Con gái bị giáo viên mắng sa sả trước lớp, bố đến trường nói chuyện 1 tiếng đồng hồ, câu nói vu vơ cuối buổi khiến cô giáo phải thay đổi

"Giá như cô cứ gọi riêng tôi ra một chỗ rồi quát mắng sao cũng được. Đằng này cô lại nói sa sả trước mặt cả lớp. Mà trong cả tập thể ấy còn có cậu bạn mà tôi thích thầm...".

Câu chuyện dưới đây được chị Đ.V.A (sinh năm 1994) chia sẻ lại. Chị V.A hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Giống như nhiều học sinh khác, thời còn cắp sách đến trường, V.A cũng từng bị giáo viên phê bình trước lớp:

Trở về những năm 2006, 2007, kiểu tóc sư tử với phần trên được cắt phồng còn đuôi tóc tỉa gọn ghẽ vô cùng thịnh hành. Hầu hết các ngôi sao nổi tiếng thời bấy giờ đều từng để đầu sư tử.

Năm đó, tôi mới là một nữ sinh lớp 7 và cũng mê mẩn kiểu tóc này chẳng kém. Nhịn ăn sáng 2 tháng trời và thỉnh thoảng giả vờ xin tiền mẹ mua sách tham khảo, cuối cùng tôi dành đủ tiền đi làm tóc. Một buổi chiều nọ, sau khi tan học, tôi lén đến một salon gần trường...

Đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao quên được tràng thở dài của bố mẹ. Trong mắt những người lớn tuổi có phần nghiêm khắc và cổ hủ, đam mê làm đẹp của tôi ở độ tuổi dậy thì là cả "một sự đú đởn"! Nhất là khi tiền làm tóc lại lấy từ "ngân sách tiền ăn sáng" và những lời nói dối. 

Tuy nhiên bố mẹ không mắng mỏ quá nặng lời mà chỉ tuyên bố: "Cuối tuần được nghỉ học thì đi cắt lại tóc". Ngoài ra từ hôm sau tôi phải ăn sáng ở nhà chứ không được tự cầm tiền đi ăn như trước.

Con gái bị giáo viên mắng sa sả trước lớp, bố đến trường nói chuyện 1 tiếng đồng hồ, câu nói vu vơ cuối buổi khiến cô giáo phải thay đổi-1

Tóc sư tử ngày ấy được giới trẻ cực kỳ yêu thích. (Ảnh minh họa)

Trong 3 năm đầu cấp 2, thành tích học của tôi không mấy nổi trội, thậm chí là kém. Chỉ đến năm lớp 9 trở lên, tôi mới cải thiện được việc học tập và dần đạt được điểm số cao. Tuy nhiên, đó là chuyện của sau này. Còn với năm lớp 7, tôi không được cô giáo yêu mến!

Buổi sáng hôm sau, tôi có một bài kiểm tra Toán 15 phút. Do không hiểu bài nên tôi ngồi tậm tịt, chẳng biết phải làm bài như nào. Bí quá, tôi đánh liều nhòm bài bạn và bị cô giáo bắt ngay tại trận. Cuối buổi học, cô gọi tôi đứng dậy để phê bình trước cả lớp. 

"Tại sao không học bài cho tử tế? Cái thời gian em ngắm vuốt thì để đấy mà học? Học giỏi đã đành, học đã kém nhất nhì lớp còn tóc này, tóc kia không biết xấu hổ? Hay định đi làm ca sỹ, làm diễn viên? Nhìn xem cả lớp này có ai để tóc như vậy không. Bố mẹ cũng cho để cái tóc như này à?".

Càng nghe, tai tôi càng ù đi còn hai má thì đỏ lựng, nước mắt cứ lã chã rơi. Dù không ngẩng đầu lên nhưng tôi biết được, đằng sau lưng có những người bạn cùng lớp đang cười thầm. Suốt buổi học hôm ấy, tôi nhận thấy những ánh mắt không ngừng liếc về phía mình, có thương hại, có châm biếm, có cả sự tò mò, hóng hớt! Còn cô giáo thì nhìn tóc tôi giống như một thứ gì đó ghê gớm, khủng khiếp lắm. 

Hiện tại ở tuổi 26, tôi đã đi làm và va vấp nhiều. Để tồn tại trong xã hội đầy bon chen, cạnh tranh này, tôi tự tự rèn cho mình cái bản lĩnh giả câm, giả điếc khi nghe phải những lời chói tai của người khác. Tuy nhiên ở độ tuổi 13 thì nào có được như vậy. Tâm hồn tôi khi đó mong manh và yếu đuối. Đi học mà bị bạn chê: "Hôm nay mày mặc cái áo xấu thế" hay "dạo này lắm mụn vậy" là tôi cũng buồn xỉu, buồn xiu cả buổi.

Da mặt tôi khi đó mỏng lắm và những lời mắng mỏ của cô giáo đã khiến tâm lý tuổi dậy thì của tôi bị tổn thương nặng. Giá như cô cứ gọi riêng tôi ra một chỗ rồi quát mắng sao cũng được. Đằng này cô lại nói sa sả trước mặt cả lớp. Mà trong cả tập thể ấy còn có cậu bạn mà tôi thích thầm.

Giống như những tình tiết trong phim Hàn Quốc, tôi muốn trả thù cô giáo. Đứa trẻ 13 tuổi khi đó đã nghĩ đến chuyện tự tử để cô giáo phải hối hận. "Giờ tôi mà có mệnh hệ gì thì cô sẽ biết mặt. Rồi người ta sẽ chỉ trích cô độc ác với học sinh, rồi cô phải nghỉ dạy,..." - những suy nghĩ ấu trĩ không ngừng hiện lên trong đầu tôi. 

Con gái bị giáo viên mắng sa sả trước lớp, bố đến trường nói chuyện 1 tiếng đồng hồ, câu nói vu vơ cuối buổi khiến cô giáo phải thay đổi-2

Thật may, bố tôi phát hiện ra điều đó sớm. Không biết, bố đã nói những gì với cô giáo trong suốt 1 tiếng gặp mặt trên trường nhưng từ đó, cô không còn gay gắt với tôi nữa. Cô cũng không bao giờ mắng mỏ tôi hay thêm một bạn học nào trước mắt tập thể lớp.

Phải đến khi tôi tốt nghiệp đại học, bố mới kể lại. Bố bảo: "Bố chỉ hỏi thăm sức khỏe của cô, rồi kể lại chuyện con định tự tử. Rồi bố nói thêm: Có rất nhiều cách để phản ứng trước một vấn đề. Đừng lựa chọn cách tiêu cực! Tôi rất ít khi nặng lời với cháu, không phải vì tôi nuông chiều. Mà bởi vì ở độ tuổi ấy, bọn nó sẵn sàng làm những điều điên rồ vì một vài câu mắng mỏ của người lớn. Những điều ấy, mình không lường trước được cô ạ".

Không được phê bình học sinh trước lớp

Đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học được ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT.

Hiện nay, tại khoản 2 Điều 42 Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT quy định học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo hình thức phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn.

Tuy nhiên theo khoản 2 Điều 38 Thông tư số 32, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

- Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.

- Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

- Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Con gái bị giáo viên mắng sa sả trước lớp, bố đến trường nói chuyện 1 tiếng đồng hồ, câu nói vu vơ cuối buổi khiến cô giáo phải thay đổi-3

Từ ngày 1/11/2020, không được phê bình học sinh trước lớp. (Ảnh minh họa)

Việc bỏ quy định xử lý kỷ luật học sinh bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường hứa hẹn sẽ tránh được tình trạng học sinh cảm thấy xấu hổ, ngại với bạn bè trong lớp, trong trường khi bị phê bình rồi dẫn đến những hành vi tiêu cực như chán ghét thầy cô, xa lánh bạn bè, bỏ học…

Ngoài ra theo khoản 1 Điều 38 Thông tư số 32 thì học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện được giáo viên, nhà trường và các cấp quản lý giáo dục khen thưởng bằng các hình thức sau đây:

- Tuyên dương trước lớp hoặc trước toàn trường.

- Khen thưởng các danh hiệu học sinh theo quy định.

- Cấp giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, nếu đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong một số lĩnh vực học tập, phong trào thi đua; đạt thành tích trong các kỳ thi, hội thi theo quy định và cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Các hình thức khen thưởng khác.

 

THEO PHÁP LUẬT VÀ BẠN ĐỌC 


học sinh

cô giáo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.