“Bố mẹ còn đánh nhau cơ mà!”

Thấy con gái giật tóc rồi cấu, tát vào mặt bạn, chị T. Th. Nga hốt hoảng kéo tay con mắng. Cô con gái ngước mặt lên, cau có: “Bố mẹ còn đánh nhau cơ mà” làm người mẹ rụng rời.

Thấy con gái giật tóc rồi cấu, tát vào mặt bạn, chị T. Th. Nga hốt hoảng kéo tay con mắng. Cô con gái ngước mặt lên, cau có: “Bố mẹ còn đánh nhau cơ mà” làm người mẹ rụng rời.

Con gái chị Nga 5 tuổi, đang học mầm non. So với bạn bè cùng tuổi, cháu cao lớn và khá bạo dạn. Có lần cô giáo đã trao đổi với chị cháu hay gây gổ, đánh bạn nhưng chị Nga nghĩ đơn giản con nít nghịch ngợm. Cho đến hôm nay, khi đến đón con, tận mắt chứng kiến cháu bắt nạt bạn cùng việc giật tóc, đưa tay cấu rồi còn… vỗ vào mặt bạn, người mẹ không khỏi hoảng.

Chị Nga vội chạy lại kéo tay con mắng rồi nghiêm mặt yêu cầu con xin lỗi bạn ngay. Chị không ngờ, cháu ngước mặt lên, nhăn nhó: “Ở nhà bố mẹ còn đánh nhau cơ mà”. Khi chị kéo con đi, cháu con nói thêm: “Mẹ cũng hay đánh con đó thôi”.

 Những đứa trẻ bị bạo hành có xu hướng bạo hành người yếu hơn mình (Ảnh minh họa)
Những đứa trẻ bị bạo hành có xu hướng bạo hành người yếu hơn mình (Ảnh minh họa)

Người mẹ không biết phải nói sao, trên đường chở con về nặng trĩu lòng. “Đúng là có nhiều lần vợ chồng tôi cãi nhau, gây gổ với nhau trước mặt cháu. Khi ức chế, tôi cũng đét con vài đét. Quả thật, tôi không lường được lại tác động đến cháu như vậy”, chị kể khi nhận ra cái lỗi “tày đình” của hai vợ chồng.

Câu trả lời “Vì sao con đánh bạn?” của cô con gái chị Nga là đáp án rõ nhất cho tình trạng bạo lực học đường gây nhức nhối lâu nay. Các em có hành vi bạo lực, đánh bạn bởi nguyên nhân trước hết các em chính là nạn nhân của bạo lực.

Phụ huynh suốt ngày lo lắng con mình đánh bạn hoặc bị bạn đánh. Nhưng trong không ít gia đình, trẻ phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã, đánh nhau. Nhiều bậc làm cha làm mẹ đặt mình ở vị thế “cầm quyền” thân thể và suy nghĩa của con cái. Có ông bố lôi con ra đánh đòn bất chấp sự can ngăn của mọi người bởi lý do của bậc làm cha làm mẹ: “Con tôi, tôi có quyền đánh”. Cái “quyền đánh” mon men trong tiềm thức của trẻ từ đó.

Bạo lực trong gia đình các em “hưởng thụ” không chỉ là đòn roi mà còn là sự thiếu dân chủ, thiếu sẻ chia, quan tâm giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ áp đặt, thiếu tôn trọng con cái hình thành nên hai thái độ ở trẻ: cam chịu hoặc bất mãn. Hai thái độ này đều dẫn đến bạo lực hoặc chịu đựng bạo lực.

Chịu sự áp đặt trong gia đình, bố mẹ nói gì cũng phải nghe, trẻ cũng sẽ có xu hướng áp đặt người khác, chỉ cần khác ý mình là có chuyện. Nếu không đánh người khác thì khi bị người khác xâm phạm, các em chấp nhận chịu đựng, không biết cách bảo vệ mình - đây cũng là yếu tố góp sức cho bạo lực trỗi dậy.

Có ông bố mắng con: “Sao mày ngu thế, nó đánh vậy mà ngồi im được à?”. Nhưng khi mình vung roi đánh con, đứa trẻ thử ngọ nguậy thử xem, nhừ đòn.

Phía sau một đứa trẻ có hành vi gây gổ dễ lắm là một ông bố vũ phu cùng một bà mẹ… cam chịu! Chẳng phải tự nhiên mà thanh thiếu niên phạm tội phần lớn đều có hoàn cảnh gia đình bất ổn, thiếu tình thương, quan tâm từ mẹ cha.

Giới trẻ cần một môi trường sống lành mạnh, thân thiện
Giới trẻ cần một môi trường sống lành mạnh, thân thiện

Môi trường bạo lực hiện nay các em “trải nghiệm” đi từ trong gia đình vào nhà trường ra ngoài xã hội. Đã một thời, chúng ta đã quen và chấp nhận hình ảnh ông giáo lăm lăm cây thước gõ tay, gõ đầu học trò. Bị phản đối thì một số thầy cô “nâng cao tay nghề” đánh vào những phần… không để lại dấu vết. Khi đòn roi bị phản ứng lại có không ít kiểu “hành” học trò bằng với các hình phạt phản giáo dục, trù dập.

Ngoài xã hội thì liệt kê không hết. Con số hơn 5.000 trường hợp nhập viện vì ẩu đả chỉ trong mấy ngày Tết vừa rồi đã đủ biết các em đang hít thở môi trường đòn roi như thế nào. Chưa kể đến những bất công, giả dối cũng là hành vi bạo hành niềm tin, nỗ lực của thế hệ trẻ.

Bạo lực từ đời sống thực đến thế giới mạng. Đủ trò game hành động, chém giết máu me biến nhiều đứa trẻ thành “anh hùng” trong thế giới ảo. Mà con đường từ chiếc máy tính bước ra ngoài chưa bao giờ ngắn đến thế này.

Theo TS Xã hội học Phạm Thị Thúy, chúng ta phân tích nhiều về hành vi hung hăng đánh bạn trong các vụ bạo lực học đường. Cốt lõi đó là hệ quả việc các em là nạn nhân khi sống trong môi trường bạo lực.

Bà Thúy đưa ra ví dụ, một đứa trẻ thường xuyên bị bố mẹ quát mắng, đánh đập sẽ có xu hướng quát mắng và đánh đập đứa em hay những người yếu hơn mình khi chúng không quát lại nổi bố mẹ.

Đó là quá trình xã hội hóa trong xã hội học, con người tương tác với người khác rồi bị ảnh hưởng và học hỏi. Khi tiếp xúc với người tốt, điều tốt sẽ học học cái tốt nhưng tiếp xúc với điều xấu cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Không một phương pháp giáo dục nào hiệu quả hơn những bài học trải nghiệm thực tế. Muốn con trẻ nói không với bạo lực thì người lớn cần phải sống sao cho trẻ sống vậy! Đòn roi làm người ta đau, nhớ và nghe lời đồng thời làm mất đi tình yêu thương, lòng nhân ái.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.