10 năm đi dạy, lương vẫn chỉ 600.000 đồng

Đó là tình trạng của hơn 100 giáo viên tiểu học và THCS ở quận Kiến An (Hải Phòng). Họ gọi vui nghề của mình là “dạy thuê”.

Đó là tình trạng của hơn 100 giáo viên tiểu học và THCS ở quận Kiến An (Hải Phòng). Họ gọi vui nghề của mình là “dạy thuê”.

Giáo viên đi dạy hơn 10 năm, có giáo viên dạy gần 20 năm với mức lương khoảng 1 triệu đồng/tháng hoặc đi dạy không lương để chờ ký hợp đồng lao động chính thức mà không được. Đây là tình trạng của hơn 100 giáo viên tiểu học và THCS tại quận Kiến An (TP Hải Phòng).

  Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Kiến An, TP Hải Phòng), nơi có nhiều giáo viên “dạy thuê” và ghi chép của phụ huynh về các khoản thu, trong đó có khoản “hỗ trợ giáo dục”.
Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Kiến An, TP Hải Phòng), nơi có nhiều giáo viên “dạy thuê” và ghi chép của phụ huynh về các khoản thu, trong đó có khoản “hỗ trợ giáo dục”. Ảnh: Pháp Luật TP HCM.

Gần 20 năm đi “dạy thuê”

Bà Trần Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (phường Lãm Hà, quận Kiến An, TP Hải Phòng), cho biết trường có những giáo viên “dạy thuê” cho trường tới 16 năm vẫn chưa được ký hợp đồng lao động chính thức.

Bà Huệ giãi bày: “Bao nhiêu năm các cô chịu đựng và phải theo đuổi để chờ đợi ký hợp đồng. Có cô “dạy thuê” 16 năm; có cô sinh năm 1976, tính ra tuổi gần 40 mà vẫn phải bám trụ “dạy thuê” để theo đuổi cái hợp đồng lao động chính thức với nhà trường”.

Trường Tiểu học Nguyễn Du có gần 10 giáo viên “dạy thuê”, trong đó có ba giáo viên dạy văn hóa. Tiền công nhà trường cân đối từ thu chi của trường để trả cho các giáo viên này là 1.150.000 đồng/tháng. Các giáo viên phải tự đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bà hiệu trưởng cho biết: “Đây là việc các cô tự nguyện chứ không ai ép cả. Nhà trường chỉ có thể cân đối và đưa ra mức chi trả như vậy”.

Bà Huệ cho biết những giáo viên ở các trường tiểu học trong quận Kiến An vẫn may mắn có được mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng (chưa trừ bảo hiểm); khối THCS giáo viên còn đi dạy không lương nhiều năm liền để theo đuổi một suất hợp đồng chính thức mà vẫn không được.

Anh TVT, chồng của cô NTM, giáo viên “dạy thuê” ở trường Tiểu học Ngọc Sơn (quận Kiến An), bức xúc: “Nếu có khái niệm giáo viên nhân dân, tôi đề nghị trao cho những người như vợ tôi và các đồng nghiệp của cô ấy. Họ nhận mức lương 1 triệu đồng/tháng; đóng các loại bảo hiểm vợ tôi mang về 600.000 đồng.

Trước đây mức thu nhập của cô ấy không được đến mức này. Tôi thấy vợ tôi làm ở trường cả ngày, đêm về nhà còn cặm cụi làm việc. Vợ tôi sinh năm 1979, đến giờ đi dạy được 15 năm nhưng vẫn chỉ là người đi “dạy thuê”, không được tính thâm niên, không biết tương lai như thế nào. Nhiều lần tôi khuyên vợ bỏ nghề nhưng cô ấy chưa đành. Những giáo viên khác cũng rơi vào cảnh tương tự”.

10 năm đi dạy, lương vẫn chỉ 600.000 đồng

Phụ huynh phải đóng tiền “hỗ trợ” giáo viên

Ông Phạm Xuân Xình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngọc Sơn, cho biết: “Các quận, huyện khác được ký hợp đồng chính thức với giáo viên. Giáo viên được trả lương, được tính thâm niên và có khoản thu nhập ít nhất cũng trên 3 triệu đồng/tháng. Còn ở quận Kiến An không có khoản gì cho họ ngoài số thu nhập thỏa thuận với mức lương tối thiểu dành cho giáo viên”.

Ông Phạm Xuân Xình cho rằng việc không tuyển biên chế cho ngành giáo dục ở quận Kiến An là nguyên nhân sâu xa của việc các trường thu những khoản “thỏa thuận” với phụ huynh để trả lương cho các giáo viên “dạy thuê”. Năm học 2015-2016, các giáo viên chủ nhiệm thông báo các khoản thu đầu năm nhưng không viết lên bảng, chỉ đọc cho phụ huynh biết vì có rất nhiều khoản không giải trình được.

Một phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du cung cấp cho chúng tôi những khoản phụ huynh phải nộp khó hiểu của trường, trong đó khoản thu “hỗ trợ” giáo viên. Năm học 2015-2016, trong các khoản thu các phụ huynh khối 1 phải đóng hằng tháng thì có khoản thu 50.000 đồng để “hỗ trợ” giáo viên.

Thiếu giáo viên nhưng không được tuyển

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Đức Hội, Trưởng phòng GD&ĐT quận Kiến An, cho biết: “Năm 2012, quận Kiến An không tuyển biên chế giáo viên tiểu học; từ năm 2008 đến nay quận cũng không tuyển biên chế nào cho giáo viên THCS. Chúng tôi đã đưa việc này ra trong các kỳ hợp HĐND TP nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Lý do TP đưa ra là tổng biên chế của toàn TP đang dư thừa.

Đây là bài toán dư thừa biên chế của TP Hải Phòng nhưng quận Kiến An lại thiếu. Các ngành khác thừa nên TP không tuyển biên chế nữa khiến ngành giáo dục chúng tôi lao đao.

Giáo viên THCS chúng tôi thiếu 60 biên chế, tiểu học chúng tôi thiếu gần 100 giáo viên. Mấy năm nay số lượng học sinh tăng mà chúng tôi không được tuyển biên chế. Tình trạng có những giáo viên “dạy thuê” đến nay đã 14-15 năm điều đó là có thật ở Kiến An, không phải là ít mà rất nhiều”.

Thiếu giáo viên là việc của tỉnh

Chiều 14/10,ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết Bộ chưa nắm được thông tin gần trăm giáo viên ở Hải Phòng làm việc nhiều năm nhưng với mức lương bèo bọt.

Theo ông Minh, quy định tuyển dụng viên chức, công chức đã có trong Nghị định 29 của Chính phủ và trong Thông tư 15 của Bộ Nội vụ. “Bộ GD&ĐT không có quy định theo kiểu tỉnh nào cần bao nhiêu giáo viên. Mà việc này do Bộ Nội vụ duyệt dựa trên đề án của các tỉnh tổng hợp từ các đơn vị (trong đó có ngành giáo dục), địa phương trong tỉnh. Sau đó tỉnh thực hiện theo nghị quyết của HĐND tỉnh khi được giao biên chế” - ông Minh giải thích.

Trả lời câu hỏi về việc ngành giáo dục quận Kiến An thiếu giáo viên nhưng lại không được tuyển do TP Hải Phòng dư thừa biên chế, ông Minh cho biết đây là vấn đề của TP Hải Phòng trong việc trình nhu cầu biên chế với Bộ Nội vụ.

Theo Pháp luật TP HCM


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.