Bạo lực học đường, người lớn ở đâu?

Khi đề cập nguyên nhân bạo lực học đường, hầu hết các chuyên gia và nhà giáo dục đều đặt vấn đề vai trò, trách nhiệm của người lớn.

Khi đề cập nguyên nhân bạo lực học đường, hầu hết các chuyên gia và nhà giáo dục đều đặt vấn đề vai trò, trách nhiệm của người lớn.

 Bạo lực học đường, người lớn ở đâu? - 1

51,6% HS cho biết các em từng gặp bạo lực, trong đó bạo lực tinh thần là thường gặp nhất (chiếm 73%), bạo lực thể chất là 41%. Ảnh: Như Ý.

Trẻ với nguy cơ bị bắt nạt

Hôm qua, tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm về bạo lực học đường với sự tham gia của nhiều chuyên gia tâm lý học và nhiều nhà giáo dục. Trong một báo cáo của mình, nhà nghiên cứu độc lập Ngô Toàn cũng đưa thông tin về một khảo sát mới đây của các tổ chức nghiên cứu và phát triển về phụ nữ và trẻ em, qua đó cho thấy bạo lực học đường, đặc biệt hành vi “bắt nạt” đang là vấn đề chung của các nước châu Á - nơi có tỷ lệ bình quân học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường lên tới 70%.

“Khi gặp bạo lực học đường, khoảng 1/3 số em chọn giải pháp im lặng, không phản ứng. Cũng khá nhiều em biết cách giải quyết là nhờ sự giúp đỡ của người lớn, phần lớn tìm đến giáo viên chủ nhiệm. Nhưng có một thực tế khiến chúng tôi băn khoăn là rất ít em chọn giải pháp chia sẻ với phụ huynh”.

PGS.TS Phạm Minh Mục

Chỉ tính trong 6 tháng (từ tháng 10/2013 đến 3/2014), số học sinh bị bạo lực tại trường học của Indonesia là 75%, tiếp theo là Việt Nam - 71%. Theo ông Toàn, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, những học sinh bị bắt nạt thường do có đặc điểm nổi bật so với đám đông như quá xinh đẹp, quá béo phì, không được bạn bè ưa thích, có vấn đề sắc tộc/vùng miền, trông kỳ cục.

Theo PGS. TS Phạm Minh Mục, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học & Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, kết quả khảo sát mới đây về thực trạng bạo lực học đường ở một số trường phổ thông của nhiều tỉnh thành đại diện cho các vùng miền khác nhau cho thấy, học sinh gặp nhiều vấn đề trong môi trường học đường. Có đến 51,6% cho biết, các em đã từng gặp bạo lực. Trong đó bạo lực tinh thần như mắng, chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục… là thường gặp nhất (chiếm 73%); Bạo lực thể chất (tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai, đánh đập…) là 41%.

Người lớn ở đâu?

TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp kể lại một câu chuyện từ một trải nghiệm của chính bản thân: “Năm con tôi học lớp 7 tại một trường thuộc diện “trường điểm” của Hà Nội thì bị các bạn cùng trường mang mũ bảo hiểm vào đánh, thậm chí người ta phải mang cháu đi cấp cứu. Nhưng nhà trường tuyệt đối không có động thái gì. Tôi gọi điện hỏi thì lãnh đạo nhà trường bảo chuyện đó là bình thường. Tôi có cảm giác giáo viên của chúng ta do quá tải về những thủ tục hành chính giấy tờ mà đã phải ủy quyền quản lý các giao tiếp xã hội trong lớp cho cán bộ lớp. Giáo viên được kể lể là làm rất nhiều việc nhưng thực tế cho thấy những công việc cụ thể trong lớp học cần được họ làm thì họ không làm”.
Các bạn Trần Thị Khai, Nguyễn Văn Duẩn là những sinh viên Khoa Giáo dục học của Học viện Quản lý Giáo dục cũng mang đến cuộc tọa đàm câu chuyện về M., một học sinh lớp 7 ba lần bị bạo lực - một lần do nhóm nam sinh lớp 9 cùng trường uy hiếp để trấn tiền, hai lần bị bố mẹ đánh do nghi con ăn cắp tiền chơi game. Nhóm sinh viên này đã trò chuyện với bố mẹ M. để giúp họ hiểu ra con họ cần được giúp đỡ, chia sẻ thay vì đòn roi.
Nguyễn Văn Duẩn nhận xét: “Trường hợp của M. cho thấy em thiếu sự chia sẻ của cha mẹ, người thân để giúp em giải quyết những vấn đề xảy ra. Do sự thiếu tin cậy với thầy cô, với cha mẹ nên M. đã không dám kể lại những khó khăn trên, dẫn đến việc ứng phó đầy manh động khi bị bạn bè trấn áp”.
Theo nhiều chuyên gia, trong nhà trường rất cần có những giáo viên có hiểu biết về tâm lý lứa tuổi, những cán bộ tư vấn có chuyên môn giúp học sinh tự biết cách đối mặt với khủng hoảng chứ không phải giải quyết vấn đề hộ các em. PGS.TS Phạm Minh Mục đề xuất: “Trước hết người lớn phải biết tôn trọng nhân cách, nhân phẩm của học sinh. Họ phải làm thế nào để giúp cho học sinh tự giải quyết được các vấn đề của mình, tự nhận thức được mình cần phải làm gì và mình có trách nhiệm đến đâu. Để giải quyết vấn đề này phải có sự tham gia đồng bộ của cộng đồng, của nhà trường, và đặc biệt của phụ huynh học sinh”.

Theo Quý Hiên (Tiền Phong)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.