Thực sự hiếu thảo với cha mẹ là gì? Đây là câu trả lời hay nhất tôi từng nghe

Nhiều khi chúng ta tự hỏi, tại sao đã cho bố mẹ mình một cuộc sống tốt đẹp nhưng dường như họ không hạnh phúc?

01

Tôi mua một ít đồ ăn dinh dưỡng cho em gái ở xa và dự đinh sẽ mang đến công ty chuyển phát nhanh vào buổi sáng.

Mẹ tôi thấy vậy nói: "Con bận quá, để mẹ đi một loáng là xong".

“Mẹ có đi cũng không giúp được con đâu vì công ty chuyển phát nhanh yêu cầu phải điền thông tin gửi rắc rối lắm”, tôi nói.

"Là như vậy sao…", mẹ tôi ngập ngừng nói một câu rồi thật lâu sau đó bà không nói gì nữa.

Tôi nhìn lại mẹ, người vừa cười khi nãy, bây giờ nét mặt có chút cứng ngắc, đầy thất vọng.

Ngay lập tức tôi nhận ra rằng mình đã nói sai điều gì đó. Có lẽ bởi tôi đã từ chối bà vì cho rằng có một số thứ bà không hiểu. Có lẽ mẹ tôi nghĩ bà thực sự vô dụng, không giúp được gì cho con mình.

Không biết từ khi, các bậc cha mẹ già đang dần bắt đầu phải đối mặt với một sự thật đau lòng: họ đang trở nên vô dụng.

Thực sự hiếu thảo với cha mẹ là gì? Đây là câu trả lời hay nhất tôi từng nghe-1

Họ không hiểu những gì chúng ta đang làm tại nơi làm việc, vì vậy họ không thể đưa ra lời khuyên;

Các món ăn của mẹ chúng ta quá nhiều calo và quá nhiều dầu mỡ...

Họ thường xuyên cố gắng giúp đỡ con cháu nhưng lại bị cho là đang quậy phá lũ trẻ.

Vào mùa đông, tiết trời lạnh dần, tôi tìm chiếc áo khoác mãi mà không thấy, lục tủ mấy ngày không có kết quả mới hỏi mẹ, bà nói đã giúp tôi cất đi rồi.

“Mẹ không thể để chiếc áo khoác như vậy, chỉ cần treo nó trong tủ thôi”, khi nhìn thấy chiếc áo khoác được gấp gọn gàng và bị đè dưới rất nhiều quần áo, tôi tức giận nói.

Thực tế, tôi đã giặt khô chiếc áo cách đây không lâu, và sẽ mặc nó ngay khi trời trở lạnh. Mẹ tôi gấp lại cho tôi nhưng lại làm chiếc áo khoác trở nên nhàu nát.

"Con đã nói rồi, mẹ không cần giúp con dọn quần áo ...", trong cơn tức giận, tôi đã không kiềm chế được cảm xúc, than thở rất nhiều.

Lúc đầu, mẹ tôi còn giải thích, nhưng vì tôi cứ phàn nàn, bà càng ngày càng ít giải thích cho đến khi bà ngừng nói.

Khi nhìn mẹ với tâm lý của một người chiến thắng, tôi nhận ra rằng người mẹ trước mắt mình dường như mang tâm trạng của một người thua cuộc, giống như tôi lúc nhỏ khi làm điều gì sai: một chút hối hận, một chút hoảng sợ. Trái tim tôi thắt lại.

Một số người nói rằng quá trình trưởng thành của một đứa trẻ thực chất là một quá trình trong đó “chức năng” của cha mẹ dần yếu đi. Từ một đứa trẻ chờ được cho ăn, dần dần lớn lên có thể tự lo cho bản thân, và sau đó trở nên độc lập về tài chính, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn và vai trò của cha mẹ giảm sút.

Chúng ta thường nói cha mẹ là chiếc ô che mưa che nắng cho ta, thật ra khi trưởng thành chúng ta đã hoán đổi vị trí với cha mẹ, chúng ta là hiện thân của những chiếc ô, muốn che mưa che nắng cho cha mẹ.

Nhưng chúng ta đã quên rằng dù chúng ta có lớn lên bao nhiêu tuổi, dù nếp nhăn hằn trên trán, thì trong mắt cha mẹ, chúng ta vẫn mãi là con của họ, và họ sẽ luôn lo lắng chúng ta ăn không ngon và bị người xấu lừa gạt...

Họ luôn sẵn sàng đứng ra bảo vệ chúng ta.

Nhưng chúng ta đã làm điều đó như thế nào?

Làm gián đoạn lời khuyên của họ, phớt lờ gợi ý của họ, đi ngược lại mong muốn của họ và thậm chí từ chối mối quan tâm của họ, nói với họ, dù có ý thức hoặc vô thức, rằng họ là kẻ vô dụng và bạn không cần họ nữa.

Nghe có vẻ tàn nhẫn?

Nhưng bạn và tôi hầu như làm điều đó mỗi ngày.

02

Hãy nghĩ về điều đó vào ngày thường, mỗi khi chúng ta cần bố mẹ giúp đỡ một việc gì đó, dù việc lớn hay việc nhỏ, họ sẽ rất tích cực và đảm đang, rất ít khi từ chối.

Thực sự hiếu thảo với cha mẹ là gì? Đây là câu trả lời hay nhất tôi từng nghe-2

Ngoài ra, nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy rằng những người già có cháu rất thích chăm sóc cháu và chơi với chúng.

Thực ra, tất cả những điều này là do người già cảm thấy mình còn có thể làm tròn vai, nếu không trở thành gánh nặng cho con cái thì họ sẽ rất hạnh phúc.

Trước đây tôi có đọc một câu chuyện trên mạng kể rằng ông chủ của một công ty thường dùng xe lăn đẩy bà mẹ có đôi chân bị tật đi chợ rau mua đồ ăn, còn nhờ bà cụ mặc cả cho mình, mua đồ ăn xong, anh luôn lắng nghe người mẹ già của mình cằn nhằn.

Tài sản của anh ta có thể mua được toàn bộ chợ rau.

Mà sao lại thấy vui khi bà cụ mặc cả bớt được một hai nghìn đó?

Là bởi vì muốn người mẹ khuyết tật ở chân cảm thấy mình "có ích", con trai bà vẫn cần bà.

Câu chuyện này cũng khiến tôi nhớ đến người hàng xóm của tôi, chú Lý. Khi tôi còn nhỏ, chú sống với mẹ già đã ngoài 70 tuổi.

Chú ấy có một thói quen mà tôi rất ghét, đó là cứ đến mùa đông, chú lại chạy về nhà vào buổi trưa và nhờ mẹ hấp bánh bao cho mình.

Điều đáng buồn hơn cả là chú thường xuyên đưa đồng nghiệp cùng cơ quan đến ăn bánh bao ở nhà.

Nhiệt độ ở Tân Cương vào mùa đông xuống dưới 0 độ. Bánh bao sau khi gói xong sẽ để đông lạnh trực tiếp trong sân, lúc nào muốn ăn chỉ cần lấy vào hấp lên, bản chất là một kiểu tủ lạnh tự nhiên.

Vì vậy, ngay khi bắt đầu dọn nhà vào đầu năm, mẹ của chú Lý liền bắt tay vào làm bánh bao, có thể thấy hầu như ngày nào bà cụ cũng phơi bánh bao ra sân.

“Bất hiếu quá, bà già như vậy mà vẫn phải nấu cho chú ăn”. Mỗi lần nhìn thấy chú Lý, tôi lại thầm than với mẹ.

Vì lý do này, chị em tôi không thích nói chuyện với chú Lý.

Một ngày nọ, tôi tình cờ nghe được cuộc trò chuyện giữa chú Lý và đồng nghiệp của chú.

Một đồng nghiệp nói: “Mẹ của anh đã lớn tuổi rồi, sao còn bắt bà phải nấu nướng, chỉ cần ăn trưa tại cơ quan thì không được sao?”.

“Mẹ tôi từng rất khỏe. Nhưng mấy năm nay bà không còn khỏe nữa, việc duy nhất có thể giúp tôi là làm bánh bao”, chú Lý châm một điếu thuốc nhìn về phía xa xăm.

Lúc đó, tôi không hiểu ý tứ trong lời nói của chú Lý, nhưng bản năng mách bảo tôi rằng, chú Lý không phải là người không hòa nhã như tôi nghĩ.

Sau đó, mẹ chú Lý bị liệt, trong trí nhớ của tôi, chú Lý thường mang vỏ bánh và nhân bánh đến cho mẹ, để bà vẫn làm bánh bao cho chú.

Hôm nay nhớ lại, quả thực chú Lý rất có hiếu.

Có câu nói, hiếu thuận không bằng hòa thuận, hòa thuận không bằng sống có ích. Cha mẹ cảm thấy mình là người có ích, có thể giúp đỡ con cái, không phải là gánh nặng khiến con cái phải lo lắng, đây mới chính là điểm mấu chốt khiến người già hạnh phúc trong những năm tháng sau này.

03

Tâm lý học Lão khoa cho rằng, thay đổi tâm lý lớn nhất của người cao tuổi là thường có cảm giác cô đơn, bị cô lập, biểu hiện trong cuộc sống hàng ngày là họ cảm thấy mình không còn giá trị, dẫn đến mất mát sâu sắc.

Thực sự hiếu thảo với cha mẹ là gì? Đây là câu trả lời hay nhất tôi từng nghe-3

Trong y học có chuyên môn chăm sóc tâm lý cho người cao tuổi, nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng sự hòa thuận trong gia đình là cơ sở cho sức khỏe thể chất và tinh thần của người cao tuổi.

Khi con người ta già đi sẽ cảm thấy hoảng sợ, nếu con cái sắp xếp việc gì đó cho cha mẹ thì sẽ làm giảm bớt nỗi sợ về sự già nua về thể chất.

Tôi nhớ có một tình tiết như vậy trong một bộ phim truyền hình, con trai mua nhà ở thành phố sau khi tốt nghiệp đại học, cưới vợ, sinh con.

Người cha già mang trứng ở quê lên cho con dâu tẩm bổ, Anh con trai một mặt than phiền rằng sao bố già rồi còn đi lại làm gì cho vất vả, họ có thể mua được trứng ở thành phố, mặt khác, nhấn mạnh rằng con dâu chỉ ăn trứng của một thương hiệu nào đó, vì vậy yêu cầu bố mang trứng về, nói rằng họ sẽ tự lo liệu được. Người cha già nua sau đó bị lạc và không trở về nữa.

Thực ra, lúc đó, thứ mà người con trai từ chối không chỉ là một rổ trứng, mà là cắt đứt quyền được làm điều gì đó của ông lão đối với con mình, điều khiến ông lão buồn và thất vọng là con trai không còn cần mình nữa.

Phụ huynh ở quê gửi hàng chục chiếc xúc xích hay bánh xèo do chính họ làm làm cho con cái ở thành phố, nhưng hầu hết các bậc con cái này lại khuyên cha mẹ không nên tự làm, họ nói rằng những thứ này ở siêu thị, chợ rau đều có sẵn.

Con cái thường nghĩ cha mẹ đã vất vả gần như cả đời để nuôi ta khôn lớn, thì lúc già nên sống nhàn hạ, không nên lo lắng cho con cái đã trưởng thành.

Hơn nữa, những suy nghĩ mà chúng ta đã được thấm nhuần từ khi còn nhỏ là lớn lên không nên dựa dẫm vào cha mẹ, không nên gây phiền phức cho người già, nhất là không muốn họ làm việc gì cho mình và sợ họ sẽ khổ.

Kết quả là chúng tôi “đuổi” bố mẹ ra khỏi bếp và nấu ăn cho họ, nhưng kết quả là họ cảm thấy mình thật vô dụng.

Theo các khảo sát chính thức, người cao tuổi luôn mong muốn được làm nhiều việc hơn cho xã hội trong suốt cuộc đời, điều mà họ có thể làm là chăm sóc cháu và chia sẻ việc nhà với con cháu, điều này sẽ giúp ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.

Suy cho cùng, chúng ta cũng là cha mẹ, là do chính bản thân thúc đẩy, trước khi quá già đến mức không thể đi lại được, ai cũng mong làm được một chút cho con cái, thay vì trở thành một ông già ăn vạ nằm chờ chết.

Mẹ tôi thường nói: “Giờ mẹ có thể giúp con nấu nướng, chăm sóc con cái, về già mẹ sợ nhất là mình vô dụng, trở thành gánh nặng cho con”.

Điều này nghe có vẻ hơi buồn, nhưng đó là một sự thật đau lòng.

Nguyên nhân khiến nhiều người già không muốn sống cùng con cháu là vì họ cảm thấy không thể giúp được gì. Họ luôn có cảm giác mình là “khách” và thấy khó chịu vì điều này.

Vì vậy, bắt đầu từ hôm nay, con cái hãy cố gắng cho bố mẹ một vài cơ hội dù chỉ làm những việc vặt vãnh, thậm chí có thể sẽ gây rắc rối.

Bởi vì hiếu thảo thực sự là làm cho cha mẹ cảm thấy rằng họ vẫn cần đến chúng ta và vẫn còn có ích, rằng họ quan trọng với bạn và ngôi nhà của bạn.

04

Nhiều khi chúng ta tự hỏi, tại sao đã cho bố mẹ mình một cuộc sống tốt đẹp nhưng dường như họ không hạnh phúc?

Đặc biệt là khi chúng ta hỏi cha mẹ cần thêm điều gì, câu trả lời của họ luôn là: "Không thiếu thứ gì", và có chút lịch sự trong giọng điệu.

Thực sự hiếu thảo với cha mẹ là gì? Đây là câu trả lời hay nhất tôi từng nghe-4

Tại sao chúng ta muốn làm cho cha mẹ vui lòng, cho họ cơ sở vật chất tốt mà họ lại càng cách xa chúng ta?

Thực tế, cách làm của chúng ta không phải là hiếu thảo thực sự, nó chỉ khiến họ thêm cô đơn về già khi không còn gì để làm.

Theo các cuộc khảo sát, kể từ năm 1990, tỷ lệ tự tử của người cao tuổi ở nông thôn Trung Quốc đã tăng từ 1/1000 20 năm trước lên 5/1000 hiện nay, cao hơn tỷ lệ này ở người lớn. Trong đó, cô đơn là nguyên nhân chính dẫn đến tự tử ở người cao tuổi. Thứ hai là bệnh tật và nghèo đói.

Sự cô đơn của người già, chủ yếu là do con cái khiến họ có cảm giác không còn cần thiết nữa gây ra.

Theo quan điểm này, việc cung cấp cho người cao tuổi những điều kiện vật chất tốt không đảm bảo cho họ hạnh phúc trong những năm tháng sau này mà chỉ có làm cho người cao tuổi cảm thấy mình còn có ích - niềm vui thực sự bên trong – mới chính là bí quyết giúp họ khỏe mạnh và trường thọ.

Vậy, con cái có thể làm gì để cha mẹ cảm thấy họ có ích?

Trước tiên, hãy chấp nhận sự quan tâm và giúp đỡ của bố mẹ

Mỗi năm con cái về thăm cha mẹ dịp lễ Tết, cha mẹ hạnh phúc nhất là được nấu một bàn tiệc lớn, sau đó nhìn chúng ta ăn xong, lúc đó cha mẹ sẽ cảm thấy con mình vẫn ở bên cạnh và chưa rời xa. Được tự tay chế biến món ăn yêu thích cho con cái chính là niềm tự hào của cha mẹ.

Bạn tôi, anh Lưu cho biết mỗi khi về nhà, anh ấy sẽ giả vờ ăn cả tiếng đồng hồ không biết chán, dù đã no nê lắm rồi, vì anh biết rằng đó là điều duy nhất mẹ anh có thể tự hào trước mặt con trai mình.

Một lần anh Lưu tình cờ nói rằng khoai lang ở quê anh rất ngon, kết quả là anh nhận được vài bao khoai lang từ cha mẹ mình.

Làm tất cả những điều này cho con trai, cha mẹ anh Lưu không những không thấy phiền phức mà còn rất thích thú.

Vì vậy, nhận sự giúp đỡ, chăm sóc của cha mẹ và tìm sự giúp đỡ của cha mẹ là cách báo hiếu cha mẹ tốt nhất.

Thứ hai, dạy cha mẹ sử dụng các sản phẩm công nghệ phổ biến

Ngày nay xã hội ngày càng phát triển như vũ bão, hầu như ngày nào cũng xuất hiện những cái mới, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ.

Nếu cha mẹ có thể được dạy cách sử dụng các sản phẩm công nghệ phổ biến kịp thời, họ sẽ cảm thấy rằng họ đang theo sát xu hướng của thời đại và không bị đào thải bởi thời đại thay đổi nhanh chóng này.

Nhiều người lo lắng rằng cha mẹ sẽ không học được, trên thực tế, hầu hết cha mẹ dù lớn tuổi nhưng không được coi là già, họ có năng lực học tập cơ bản và mong muốn không lạc lõng với sự phát triển của xã hội và sự tiến bộ của thời đại. Vì vậy, chúng ta không nên coi thường khả năng học tập của cha mẹ.

Lấy bố mẹ tôi làm ví dụ, họ thường sử dụng điện thoại di động truyền thống dành cho người già và chỉ biết một công dụng duy nhất là bấm nút gọi và nhận điện thoại. Sau này, tôi mua điện thoại thông minh cho họ. Lúc đầu tôi lo bố mẹ không học được, kết quả là sau khi được tôi chỉ dẫn vài lần, họ đã học được. Chúng tôi đã thành lập nhóm “chat” gia đình, mọi người sẽ đăng ảnh lên nhóm, bố mẹ có thể xem trong thời gian sớm nhất.

Thực ra, đôi khi chúng ta chỉ cần nhẫn nhịn hơn một chút thôi cũng đủ khiến họ cảm nhận được lòng hiếu thảo của chúng ta.

Cuối cùng, hãy để cha mẹ già đi với phẩm giá

Chúng ta thường đề cập đến thuật ngữ "nhân phẩm", tất cả chúng ta đều đang nỗ lực để duy trì phẩm giá của mình. Trên thực tế, phẩm giá của cha mẹ chúng ta cũng cần được duy trì, đặc biệt là trước mặt chúng ta.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy nhiều người già rất cẩn thận khi nói chuyện với con cái của họ, thực tế khi cha mẹ nói chuyện với các con mà không cẩn thận thì lại mất đi phẩm giá.

Cha mẹ lúc nào cũng là người lớn tuổi, chúng ta phải tôn trọng họ, đừng nói nặng lời với họ, đừng nghĩ đến việc làm bẽ mặt họ.

Để cha mẹ được già với nhân phẩm, ngoài việc kính trọng họ ngày thường, việc con cái cho phép bản thân tiếp tục nương tựa vào cha mẹ càng quan trọng hơn.

Ngày 24/11/2017, một người đàn ông 60 tuổi được phát hiện tử vong tại nhà. Tuy nhiên, không ai biết ông chết như thế nào và khi nào...

Những thảm kịch như vậy xảy ra hầu như hàng ngày, những người già này chỉ ra đi một cách âm thầm và không có phẩm giá.

Vì vậy nếu có điều kiện, khi cha mẹ lớn tuổi, chúng ta nên cố gắng chăm sóc thay vì để họ sống một mình, dù không thể sống chung thì cũng phải luôn quan tâm, gọi điện về báo hiếu.

Yêu thương cha mẹ và để họ tận hưởng tuổi già hạnh phúc một cách đàng hoàng, đây không phải điều con cái muốn mà là điều bố mẹ muốn, làm cho họ cảm thấy mình vẫn còn có ích.

Con mong cha mẹ chúng con sẽ sống lâu, mạnh khỏe và luôn vui vẻ, hạnh phúc!

Tác giả: Hạ Văn Phương 

Theo Hoàng Lan – Vietnamnet.vn


Lễ Vu Lan


Cách nấu súp gà ngô bổ dưỡng, đơn giản tại nhà
Súp gà ngô là món ăn yêu thích của nhiều gia đình. Nguyên liệu và cách nấu súp gà ngô cũng không quá phức tạp. Cùng VietNamNet tìm hiểu cách nấu súp gà ngô bổ dưỡng, đơn giản tại nhà nhé.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.