Hàng loạt sự cố an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều vụ ngộ độc hoặc có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm xảy ra với mật độ ngày một dày đặc hơn. Tại một số trường học mà phóng viên khảo sát, suất ăn công nghiệp dành cho học sinh đến từ nhiều nguồn mà chất lượng rất “tù mù”.
Ngày 4/2, Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an vừa phối hợp với lực lượng quản lý thị trường quận Thủ Đức, TPHCM bắt quả tang cơ sở kinh doanh trái phép thực phẩm quá hạn với số lượng lớn do bà Lê Thị Lệ Hằng (ngụ đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Bình, quận Thủ Đức) làm chủ. Thực phẩm bẩn này được nói là đã bán cho khắp nơi tiêu dùng, trong đó có cả các trường mầm non…
Phụ huynh nơm nớp lo chất lượng bữa ăn của con em mình ở trường. |
Một vụ việc khác cũng mới xảy ra: Ngộ độc thực phẩm tại trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (số 183 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP.HCM), sau bữa ăn xế (bữa ăn chiều), 65 học sinh bị ngộ độc và bốn trường hợp phải nhập viện.
Mới đây nhất là vụ việc chiếc xe tải của Công ty Phú Nhật Hào (địa chỉ thị xã Tân Uyên, Bình Dương) chở 300 kg thực phẩm gồm 72 kg cá điêu hồng và 12 kg thịt đều bị ôi thối, rau củ quả giập nát vào trường tiểu học Long Bình (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) bị phụ huynh phát hiện. Sau vụ việc, thay vì để con ăn cơm tại trường như trước đây, hàng trăm phụ huynh phải đón con về nhà ăn cơm hoặc mua cơm hộp mang đến tận trường.
Vì sao và bằng những con đường nào, thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo an toàn xâm nhập được vào trường học?
Trường Tiểu học Long Bình nơi phát hiện công ty Phú Nhật Hào chở thực phẩm bẩn nấu thức ăn cho học sinh. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Hoa hồng thấp nhất 10%
Ngày 10/3, trong vai người của các trường học đi tìm đơn vị cung cấp suất ăn để ký hợp đồng cho năm học mới, phóng viên đến Công ty TNHH Hòa Phát tại quận Thủ Đức, TP.HCM để tìm hiểu. Đại diện bộ phận kinh doanh, ông Nguyễn Bá Nhật cho biết, công ty cung cấp suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể từ năm 2009. Hiện công ty đang cung cấp suất ăn cho công nhân tại Đồng Nai, Bình Dương với giá 14.000 - 20.000 đồng/suất gồm cơm, canh, món mặn và đồ xào tùy theo yêu cầu.
“Có thể cung cấp với giá thấp hơn nữa, nhưng chúng tôi không thể làm như các nơi khác, vì như thế sẽ không thể bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ xảy ra ngộ độc là phá sản cả công ty”, ông Nhật nói.
Khi chúng tôi nói có nhu cầu muốn đặt suất ăn cho 500 - 700 học sinh, ông Nhật liền đưa ra mức giá 18.000 - 20.000 đồng/suất, gồm các món như của công nhân nhưng có cộng thêm phần tráng miệng.
Tại Cty TNHH DV Hồng Vân Phát (ấp Hòa Nhựt, xã Tân Vĩnh Hiệp, TX. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), bà Đỗ Thị Mai, chủ cơ sở này cho biết tùy theo đơn giá, nhu cầu của nhà trường mà công ty có những suất cơm khác nhau dao động từ 18.000 - 26.000 đồng.
Vật dụng chế biến bên trong bếp ăn của công ty TNHH Hòa Phát tại quận Thủ Đức
rất nhếch nhác. Ảnh chụp chiều 10/3. Ảnh: Việt Văn. |
Đại diện Cty cung cấp suất ăn công nghiệp Tú Hảo (trên đường Dương Đình Hội, phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM) cho biết mức giá chào hàng là 15.000 - 25.000 đồng/suất. Mỗi suất cơm gồm một món mặn, một món xào và một món canh. Sau khi trình ra các giấy tờ chứng minh như giấy phép kinh doanh, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, đại diện công ty còn giới thiệu thêm, hiện nay công ty của mình đang cung cấp suất ăn cho hai trường THCS trên địa bàn quận 9.
“Khi nhà trường kí hợp đồng, ngoài mức thuế 10%, phía công ty sẽ trích thêm 10% gọi là “hoa hồng” cho trường, trong đó có 3% cho ban giám hiệu và 2% cho các hoạt động của trường như dã ngoại, sinh hoạt chung… Cộng thêm 1% công ty dành cho bữa nhẹ ăn cuối tuần”. Đại diện công ty Tú Hảo |
Công ty Tân Phát chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cho học sinh có trụ sở ở quận Tân Bình, TP.HCM cho biết, công ty chỉ cung cấp suất ăn trưa và xế với giá 30.000 đồng. Tuy nhiên, công ty cũng có thể “tạo điều kiện” cho trường với mức giá 20.000 đồng. Ngoài ra, công ty này còn có mức thù lao hấp dẫn như tặng 30 suất cơm trưa cho giáo viên của trường, mỗi năm tổ chức cho giáo viên, cán bộ nhà trường là đối tác làm ăn của công ty đi du lịch.
Để thu hút hợp đồng, các công ty đều ngỏ ý trích hoa hồng cho “các thầy cô”. Công ty TNHH Hòa Phát nói sẽ chia hoa hồng từ 10%/tháng hoặc tùy theo thỏa thuận khi chính thức ký hợp đồng với nhà trường. Nếu là trung gian (“cò” - PV), công ty sẽ trả ngay một lần phí hoa hồng 1.000 USD/ năm cho một hợp đồng từ 500 học sinh trở lên.
Cũng chia hoa hồng như công ty Hòa Phát, nhưng công ty của bà Đỗ Thị Mai, chủ công ty Hồng Vân Phát có cách chia khác, hợp đồng từ 500 suất cơm trở lên, nhà trường sẽ hưởng được 10%. Còn những hợp đồng lâu dài thì sẽ có mức ưu đãi hậu hĩnh hơn nữa.
“Khi nhà trường kí hợp đồng, ngoài mức thuế 10%, phía công ty sẽ trích thêm 10% gọi là “hoa hồng” cho trường, trong đó có 3% cho ban giám hiệu và 2% cho các hoạt động của trường như dã ngoại, sinh hoạt chung… Cộng thêm 1% công ty dành cho bữa nhẹ ăn cuối tuần”, đại diện công ty Tú Hảo nói.
Bỏ ngỏ giám sát
Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề ngộ độc tại trường học và tình hình các cơ sở chế biến, kinh doanh suất ăn tập thể gần đây tại TPHCM, bác sĩ Trần Văn Ký - Phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam (VINAFOSA)- phân tích các nguy cơ khiến các bếp ăn thiếu an toàn. Theo ông Ký, điều cốt lõi vẫn là các bếp ăn tập thể luôn muốn giá thành càng thấp để tăng sức cạnh tranh, đồng thời vẫn muốn tăng lợi nhuận. Thế nên, chủ cơ sở dễ dàng chọn các thực phẩm rẻ, đồng nghĩa đó là thực phẩm không an toàn.
Nói về tình hình các trường liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm, ông Nguyễn Thanh Triều, phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TPHCM) nói, hiện nay có trường sử dụng bếp ăn trong trường để chế biến thức ăn cho học sinh, cũng có trường đặt hàng ở các công ty thực phẩm bên ngoài. Cả hai cách làm này đều có rủi ro.
“Để đảm bảo an toàn cho bữa ăn của học sinh, nhà trường nên thành lập một ban chuyên môn giám sát từ khâu chế biến đến khâu phân phối phần ăn cho học sinh. Ban này gồm một phó hiệu trưởng nhà trường, một cán bộ y tế, hai người đại diện ban phụ huynh và một cán bộ phụ trách bán trú của trường”, ông Triều gợi ý. Cán bộ y tế phụ trách lấy mẫu, kiểm tra thức ăn công ty mang đến vào mỗi buổi ăn.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Trần Văn Ký, công tác quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Việc điều tra các vụ ngộ độc tập thể rất khó khăn bởi không có sự phối hợp, huy động đồng bộ các ngành chức năng. Một số đơn vị cứ chú tâm kiểm nghiệm xem phát hiện “chất gì, con gì” trong mẫu thức ăn mà không biết rằng chỉ cần đánh giá chỉ số sinh hóa, độ tươi của sản phẩm là đã có thể kết luận. Hoặc “quên” không áp dụng nguyên tắc đánh giá của Bộ Y tế “nếu có trên hai người ăn cùng một loại thực phẩm, cùng một lúc rồi cùng có triệu chứng giống nhau thì có thể kết luận đó là ngộ độc thực phẩm” rồi.
Theo Tiền phong