Chuốc áp lực lên đầu con trẻ khi chán học: Hỡi cha mẹ hiện đại, cớ sao cứ phải hành động tiêu cực mới giúp con thích học?

Thật mừng cho cha mẹ nào có con tự giác học tập vì phụ huynh đó sẽ không phải đối mặt với viễn cảnh kinh khủng mỗi lần con bước vào bàn học là một lần bước vào cuộc chiến.

Thật mừng cho cha mẹ nào có con tự giác học tập vì phụ huynh đó sẽ không phải đối mặt với viễn cảnh kinh khủng mỗi lần con bước vào bàn học là một lần bước vào cuộc chiến.

 

Việc học là việc quan trọng hàng đầu của con trẻ. Việc học theo con từ bé đến lớn, là hành trang đưa con đến những nơi ước mơ còn dang dở nhưng không phải con trẻ nào cũng ý thức được mình cần phải học để làm gì. Đối với nhiều đứa trẻ, học hành chỉ vì sự bắt ép của cha mẹ, học vì kỳ vọng của người lớn, vì định hướng của người khác chứ không phải học vì mình.

Tất nhiên vẫn luôn có cách giúp trẻ bớt chán học mà chủ yếu nhất là cha mẹ đừng gây áp lực mà hãy tạo động lực cho trẻ. Như phương pháp trong bài đăng mới nhất của anh "Chánh Văn" Hoàng Anh Tú, chuyên gia tư vấn tâm lý học đường hàng đầu, vừa chia sẻ. Anh cho rằng cha mẹ thường nghĩ quá nhiều từ đó đặt áp lực quá lớn hay kỳ vọng thái quá lên khả năng của con. Điều này vô tình là gánh nặng đè lên vai đứa trẻ và thay vì làm như vậy, cha mẹ có thể làm 4 cách sau: Biến gia đình là một team, truyền cảm hứng cho con, khiến trẻ chịu trách nhiệm về bản thân và cuối cùng hãy cùng đối thoại và để tâm.

Chuốc áp lực lên đầu con trẻ khi chán học: Hỡi cha mẹ hiện đại, cớ sao cứ phải hành động tiêu cực mới giúp con thích học?-1

Chuyên gia tâm lý tuổi teen anh Chánh Văn - Hoàng Anh Tú.

KHI CON CHÁN HỌC: ĐỪNG GÂY ÁP LỰC - HÃY TẠO ĐỘNG LỰC.

Nhiều cha mẹ, tôi đã chứng kiến và chính tôi cũng đôi lần sai như thế, gây áp lực cho con thay vì tạo động lực. Là bởi chúng ta, các bậc cha mẹ đôi khi nghĩ xa quá, lo nhiều quá, tưởng tượng ra những điều nó còn chưa chắc sẽ xảy ra. Là bởi chúng ta có quá nhiều "kinh nghiệm đau thương" nên chỉ nhìn thấy những thứ tiêu cực có thể xảy ra với con mình. Là bởi chúng ta quá yêu con, quá sợ hãi với những nguy cơ có thể xảy ra với con mình nên chúng ta phòng tránh từ xa, xây đủ những bức tường bao quanh con. Sự sợ hãi của chúng ta đang nhốt con cái mình trong đủ mọi rào cản, yêu cầu, đòi hỏi và bắt ép. Như càng nghèo thì càng bắt con phải học để sau này thoát nghèo. Như những đòn roi của tuổi thơ khiến khi làm cha mẹ rồi lại coi đòn roi ấy đã giúp mình trưởng thành, coi việc đòn roi là tất lẽ dĩ ngẫu cách cha mẹ dạy con.

Là còn chưa kể, với nhiều cha mẹ, sĩ diện của bản thân cao hơn lòng bao dung và yêu thương dành cho con mình. Con học dốt cảm thấy xấu hổ mỗi lần đi họp phụ huynh, 1/6 hay cuối năm học của con, công ty trao thưởng quà cho con em cán bộ có bằng khen học sinh giỏi, học sinh tiên tiến nhưng con mình không đạt nên xấu hổ với đồng nghiệp cơ quan. Con nghịch ngợm khiến người xung quanh khó chịu thì tức điên lên mà mắng con xa xả thay vì xin lỗi người đang khó chịu kia và cùng con đưa ra giải pháp tích cực để con thay đổi. Sự sĩ diện của cha mẹ sẽ giết chết mọi nỗ lực của đứa trẻ, khiến chúng trở thành đối phó và phản ứng tiêu cực.

Và cả sự kỳ vọng thái quá vào con cái cũng khiến cha mẹ gây ra những áp lực cho con. Kiểu 9 điểm mà vẫn hỏi con: "Sao con không đạt 10 điểm? Chỉ một xíu nỗ lực nữa thôi con sẽ đạt 10 điểm". Kể cả những lời khen sai cách cũng khiến trẻ bị áp lực.

Chuốc áp lực lên đầu con trẻ khi chán học: Hỡi cha mẹ hiện đại, cớ sao cứ phải hành động tiêu cực mới giúp con thích học?-2

Vậy, làm sao để đổi chỗ từ gây áp lực thành tạo động lực?

1. Chúng ta là 1 team

Đừng để những lo lắng trong bạn khiến con bạn căng thẳng theo. Hãy đứng về phía con. Hãy cho rằng việc tạo động lực cho con cũng chính là tạo động lực cho mình. Hãy nghĩ tích cực, nói những điều tích cực thay vì chỉ thấy những nguy cơ, nguy hiểm. Thử nghĩ đến những điều tốt đẹp như chúng ta sẽ có được khi làm tốt việc này xem. Đừng đẩy con sang phía đối diện bạn. Đừng đặt ra bất cứ một "trả giá" nào. Khi bố mẹ và con cái cùng một team, chúng ta sẽ có sức mạnh đồng thuận, sự đồng lòng, sẵn sàng của con.

2. Kiểm soát hay truyền cảm hứng?

Bạn sẽ là người truyền cảm hứng cho con chứ không phải ai khác. Truyền cảm hứng rất khác với việc kiểm soát. "Nào chúng ta cùng học" sẽ khác với "Con học bài chưa? Sao giờ này còn chưa làm bài?". Kiểm soát sẽ khiến cha mẹ gây áp lực cho con, truyền cảm hứng sẽ tạo động lực cho con. Kiểm soát sẽ thành lực kéo - Truyền cảm hứng sẽ là lực đẩy. Cha mẹ chọn đi!

3. Trách nhiệm thuộc về con

Việc nhiều cha mẹ lo lắng cho con mà "đấm tiền" cô, "chạy điểm" thầy vẫn thường xảy ra ở nhiều trường công. Hay dùng tiền thưởng nếu con làm xong bài. Hoặc quát mắng con vì chúng điểm kém đều là những việc chẳng khiến đứa trẻ có thêm động lực nào sất. Hãy dạy con về trách nhiệm. Trách nhiệm với những gì con đã làm - không làm hay cả những gì con chưa muốn làm. Hãy gắn nó với những hình phạt một cách nghiêm khắc. Hãy phạt con vì sự thiếu trách nhiệm chứ không phải vì không nghe lời cha mẹ. Bởi cuộc đời của trẻ ở phía trước sẽ thất bại hoàn toàn nếu trẻ vô trách nhiệm ngay từ bé.

Chuốc áp lực lên đầu con trẻ khi chán học: Hỡi cha mẹ hiện đại, cớ sao cứ phải hành động tiêu cực mới giúp con thích học?-3

4. Đối thoại & Để tâm

Hãy trò chuyện với trẻ. Lắng nghe lời con cái. Để "đọc vị" những điều chúng mong muốn, những tâm sự và cả những vấn đề mà có khi chính trẻ cũng chưa biết, chưa hiểu về bản thân chúng. Cha mẹ mới là người đủ tầm và đủ tâm để nhìn thấy những năng lực tiềm ẩn trong con cái mình. Việc của bạn không phải là "A! Bố thấy con nên làm thế này" hay "Ồ, con phải làm thế kia cơ". Mà chỉ là lắng nghe, lắng nghe bằng sự tôn trọng con ở mức cao nhất. Luôn giữ câu hỏi trong đầu "Con mình cần tạo động lực cho những gì?", "Con mình thực sự đang mong muốn điều gì?". Rồi tìm câu trả lời trong chính những chia sẻ của con. Và sau đó, đừng đẩy con vào hướng bạn cho là đúng đắn. Hãy khơi gợi và giúp con tự phát hiện ra con đường đó, khích lệ con lựa chọn con đường đó.

Tôi vẫn luôn cho rằng, để tạo động lực cho con thay vì gây áp lực, cha mẹ cần phải học cách đối xử bình đẳng với con nhưng vẫn phải giữ cái uy của người làm cha, làm mẹ. Uy quan trọng hơn Quyền. Quyền làm cha làm mẹ (có thể) trừng phạt con bằng đòn roi, bằng cắt viện trợ, bằng sự áp đặt, trấn áp. Uy của người làm cha, làm mẹ thì có thể không cần bất cứ đòn trừng phạt nào mà con vẫn biết chúng nên làm gì và không nên làm gì. Quyền thì xây dựng bằng quát mắng nhưng Uy phải được xây dựng từ lắng nghe và sự gương mẫu. Đừng làm con sợ bạn vì Quyền. Hãy khiến con nể bạn vì Uy.
 

 

Theo Helino


áp lực học tập

làm cha mẹ

Hoàng Anh Tú


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.