Con lười làm việc nhà, lỗi tại bố mẹ?

Hầu hết trẻ em đều tò mò, thích được sai vặt, thích được “làm việc” cùng người lớn thế nên việc dạy trẻ làm việc nhà là không khó.

Hầu hết trẻ em đều tò mò, thích được sai vặt, thích được “làm việc” cùng người lớn, thế nên, việc dạy trẻ làm việc nhà là không khó. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, rất nhiều phụ huynh phàn nàn rằng con không biết làm việc nhà và lười giúp đỡ bố mẹ.

Nguyên nhân của việc đó chủ yếu lại chính do bố mẹ.

Làm việc nhà sẽ giúp bé hiểu được sự vất vả của cha mẹ...

Quá bao bọc con

Vì cưng chiều, bao bọc con quá nên không ít phụ huynh sẵn sàng làm thay con tất cả. Họ không cho con động tay động chân vào việc gì vì lo con mệt, sợ con bẩn, sợ con không an toàn… Chính vì vây, các bé trở nên thụ động, từ đó hình thành thói quen ỷ lại, ích kỷ và thiếu kỹ năng sống.

Xem nhẹ việc dạy bé làm việc nhà

Tập cho bé thói quen làm việc nhà sẽ giúp bé hiểu được sự vất vả của cha mẹ, đồng thời gắn kết tình cảm giữa bé và cha mẹ. Khi cho con làm việc nhà là giúp con hiểu và biết quý trọng sức của lao động, được rèn luyện những kỹ năng sống cơ bản và cảm thấy tự tin hơn. Điều này các bố mẹ phương Tây và các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã làm từ nhiều năm nay.

Thế nhưng, nhiều phụ huynh Việt ngày nay vẫn chưa coi trọng việc đó. Ngược lại, họ luôn nhìn thấy những hạn chế khi cho con tiếp cận với lao động từ sớm và chưa tạo điều kiện cho con tham gia.


Chị Bích Hải và con gái

Chị Bích Hải (Hoài Đức, Hà Nội) là một ví dụ, bởi theo chị: “Lau nhà, rửa bát, nấu cơm… lớn lên chúng nó biết hết việc gì phải dạy. Thực ra, những việc này Chíp nhà mình cũng làm được và thích làm là đằng khác nhưng mà mình không cho con làm thôi. Bọn trẻ con hậu đậu, làm ít phá nhiều, mình đi dọn lại cho còn mệt hơn, nên bọn trẻ cứ chơi ngoan để mình làm là tốt lắm rồi”.

Chưa biết cách và thiếu kiên nhẫn khi dạy trẻ

Rất nhiều bố mẹ lấy lý do bận rộn để bào chữa cho việc họ đang thu hẹp thời gian cho con cái. Thay vì chơi với con, dạy con làm việc nhà thì lại vơ cả vào mình, làm cho nhanh để còn đi chơi, xem phim hay lướt mạng…

Chị Nguyệt (Đống Đa, Hà Nội): “Tôi cũng đọc khá nhiều bài báo bổ ích về kinh nghiệm dạy con, cách chơi với con, làm bạn với con, muốn áp dụng mà không đủ kiên nhẫn, hoặc cảm thấy lúng túng. Chẳng hạn, có lần tôi bảo con gái rửa bát, cháu hăng hái đi làm luôn. Kết quả là, nước và bọt ở bồn rửa bát bắn khắp sàn, bát đĩa vẫn còn dầu mỡ và mùi nước rửa bát. Tôi phải rửa lại toàn bộ rồi lau dọn sàn nhà rất mất thời gian. Tôi bực lắm và lần sau thì tự làm cho nhanh gọn”.


Con gái chị Nguyệt từng bị mẹ mắng khi mới tập làm việc nhà

Hay như bạn Nga (Từ Liêm, Hà Nội): “Bé nhà mình hơn 3 tuổi, chiều đi làm về nhặt rau nấu cơm là con cũng cứ xông vào đòi làm cùng khiến mọi thứ tung tóe hết cả. Nói mãi không được có hôm mình còn tét đít bảo ra kia ngồi chơi cho mẹ làm. Bé cun cút đi ra mà mặt buồn thiu. Giờ thấy nhiều mẹ chia sẻ kinh nghiệm dạy con làm việc nhà mới thấy mình sai lầm. Rõ ràng, con đang muốn giúp mình mà mình lại không biết cách tiếp nhận và hướng dẫn, cứ gạt ra không cho con làm.

Hãy kiên trì hướng dẫn và khích lệ trẻ

MC Minh Trang (Đài THVN), một người mẹ có nhiều kinh nghiệm trong việc dạy con làm việc nhà và tự lập từ bé chia sẻ: “Trẻ con làm sẽ chậm, hơi lộn xộn, không chuẩn...nhưng chỉ cần các bạn ấy thích làm là được. Khi các bạn nhỏ bày tỏ hứng thú với những việc bố mẹ đang làm thì các bạn đừng đuổi con ra chỗ khác. Hãy để con làm cùng và đừng đòi hỏi sự hoàn hảo mà phải biết động viên, khích lệ con”.


Bé Daisy, con gái MC Minh Trang vào bếp cùng mẹ

Đồng quan điểm với Minh Trang, chị Yến (mẹ Shin) chia sẻ: "Thay vì ngăn cản con, phụ huynh hãy kiên trì dạy con cách làm thế nào cho đúng. Sau vài lần vụng về rồi thì bé sẽ làm quen, dần dần thuần thục, khi ấy bố mẹ sẽ được nhàn. Bố mẹ đừng vội nản chí hay tiết kiệm lời khen với trẻ".

V.K/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.