Đừng dập tắt "mầm" sáng tạo của con

Trẻ nhỏ rất hay tò mò, khám phá rồi từ đó tưởng tượng và sáng tạo. Những hoạt động ấy đang dần dần dạy cho con cái chúng ta những kỹ năng sống rất quan trọng.

Trẻ nhỏ rất hay tò mò, khám phá rồi từ đó tưởng tượng và sáng tạo. Đôi khi người lớn lại quá nguyên tắc, thích sạch sẽ, gọn gàng mà ngăn cản thậm chí mắng mỏ con. Thật ra, những hoạt động ấy đang dần dần dạy cho con cái chúng ta những kỹ năng sống rất quan trọng.

Tintuconline mời độc giả tham khảo chia sẻ của độc giả Tuấn Văn về điều này:

Đừng dập tắt "mầm" sáng tạo của con

Gần đây dư luận cứ xôn xao mãi chuyện Thánh Gióng tắm hồ. Bản thân tôi cũng từng giật mình: “Sách vở gì mà lại sai hoàn toàn lịch sử vậy chứ?” cho đến khi đọc được bài báo “Thánh Gióng tắm hồ: Đừng vội chỉ trích!”. Thì ra đây là một ví dụ hoàn toàn bình thường trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay và học sinh đang được dạy về tưởng tượng, sáng tạo - điều này hình như thời xưa chúng tôi chưa được học.

Thử tìm kiếm về việc dạy trẻ tưởng tượng, kết quả trên google khiến tôi khá bất ngờ: Trí tưởng tượng phong phú có thể giúp trẻ giải quyết tốt mọi vấn đề và đối diện với thách thức; Những đứa trẻ khỏe mạnh cần trí tưởng tượng cũng như cần ăn, uống và ngủ vậy.…..

Tưởng tượng quả là nhiều tác dụng, vậy mà nhiều khi phụ huynh chúng ta không để ý đến để dạy con. Nghĩ lại thì con trai hơn 4 tuổi của tôi rất hay tưởng tượng, nhiều lúc tôi lại nghĩ hay con có vấn đề.

Có những lần bắt gặp con chơi trò bố con với 2 con gấu bông rất lâu, gấu to là bố, gấu nhỏ là con rồi tự nói chuyện:

- Bố ơi con không thích bố đi làm đâu, con thích bố ở nhà chơi với con

- Không được, bố phải đi làm lấy tiền thì mới có tiền mua đồ chơi, mua thức ăn cho con chứ. Con cũng phải đi học để thành người lớn mà

- Không, con thích thành siêu nhân cơ, siêu nhân biết bay ….

Khi ấy 2 vợ chồng chỉ biết nhìn nhau cười, chỉ có thế mà nó chơi được lâu thế.


Con trai tôi rất hiếu động và hay tưởng tượng

Lần khác, sau khi ăn cơm tối xong, con đòi mẹ cho mượn cái khăn choàng vừa dài vừa rộng. Chưa hiểu cu cậu định làm gì thì đã thấy đổ hết cả đồ chơi ra để lấy cái rổ, 2 tay cầm 2 đầu khăn, đồng thời cầm rổ úp lên đầu và nhún nhảy kiểu múa sư tử. Sau đó con còn phân vai: mẹ chui vào khăn làm đuôi sư tử nhé, bố đánh trống còn em Ốc làm chú hề. Thế là cả nhà cùng chơi vui!

Một hôm tôi lấy giấy định vẽ lọ hoa cho con tô màu, thế nhưng cu con lại hỏi:

- Bố vẽ con cá à, con cá há miệng to thế đang chuẩn bị đớp mồi hả bố?

- Con nói sai rồi, lọ hoa đấy chứ, mắt mũi thế nào mà nhìn ra con cá

- Nhưng con thấy giống con cá mà (vẻ mặt đầy băn khoăn)...

Là con trai nên cháu vô cùng hiếu động, cháu thích và rất giỏi bắt trước các hành động của các con vật. Nào là hổ, chó, cá sấu, rồi lợn, gà, chó sói.. nhiều khi giống đến phát sợ, cứ gầm gừ trêu em bé đến khóc. Những lúc ấy có khi con lại bị mắng và ăn đòn oan bởi bố mẹ chưa biết con đang tưởng tượng và rất sáng tạo.

Kết luận: Qua vui chơi, con trẻ có những sự tưởng tượng đôi lúc khiến bố mẹ ....ngỡ ngàng. Bố mẹ hãy tạo điều kiện cho con được vui chơi càng nhiều càng tốt và phải thật sự bình tĩnh xem con làm gì chứ đừng vội vàng mắng mỏ hay cấm cản mà dập tắt sự sáng tạo của con.

Trí tò mò của trẻ rất lớn, đối với bất cứ sự vật gì không hiểu, chúng đều có ước muốn được khám phá, thích tháo đồ chơi, đồng hồ, thích mở ngăn kéo, tìm kiếm kho báu trong tủ…. Đừng hạn chế con vì đây là biểu hiện của sự ham hiểu biết, hãy buông tay để trẻ tự đi tìm tòi.

Đừng phủ định lại suy nghĩ của trẻ (như trong trường hợp bình hoa – con cá kể trên) vì điều đó, vô tình đã làm mất đi năng lực sáng tạo vừa mới nhú mầm của bé.Và bố mẹ, khi bắt gặp điều gì đó thật "vô lý, buồn cười" thì cứ hãy mỉm cười nhé, vì biết đâu những điều đó lại giúp chiếc cây sáng tạo của con ngày một tỏa cành trổ lá và đơm hoa?

Độc giả Tuấn Văn

Bạn nghĩ sao về việc này? Hãy chia sẻ quan điểm và giải pháp của bạn tới Tintuconline qua địa chỉ email tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết.



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.