Con đi học mầm non, mẹ trăn trở bộn bề

Những em bé non nớt sớm xa vòng tay bố mẹ để tới trường cần rất nhiều sự yêu thương của cô giáo. Bản thân tôi là phụ huynh của 2 con nhỏ, cũng từng có những bức xúc khi con tới lớp...

Hàng loạt vụ bạo hành trẻ mầm non được báo chí phơi bày gần đây cho chúng ta thấy góc tối trong giáo dục trẻ. Những em bé non nớt sớm xa vòng tay bố mẹ để tới trường cần rất nhiều sự yêu thương của cô giáo. Bản thân tôi là phụ huynh của 2 con nhỏ, cũng từng có những bức xúc khi con tới lớp...

Con đầu của tôi đi mầm non lúc tròn 2 tuổi. Gia đình tôi thuộc diện tạm trú lâu dài, hộ khẩu chính vẫn ở quê chồng. Chính vì lý do này nên để có một suất vào trường công lập là không dễ dàng. Ngại phải xin xỏ nhờ vả, tôi gửi con vào trường tư thục do một cô giáo mầm non về hưu đứng ra mở trường. Nói là trường cho oai nhưng chỉ có 2 phòng học. Tầng dưới dành cho các em bé từ dưới 1 tuổi đến 3 tuổi. Tầng trên là các em từ 3 tuổi trở lên. Trường có khoảng 5 cô giáo, 2 cô giáo mầm non đã về hưu và 3 cô giáo trẻ. Cơ sở dạy các cháu là ngôi nhà được thiết kế một bên là lớp học, một bên là nhà ở của cô hiệu trưởng. Chính vì khuôn viên eo hẹp được tận dụng tối đa này nên việc buổi chiều chủ nhà nhóm một lúc 2 bếp than tổ ong để đun nấu là mùi khói xông lên ngột ngạt.

Mới có đứa con đầu lòng, tuổi trẻ chưa có sự va chạm nhiều nên tôi cứ ngại ngần không muốn chuyển trường cho con. Một vài sự việc xảy ra đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ của mình. Con trai tôi vốn là đứa trẻ hiếu động, bướng bỉnh. Mỗi lần đón con đều nghe cô phàn nàn việc cháu chạy nhảy lung tung khiến chủ nhà bực mình quát tháo. Có lần tôi để ý thấy lông mày con cụt một mẩu. Tôi quên cũng không hỏi con vì sao. Một tháng sau lại thấy lông mày bên kia bị xén trụi mẩu nữa. Lúc này tôi mới hỏi han con thật kỹ. Trẻ con thật ngây thơ, chúng không giấu diếm bất cứ điều gì. Con kể, anh lớn trong lớp cầm kéo cắt lông mày con mẹ ạ. Tôi hốt hoảng nghĩ, sao cô lơ là việc này thế, vật sắc nhọn mà để trẻ nghịch dại, lỡ đâm vào mắt nhau thì sao. Nhưng bản tính cả nể vẫn ngăn tôi thắc mắc với cô giáo. Mặc dù mỗi lần đưa đón con, tôi đều dừng lại trò chuyện thân mật với 2 cô giáo trẻ đứng lớp.

Một chuyện bất ngờ xảy ra, cô giáo xinh đẹp và niềm nở vẫn hay đón con tôi phải viết bản tường trình vì mắc lỗi. Một học sinh 4 tuổi vào nhập lớp lớn được 3 ngày, về nhà tắm cho con bố mẹ phát hiện lưng và tay chân cháu lằn tím rất nhiều vệt roi. Cô giáo không đánh cháu mà cô bảo cháu lớn nhất làm lớp trưởng cầm thước kẻ vụt bạn liên tiếp vì tội quấy khóc, không chịu ăn ngủ đúng giờ. Bố mẹ cháu bé này làm ầm lên, cô hiệu trưởng xuống xin lỗi dàn xếp nên phụ huynh bỏ qua. Sau này chính con tôi có lúc được bầu làm lớp trưởng, cô cũng sai đánh, tát bạn nếu bạn không nghe lời cô.

Sau này khi đã chuyển con sang một trường bán công, tôi mới thấy sự chần chừ, không dám thắc mắc của mình vô tình làm hại con. Cháu bị các bạn lớn bắt nạt, hay khóc mếu lo sợ vì thường bị người lớn trêu chọc, hù dọa đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm lý.

Do công việc làm ca kíp nên việc đưa con đi học đúng giờ quy định ở trường công lập rất khó khăn với vợ chồng tôi. Gia đình tôi ở riêng không có ông bà nội ngoại hỗ trợ. Cháu thứ hai đến tuổi đi học, tôi gửi cháu vào trường bán công cách nhà gần cây số. Rút kinh nghiệm đứa đầu, tôi đi tìm hiểu mấy anh chị hàng xóm xung quanh từng cho con theo học. Tôi cũng tìm đến tận trường xem cơ sở vật chất có ổn không, thái độ các cô ra sao. Trường bán công giờ giấc nhận trẻ buổi sáng khá linh hoạt nên phù hợp với lịch đi làm của tôi. Cháu thứ hai được 18 tháng là tới nhà trẻ. Có lần đón con về, tôi thấy vài vết tím trên cánh tay gầy guộc của con bé. Con khóc nhiều và sợ đến lớp. Xót ruột, sẵn cơn nóng giận trong người, sáng hôm sau đưa con tới lớp tôi cũng nói luôn với cô giáo. Cô phân bua với tôi là do các bạn cấu nhau chứ cháu bé thế này, em không bao giờ đánh cháu. Chị thắc mắc mà đến tai cô hiệu trưởng là em bị hạ chất lượng công tác. Tôi nói, "Chị thắc mắc để em để ý cháu giúp chị, nếu chị có ý hiểu sai em thì chị xin lỗi".

Sau này tôi và cô giáo của con cũng thường xuyên trò chuyện cởi mở, hai chị em đều không để bụng chuyện cũ. Vài lần tôi có hỏi chuyện tiền lương của các cô. Em đứng lớp được 5-6 năm, lương khoảng 3,5 triệu. Ở huyện ngoại thành, mức lương đó lo cho gia đình cũng phải tằn tiện mới đủ. Tôi cũng chia sẻ với các cô là mình đi làm 10 năm, làm ca kíp đêm hôm mà lương cũng có hơn 4 triệu. Dẫu biết với các cô, việc quản lý, chăm bẵm một lớp 30 cháu cũng không dễ dàng gì, tôi cũng chỉ dành tặng các cô món quà nhỏ ngày nhà giáo, bó hoa ngày 8/3, 20/10 hay có lúc mang cho các em xấp báo tôi vừa đọc.

Thiết nghĩ việc tăng lương cho các cô giáo cấp học mầm non còn là một câu chuyện dài. Tôi cứ nghĩ, đưa đón con tới trường cho con vui học là niềm hạnh phúc của bất cứ cha mẹ nào. Có hôm đưa con tới trường, tôi nán lại xem các con tập thể dục buổi sáng. Trong tiếng nhạc rộn rã, cô làm người dẫn đầu một đội quân tí hon nhún nhảy, vươn vai, lắc mông, đi vòng tròn thật duyên dáng. Con đi học về hát bài hát mới, đọc thơ cho mẹ nghe.

Chuyện con đi học mầm non là câu chuyện vui khi con gọi cô giáo bằng mẹ. Nỗi niềm trăn trở ngày nào của tôi được hóa giải, các cô giáo mầm non chính là người mẹ thứ hai của con trẻ như câu hát “khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”.

Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.