Học trò dốt: Sao phải né tránh?

Nhiều học sinh thực sự gặp khó khăn trong việc tiếp thu bài mặc dù đã rất chăm chỉ và cố gắng. Thầy cô cần thừa nhận có học trò dốt để tìm cách cải thiện lực học của các em.

Trong một lớp học, bao giờ lực học của học sinh cũng được phân hóa một cách rõ ràng. Chẳng hạn, học sinh đạt loại giỏi phải có điểm trung bình trên 8 điểm; loại khá cần đạt từ 6,5-8 điểm; loại trung bình từ 5-6,5 điểm; loại yếu từ 3,5-5 điểm; loại kém dưới 3,5 điểm. 

Với học sinh có lực học từ 3,5 điểm đến dưới 5 điểm, thầy cô có thể dạy các em đạt mức trên 6,5 điểm. Những em có lực học dưới 3,5 điểm thì rất khó để vươn lên mức trên 6,5 điểm. Trường hợp này có thể xem là học sinh tiếp thu rất chậm (hay nói cách khác là dốt).

Học sinh tiếp thu chậm thường có nhiều đặc điểm: khả năng nhận thức dưới mức trung bình, gặp nhiều trở ngại hoặc chậm trễ trong việc suy nghĩ và tiếp thu bài giảng; thành tích học tập dưới mức trung bình; khả năng tiếp thu bài chậm và chưa bao giờ thích thú với việc học. 

Các em cũng hoàn thành các bài tập trên lớp muộn hơn so với các bạn, gặp khó khăn khi làm theo các hướng dẫn nhiều bước hoặc phức tạp; tính cách nhút nhát, ít nói, thiếu tự tin, ít bạn bè; có trí nhớ đầy đủ, nhưng nhớ chậm; làm chủ một kỹ năng rất chậm, không thể thành thạo, kỹ năng phối hợp hạn chế (chẳng hạn sử dụng đồ dùng học tập).

Học trò dốt: Sao phải né tránh?-1

7 cách thức dạy học sinh dốt 

Thứ nhất, thầy cô cần dành nhiều thời gian, cả trong tiết học chính khóa và ngoài giờ học để dạy cho các em nhiều lần (lặp đi lặp lại) cùng một đơn vị kiến thức. Cùng với đó, các bậc cha mẹ cần bình tĩnh, không được nôn nóng và nhất là đừng tạo thêm áp lực cho con cái. Nếu phụ huynh quát mắng, chê bai sẽ khiến cho con cái càng mặc cảm, tự ti.

Thứ hai, thầy cô không thể dạy học theo kiểu ôm đồm mà phải nắm bắt tâm lí học sinh, cần “đọc” được hoặc hỏi xem các em cần học gì. Để giải một bài toán hay đơn giản chỉ là đánh vần một từ, giáo viên cần hướng dẫn từng bước một thì học sinh mới có thể hình dung và tiếp thu bài học một cách dễ dàng.

Sau khi học sinh nắm được những bước cơ bản một cách nhuần nhuyễn, thầy cô sẽ nâng lên từng cấp độ tùy theo mức độ tiếp thu bài của các em. Mỗi khi hiểu được bài và biết cách làm bài, các em sẽ có động lực để vươn lên. 

Thứ ba, một giáo viên giỏi là phải giúp học sinh kích thích được nhiều giác quan trong khi học. Chẳng hạn để học một đơn vị kiến thức mới, học sinh chỉ nghe và nhìn là chưa đủ mà cần có thêm năng lực tưởng tượng, phán đoán…

Học sinh học tốt nhất khi có thể nhìn thấy một khái niệm được giải thích, lắng nghe về nó, và sau đó thực hiện bằng các hoạt động thực hành.

Nếu học sinh vẫn chưa thể tưởng tượng ra vấn đề, giáo viên cần kết hợp tranh, phim ảnh… nghĩa là, cần sử dụng ví dụ trực quan sinh động gắn liền với bài học thì mới mang lại hiệu quả thiết thực. .

Thứ tư, giáo viên cần dạy cho học sinh một nội dung trong cùng một thời điểm để các em dễ dàng lưu lại kiến thức. Có khi chỉ một nội dung nhưng với học sinh yếu kém, thầy cô cần chia nhỏ ra từng phần thì các em mới có thể hiểu được.

Ví dụ, để đọc được văn bản thì học sinh phải thuộc bảng chữ cái, sau đó mới đánh vần đọc từng từ, từng câu.

Thứ năm, với những học sinh yếu kém, giáo viên cần khuyến khích các em giao tiếp bằng ngôn ngữ - cả dạng nói và viết. Thực tiễn dạy học cho thấy, những học sinh tiếp thu chậm thường thiếu tự tin trong giao tiếp. Thầy cô hãy khuyến khích học sinh nói lên suy nghĩ của bản thân về nội dung bài học.

Thứ sáu, bên cạnh việc học, những học sinh có lực học yếu kém cần được nghỉ ngơi, giải trí, luyện tập thể dục thể thao một cách phù hợp, giúp tái tạo trí nhớ. 

Thứ bảy, sự khích lệ, động viên kịp thời mỗi khi các em tiến bộ được xem là món quà ý nghĩa, giúp học sinh đương đầu với những khó khăn để vươn lên trong học tập.

Sự trừng phạt, chê bai sẽ khiến các em xuống tinh thần, việc học tập sẽ không thể tiến triển tốt.

 

Theo VNN

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/hoc-tro-dot-sao-phai-ne-tranh-2092426.html

học sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.