầu con ăn dặm, không ngày nào vợ chồng anh không đấu khẩu. Bé bị tiêu chảy, ngày đi ngoài 5-6 lần. Vợ anh đổ lỗi do bé dị ứng một loại hạt nào đó hoặc khó tiêu với "đống hổ lốn" anh nghiền ra, còn anh Thành nóng mặt phản bác, nói có thể do mẹ ăn linh tinh, con bú nên bị như vậy, nhưng cuối cùng cũng phải dừng cho bé ăn để điều trị rối loạn tiêu hóa.

Nhưng cuộc chiến chưa kết thúc. Vợ anh Thành nghe đồng nghiệp mách về phương pháp cho con ăn dặm kiểu Nhật, mua về nhà đủ thứ, từ dụng cụ chế biến, tới ghế tập ăn, cốc nấu cháo, bát thìa... và về nhà quyết tâm nuôi con theo kiểu mới. Chưa biết cách này có gì hay nhưng anh Thành thấy quá tốn kém và lích kích. "Người Việt sao phải nuôi theo kiểu nước nào? Cô đừng lấy con ra làm đồ thử nghiệm", anh châm ngòi. 

Vợ anh đem một tập tài liệu mới in đập trước mặt chồng: "Anh đọc đi rồi hẵng nói. Nuôi con như nuôi gà công nghiệp thì quá dễ, muốn khác đi mới khó chứ"... Vợ chồng anh Thành lời qua tiếng lại ngày vài lần, hơn thua về cách cho con ăn nhưng cuối cùng cả hai rầu rĩ vì lý do khác: Bé lười ăn, cho đồ gì cũng phun phì phì.

Theo bà Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho bé ăn dặm là chuyện tưởng nhỏ mà lại khiến không ít gia đình phát sinh mâu thuẫn. Lý do thường là ai cũng hỉ muốn làm theo ý của mình, coi ý kiến của mình mới là đúng.

Nhà tâm lý cho rằng, trong tình huống này, tốt nhất nên lấy sự phát triển của em bé là thước đo, xem bé ăn theo chế độ đó có tăng cân, khỏe mạnh không. Với những điều quan trọng như tháng nào bắt đầu cho ăn, ăn các thực phẩm nào thì cần dựa trên nguyên tắc và các căn cứ khoa học.

"Việc cho con ăn như thế nào, theo kiểu gì không nên quá cứng nhắc, và nên để người nào chăm sóc bé chính được quyết định. Quan trọng nhất là trẻ có chịu ăn không, có phát triển tốt không. Đừng tranh cãi cái gì đúng cái gì sai cho mệt mỏi rồi gây gổ với nhau. Nếu mẹ khoán trắng việc chăm con cho bà, thì không thể nào bắt bà cho con ăn theo ý mình", bà Hồng Hà chia sẻ. 

"Các bà mẹ nên suy nghĩ thoáng một chút, được cái nọ mất cái kia. đừng quá đặt nặng vấn đề này cho mệt mỏi rồi gây gổ với nhau".

Chuyên gia gợi ý, khi bố mẹ hay mẹ với bà có ý kiến khác nhau về cách cho bé ăn, các thành viên có thể dùng những từ ôn hòa khi trao đổi với nhau như "Mẹ thử cho bé ăn như thế này xem cháu có thích không, nếu không thì sẽ đổi", hay "em nghĩ ăn theo cách này sẽ rèn được thói quen tốt cho con, chúng mình thử xem"...

Chị Ngọc Bích (phố Đội Nhân, Ba Đình, Hà Nội) từng stress vì mâu thuẫn trong cách chăm con với chính mẹ đẻ, chia sẻ: "Tớ rút ra bài học là, đừng tranh cãi với các bà, cũng đừng nói cách của mình mới tốt".

Khi chuẩn bị cho bé thứ hai ăn dặm, chị hay tỉ tê kể với mẹ về cách cho ăn của "chị A cơ quan con" hay "chị B hàng xóm" rồi rỉ rả nói ưu điểm, nhược điểm... Sau đó, chị tham gia một khóa chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn nấu ăn cho bé và rủ mẹ đi cùng. "Mình nói thì các bà không tin, nhưng bác sĩ nói khác hẳn, bà còn về hào hứng truyền đạt với mấy bác hàng xóm nữa", chị kể. 

Ngoài ra, chị luôn cố gắng dành thời gian chăm con, nấu bữa sáng cho bé trước khi đi làm, nấu bữa tối cho bé ăn cùng gia đình... Bà thấy cháu liên tục được đổi bữa, ham ăn và mau lớn thì cũng ủng hộ cách làm của mẹ. 

"Điều quan trọng là mình biết bà góp ý gì cũng đều là vì thương cháu nên không để bụng hay tranh cãi ăn thua. Có nhiều kinh nghiệm của bà rất hay như cho bé uống nước rau diếp cá để hạ sốt và đỡ táo bón, hoặc xi cho bé đi ị đúng giờ, người lớn ăn gì cũng cho bé thử chút để con ăn được đa dạng... thì mình cũng phải học tập", chị nói.

Theo VnExpress



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.