Chơi "chứng khoán giáo dục": Bài học cay đắng cho những phép thử

Nỗi vất vả của phụ huynh học sinh, của các trường đại học trong kỳ tuyển sinh năm nay khiến không ít người cảm thấy sợ hãi.

Nỗi vất vả của phụ huynh học sinh, của các trường đại học trong kỳ tuyển sinh năm nay khiến không ít người cảm thấy sợ hãi. Dường như, đó là một bài học đầy cay đắng của những phép thử trong giáo dục.

Nhiều người ví kỳ tuyển sinh đại học 2015 giống như “chơi chứng khoán”. Và có lẽ, đây là sàn chứng khoán “kỳ lạ”. Bởi ở đó, cả người chơi (thí sinh và phụ huynh) và nhà cầm cái (các trường đại học) đều không nắm được thế chủ động. Sự lúng túng, rối loạn trong việc nộp – rút hồ sơ khiến những người quan tâm đến giáo dục không khỏi buồn lòng.

Có lẽ, chúng ta không khỏi “cười ra nước mắt” khi một vị phụ huynh thuê xe cứu thương 115 để đi… rút hồ sơ. Dù có giàu trí tưởng tượng đến đâu đi chăng nữa cũng không thể nghĩ ra được một câu chuyện kỳ lạ và hài hước đến vậy. Sự việc tưởng chừng chỉ có trong những câu chuyện hài hước ấy lại là hành trình của hàng nghìn phụ huynh và thí sinh dự kỳ thi đại học năm 2015. 

tuyển sinh, chứng khoán, đại học, chạy đua, tâm lý, căng thẳng
Nhiều người ví việc theo dõi "biến động" điểm số của các trường đại học giống như một cuộc chơi...chứng khoán trong giáo dục

Sau kỳ thi là một cuộc chạy đua theo đúng nghĩa của từ này. Các bậc phụ huynh, các thí sinh phải chạy đua với thời gian, chạy đua với điểm số để có thể nộp – rút hết trường này đến trường khác. Và, cuộc chạy ấy cũng vô cùng khắc nghiệt!

Anh Nguyễn Khắc Đình (Bắc Giang) có con trai dự kỳ thi đại học năm này mệt mỏi chia sẻ: Suốt từ đầu tháng 8 đến nay, tôi phải đi nộp – rút tổng cộng 14 lần . Ngày nào hai bố con cũng phải lên mạng để “canh” xem “biến động” điểm số của trường vừa nộp hồ sơ thế nào. Khi đánh giá khả năng khó vượt qua các đối thủ khác lại vội vàng đi hàng trăm cây số ra Hà Nội, Hải Phòng để nộp – rút hồ sơ. Với tôi, kỳ thi đại học năm nay của con vất vả hơn chục lần những lần thi trước.”


Anh Nguyễn Khắc Đình phải đi đến 14 lượt Bắc Giang - Hà Nội; Bắc Giang - Hải Phòng để rút - nộp hồ sơ cho con trai

Đây cũng chỉ là một trường hợp rất bình thường của hàng nghìn gia đình sỹ tử của kỳ thi đại học 2015 này. Đến khi hạn chót của cuộc đua nộp – rút đã điểm, những giọt nước mắt hối hận, lo lắng và tiếc nuối đã bắt đầu lăn trên má của các sỹ tử, của các bậc phụ huynh và có lẽ của cả những người quan tâm đến giáo dục. Vô hình chung, sự đổi mới trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay không thể làm giảm áp lực thi cử cho phụ huynh và học sinh. 

Thực ra, những đổi mới trong kỳ tuyển sinh năm 2015 đã tạo được những bước tiến nhất định, tạo được một số thuận lợi không nhỏ cho các thí sinh và phụ huynh học sinh. Chẳng hạn, việc cho phép các thí sinh đăng ký nguyện vọng một sau khi đã có kết quả thi sẽ giúp thí sinh lựa chọn được các trường phù hợp với điểm thi của mình.

Nhưng cũng chính sự thuận lợi này đã tạo ra một sự “nguy hiểm” khác. Nó có thể làm cho các trường đại học không tuyển được những thí sinh thực sự yêu thích ngành nghề đào tạo. Bởi mục tiêu lớn nhất của các bậc phụ huynh và bản thân thí sinh là có thể… đỗ được đại học, còn ngành nghề nào thì không phải là mục tiêu mà họ quan tâm nữa. Bằng chứng là, việc nộp – rút hồ sơ hoàn toàn dựa trên sự cân đối về mức điểm của phụ huynh và học sinh chứ không căn cứ vào việc thí sinh đó có thích và có “hợp” với ngành tuyển sinh ấy không.

đại học, xét tuyển, nộp hồ sơ, xe cứu thương, 115
Chiếc xe cấp cứu tham gia vào một hành trình "cấp cứu" kỳ lạ nhất trong lịch sử

Sẽ ra sao nếu đa số các tân sinh viên được tuyển chọn đều không thích ngành mà mình theo học?

Thực ra, mọi sự thay đổi đều có hai mặt của nó. Tuy nhiên, những rối rắm, bất cập trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2015 cần phải được nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc và trách nhiệm.

Nên chăng, trước những “đổi mới” trong giáo dục và thi cử, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những bước thử nghiệm kỹ lưỡng trước khi áp dụng đại trà. Bởi lấy giáo dục con người để làm các “phép thử” có thể đem đến những hậu quả khôn lường.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, hỗn loạn tuyển sinh 2015 lỗi do đâu?




Bài viết trên thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Và bạn có những ý kiến, chia sẻ về việc xét tuyển sinh đại học 2015 hay gửi cho chúng tôi theo địa chỉ: Tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment vào cuối bài viết.


Theo Quốc Khánh/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.