Đại học: Đâu phải là tất cả

Việc trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng về lĩnh vực mà chúng ta theo đuổi còn quan trọng hơn rất nhiều một tấm bằng đại học.

Kỳ thi THPT quốc gia vừa khép lại nhưng lại mở ra rất nhiều băn khoăn cho các sĩ tử. Đúng là giảng đường đại học luôn là mơ ước của các bạn trẻ trên con đường sự nghiệp của mình. Nhưng, học đại học có phải là con đường duy nhất để xây dựng tương lai?

Trong vài năm trở lại đây, các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập được thành lập khá nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của các bạn trẻ. Do đó, nếu không đỗ vào các trường công lập thì các bạn hoàn toàn có thể đi học ở các trường dân lập. Không khó để có một tấm bằng đại học.

Học đại học: tốt nghiệp và…thất nghiệp

Tuy nhiên, việc học đại học có đảm bảo cho các bạn trẻ một tương lai thành công? Theo số liệu thống kê vừa được công bố của Bộ GD&ĐT, có khoảng hơn 40% sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm. Không ít bạn trẻ sau khi tốt nghiệp đại học lại phải làm những công việc không liên quan đến chuyên ngành được đào tạo.


Theo Bộ GD&ĐT, gần một nửa sinh viên ra trường không tìm được việc làm

Anh Triệu Quang Toán (Bắc Giang) vật lộn với 4 kỳ thi đại học mới đỗ được vào trường CĐSP với mong muốn trở thành một giáo viên. Nhưng dù đã ra trường 4 năm nhưng anh Toán vẫn không thể xin được việc làm do bằng của anh chỉ được xếp lại trung bình – khá. Kết quả của 7 năm miệt mài đèn sách (4 năm ôn thi và 3 năm theo học), anh Toán đành gác lại ước mơ bảng đen phấn trắng để mở một xưởng cơ khí nhỏ. Tất nhiên, tất cả những gì anh học trong trường sư phạm không phục vụ gì cho công việc hiện tại của anh.

Chị Nguyễn Thu Hoài (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) tốt nghiệp một trường đại học công nghiệp ở Hà Nội và may mắn xin được vào làm nhân viên văn phòng cho một công ty tư nhân. Theo chị Hoài, công việc hiện tại không liên quan gì đến những kiến thức mà chị đã được học.

Mặc dù vậy, chị Hoài vẫn còn may mắn hơn rất nhiều các “cử nhân” đại học khác. Bởi không ít người phải đi làm công nhân với mức lương từ 2 đến 3 triệu đồng và phải “đào tạo lại” như những người chỉ mới tốt nghiệp THPT (thậm chí tốt nghiệp THCS).


Nhiều cử nhân phải chấp nhận làm những công việc chân tay không liên quan đến chuyên ngành đào tạo
 (Ảnh minh hoạ)

Như vậy, có đến gần một nửa số cử nhân đại học chịu cảnh thất nghiệp hoặc phải làm công việc lao động phổ thông sau khi tốt nghiệp đại học.

Vì sao nhiều cử nhân… thất nghiệp?

Tại sao sinh viên tốt nghiệp đại học lại thất nghiệp nhiều như vậy? Ngoài nguyên nhân về những bất cập trong cơ cấu đào tạo nghề còn có nguyên nhân nào khác?

Thực tế cho thấy, đa số các sinh viên ra trường không tìm được việc làm vì không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Việc “lơ mơ” cả về kiến thức chuyên ngành và kỹ năng sống khiến không ít sinh viên ra trường không thể tìm được việc làm phù hợp với trình độ của mình. Điều này khiến một số bạn phải chấp nhận trở thành lao động phổ thông để có tiền duy trì cuộc sống.

>> Cựu sinh viên trường Kinh tế khởi nghiệp từ gánh bún rong


Việc từ bỏ kiến thức chuyên môn đã học trong 4 – 5 năm để trở thành lao động phổ thông là một sự lãng phí rất lớn cho bản thân, gia đình và xã hội. Sự lãng phí này bắt nguồn từ tâm lý phải học đại học bằng mọi giá của không ít bạn trẻ.


Thiếu kiến thức, kỹ năng chính là nguyên nhân cơ bản khiến cử nhân ra trường không tìm được việc làm

Đại học không phải là con đường duy nhất

Thực ra, việc tự xác định năng lực của bản thân để lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp có ý nghĩa rất lớn để đem đến thành công trong cuộc sống. Trước khi quyết định thi hoặc theo học một trường đại học, các bạn trẻ nên cân nhắc đến năng lực học tập của mình trong môi trường ấy. Bởi rất có thể, quyết định không học đại học sẽ đem đến cho bạn thành công!

>> Tỷ phú hoa cảnh khởi nghiệp từ 4 triệu đồng

>> Từ cô bé làm thuê ở hàng photocopy nay kiếm được 40 triệu/1 tháng

Anh Hoàng Ngọc Long (Long Biên – Hà Nội) chia sẻ: “Tôi học không giỏi nên tốt nghiệp THPT, tôi thi vào một trường trung cấp nghề. Học có 2 năm ra trường, tôi tìm ngay được việc làm đúng chuyên ngành. Đến giờ, tôi đã làm tổ trưởng một dây chuyền sản xuất của 1 công ty lớn. Công nhân dưới quyền tôi đầy người tốt nghiệp đại học, cao đẳng.”

Điều này cũng có nghĩa, cánh cửa đại học không phải là con đường duy nhất đem đến thành công. Thậm chí, việc cố gắng theo đuổi giấc mơ đại học có thể làm mất đi cơ hội của chúng ta trong việc xây dựng cuộc sống. Bởi yếu tố có thể giúp ta thành công chính xác định được đúng khả năng và quyết định chọn học ngành, nghề phù hợp với bản thân. Đồng thời, việc trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng về lĩnh vực mà chúng ta theo đuổi còn quan trọng hơn rất nhiều một tấm bằng đại học.

Tintuconline mời độc giả chia sẻ ý kiến và những câu chuyện khởi nghiệp thành công mà không qua học đại học hoặc học những ngành nghề khác hẳn. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ email Tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết. Chúng tôi xin cảm ơn!

Dương Thảo/VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.