Gắn mác tiên tiến để thu tiền cao?

Xây dựng trường tiên tiến với những đổi mới về hình thức, nội dung giảng dạy là mong muốn tốt đẹp, nhưng vẫn còn những nghi ngại về mô hình này.

Xây dựng trường tiên tiến với những đổi mới về hình thức, nội dung giảng dạy là mong muốn tốt đẹp, nhưng vẫn còn những nghi ngại về mô hình này.

Báo Người Lao Động đăng bài viết “Khó với tới trường tiên tiến” phản ánh về những khó khăn ở các quận, huyện tại TP HCM khi thực hiện mô hình này. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, nếu chỉ đề cao tiêu chí cơ sở trường, lớp, trang thiết bị mà xem nhẹ chuẩn đánh giá chất lượng đầu vào, đầu ra của học sinh các trường tiên tiến thì không ổn.

Gắn mác tiên tiến để thu tiền cao?
Tranh minh họa: Người Lao Động

Chưa chú trọng chuẩn đầu vào, đầu ra

Theo lãnh đạo một phòng GD&ĐT, ở TP HCM hiện nay, khoảng 3 quận có số học sinh ổn định, thậm chí giảm dần theo từng năm là quận 10, Phú Nhuận và quận 4. Lượng học sinh các quận này không đột biến nên đây là những nơi có điều kiện tốt để xây dựng trường tiên tiến.

Bên cạnh đó, quận 1 là nơi vốn tập trung nhiều trường từ mầm non đến THCS có cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục tốt, có thể tiến tới xây dựng trường tiên tiến ngay. Nhiều quận khác còn rất khó khăn khi phải gồng mình để tuyển đủ số học sinh đại trà, chưa thể nghĩ tới việc xây dựng trường tiên tiến.

Chính vì khác biệt này nên dù đề án xây dựng trường tiên tiến không yêu cầu các quận, huyện phải thực hiện đồng loạt một lúc mà có lộ trình phù hợp, với yêu cầu đầu tiên là phải bảo đảm chỗ học nhưng các đơn vị giáo dục không tránh khỏi sốt ruột, làm gấp bằng mọi giá.

“Khi đã làm gấp thì khó tránh khỏi sự qua loa, khó thuyết phục phụ huynh. Tại sao không tập trung ở một số địa bàn trọng điểm, có điều kiện thực hiện mà phải xây dựng tới 24 trường ở các quận, huyện?”, vị này băn khoăn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong một cuộc họp giữa các trường trong cụm về đề án xây dựng trường tiên tiến mới đây, Phòng GD&ĐT quận 9 đưa ra lộ trình thực hiện khá lý tưởng. Theo đó, phòng sẽ chọn Trường THCS Hoa Lư và Trường Tiểu học Lê Văn Việt làm thí điểm, với lộ trình năm học 2016-2017 tuyển 2.000 em, đến năm 2019-2020 giảm xuống còn 1.700 em để đáp ứng yêu cầu chuẩn sĩ số. Về học phí, Trường THCS Hoa Lư sẽ thu 1,5 triệu đồng/tháng, còn các khoản bán trú thu theo thỏa thuận.

Nhận xét về đề án của Trường THCS Hoa Lư, một chuyên gia giáo dục phổ thông cho rằng, nếu chiếu theo phương án này, trong vòng 4 năm, 300 học sinh bị giảm sĩ số sẽ học ở đâu, trường nào đảm nhận? Hơn nữa, tiêu chí về đề án trường tiên tiến không đặt chuẩn đầu vào mà chỉ cần đáp ứng khả năng tài chính là học sinh được tuyển vào nên chưa thỏa đáng.

Ông Phạm Xuân Đông, Trưởng Phòng GD&ĐT quận 7, cho hay, ông vẫn còn băn khoăn về chuẩn đầu ra của học sinh các trường theo mô hình tiên tiến. Học sinh theo mô hình này so với trường bình thường ra sao bởi lâu nay, việc xét tốt nghiệp vẫn theo các tiêu chí của Bộ GD&ĐT quy định?

Chỉ nhắm vào tiêu chí thu tiền cao

Một chuyên gia giáo dục nhận xét: “Tôi có đọc về các tiêu chí của mô hình trường tiên tiến nhưng nếu chỉ như thế thì vẫn chưa thuyết phục. Đơn cử, dựa vào tiêu chí nào thì gọi là tiên tiến hay mới chỉ lấy chuẩn cao hơn trường chuẩn quốc gia một bậc?

Những tiêu chí chung chung như sĩ số, học sinh được thực hành thế nào, đáp ứng chuẩn kỹ năng ra sao… mà đề án đưa ra mới chỉ là cảm tính, dựa trên cơ sở khoa học nào để đánh giá, công nhận? Nếu lấy chuẩn đó mà thu tiền cao hơn thì mới chỉ là những tiêu chí nhắm vào kinh tế”.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM, nhận định, trong xu thế hội nhập, việc xây dựng trường tiên tiến, chất lượng cao theo chuẩn quốc tế với các tiêu chuẩn về đội ngũ giáo viên, học sinh là mong muốn tốt. Tuy nhiên, cần có những bước đi phù hợp, nhất là khi một số quận, huyện đang phải lo bảo đảm đủ chỗ học cho tất cả học sinh trong độ tuổi đến trường.

“Giáo dục cũng không thể cũ mãi, dàn hàng ngang để phát triển. Vì thế, trước những đổi mới luôn có những băn khoăn. Vấn đề là các trường khi chuyển đổi mô hình thành trường tiên tiến thì cần cụ thể hóa các mục tiêu, tiêu chuẩn như thế nào để phụ huynh, dư luận thấy được lợi ích thiết thực”, ông Ngai bày tỏ.

Không nên đốt cháy giai đoạn

Ông Nguyễn Văn Ngai cho biết, mô hình trường tiên tiến đã thực hiện ở 3 trường THPT là Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền. Trong quá trình thực hiện, có trường thuận lợi nhưng cũng có trường gặp khó khăn. Khó khăn, thuận lợi thế nào cũng cần tổng kết để có kinh nghiệm thực hiện ở các trường khác, cấp học khác.

Thí điểm cần sự thận trọng, cần có những đánh giá trung thực, khách quan về tất cả tiêu chuẩn của một trường tiên tiến - bao gồm cả cơ sở vật chất, giáo viên, học sinh, đầu vào, đầu ra… - có phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT không?

Trường nào chưa đủ điều kiện thì cho thêm lộ trình, thời gian. Không nên vì quá mong muốn một trường học lý tưởng mà đốt cháy giai đoạn, dẫn đến tình trạng “chín ép”, làm mất ý tưởng tốt đẹp của mô hình.


Theo Người lao động



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.