Bộ GD&ĐT yêu cầu khắc phục tình trạng 'xét tuyển sớm gây mất công bằng' từ 2025

Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường hoàn thiện phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi bảo đảm chất lượng, công bằng, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nội dung trên được Bộ GD&ĐT nhấn mạnh trong kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2024 -2025 với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm gửi tới các trường mới đây.

Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học tập trung hoàn thiện chiến lược phát triển, kiện toàn tổ chức bộ máy, huy động mọi nguồn lực để nâng cao năng lực quản trị đại học. Đồng thời tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, hoàn thiện và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong. Các trường cần cải thiện các chỉ số hoạt động, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Cùng đó, các trường đổi mới mạnh mẽ chương trình và phương thức đào tạo gắn với tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm theo định hướng phát triển của các vùng và địa phương.

Bộ GD&ĐT yêu cầu khắc phục tình trạng xét tuyển sớm gây mất công bằng từ 2025-1

Bộ GD&ĐT yêu cầu khắc phục tình trạng 'xét tuyển sớm gây mất công bằng' từ 2025. (Ảnh minh hoạ)

Bộ đề nghị các trường tăng cường ứng dụng công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo trong toàn hệ thống giáo dục đại học, gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý và quản trị nhà trường, đổi mới phương pháp dạy và học, thi và kiểm tra, đánh giá, tạo tác động tích cực cho đổi mới giáo dục phổ thông.

Đặc biệt, các trường cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trình độ cao, chuyên gia đầu ngành, đặc biệt là trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, then chốt, công nghệ cao...

Từ các nhiệm vụ trọng tâm trên, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo hoàn thiện chiến lược phát triển, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học theo đúng chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

"Hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo đúng quy định; hoàn thiện các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 bảo đảm chất lượng và công bằng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông", Bộ GD&ĐT nêu rõ.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các trường hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.

Các trường cần đổi mới, hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động và nhu cầu học tập đa dạng của người học trong bối cảnh mới. Từ đó giúp thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo trình độ cao và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, chú trọng chất lượng và tác động xã hội.

Trong văn bản, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh việc tăng cường công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc gia và quốc tế, đẩy mạnh đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gắn với đào tạo, nhất là đào tạo tiến sĩ; quy hoạch hệ thống phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu gắn với các nhóm nghiên cứu, các đơn vị chuyên môn đơn ngành và đa ngành.

Bảo đảm trích đủ kinh phí từ nguồn thu học phí cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của người học, giảng viên cơ hữu và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn từng đánh giá, "thiếu công bằng" khi các trường đưa chỉ tiêu xét tuyển sớm, tạo ra độ ảo nhất định, khó có căn cứ để xác minh.

Ông ví dụ trường có 100 chỉ tiêu, ấn định 60 cho xét tuyển sớm nhưng căn cứ nào để đưa ra con số 60 thì không biết. Một tình huống khác là trường chưa dự báo được tỷ lệ ảo, nên dù chỉ có 100 chỉ tiêu, trường công bố xét tuyển sớm 200 để trừ hao. Đến cuối cùng, trường tuyển đủ 100 bằng phương thức sớm, dẫn đến không còn chỉ tiêu cho phương thức khác.

"Đây là hiện tượng rất nhức nhối trong một số năm qua, xuất hiện không chỉ ở một mà rất nhiều trường, dẫn tới có trường số lượng tuyển thực vượt chỉ tiêu rất nhiều. Các trường được phép tự chủ nhưng không có nghĩa là tự do", ông khẳng định.

Thời gian tới, Bộ sẽ có một một chuyên đề riêng bàn bạc về xét tuyển sớm để có những điều chỉnh từ năm 2025.

PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đề xuất bỏ phương thức xét tuyển sớm từ năm 2025 trở đi.

Theo ông, hiện nhiều trường xét tuyển trước khi năm học kết thúc cả một học kỳ, thí sinh chưa hoàn thành chương trình THPT. Sau đó, một số cán bộ tư vấn thí sinh đặt nguyện vọng đỗ sớm lên đầu khi đăng ký xét tuyển chung. "Dù biết như vậy là không đúng nhưng họ vẫn tư vấn cho thí sinh, dẫn đến thiếu công bằng, làm mất cơ hội của thí sinh", ông Phúc nói.

Ông Phúc cũng cho rằng việc đưa ra nhiều phương thức xét tuyển rồi chia phần trăm khác nhau cho từng phương thức là không có cơ sở, gây mất công bằng cho thí sinh xét tuyển ở các phương thức khác nhau.

Theo VTC

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtcnews.vn/bo-gd-dt-yeu-cau-khac-phuc-tinh-trang-xet-tuyen-som-gay-mat-cong-bang-tu-2025-ar891479.html

tuyển sinh đại học


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.