Làm gì để giáo viên dạy thêm đàng hoàng?

Giáo viên có thể dạy thêm ngoài nhà trường nhưng cần quy định về cơ sở vật chất, số tiết, nội dung giảng dạy, sức khỏe người dạy và học...

Mấy ngày qua, dư luận nóng lên khi Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm. Một lần nữa vấn đề trên được đặt ra, đúng vào lúc học sinh các tỉnh/thành phố trong cả nước rộn ràng chuẩn bị đón năm học mới. Nhân đây, tôi có mấy ý kiến xoay quanh nội dung cấm hay không cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường. 

Dạy thêm, học thêm những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, nở rộ như nấm sau mưa, từ tiểu học đến THPT. Trường càng chất lượng, học sinh càng đổ xô đi học thêm. Không ít học sinh học thêm một môn học với 2, 3 giáo viên. 

Đang viết bài này, tôi nhận tin nhắn của em A. Em kể chưa vào năm học nhưng đã học thêm từ 17h đến 21h thứ 2, 3, 4, 5 trong tuần. Vị chi thời gian học của em là 16 giờ/tuần. Vào học chính khóa, lớp 12, số tiết khoảng 29 tiết/tuần, tức 21,75 giờ/tuần. A. cho biết, sẽ đi học thêm một môn nữa, 6 giờ/tuần. A. đi học chính khóa, học thêm 46,75 giờ, tương đương 62,3 tiết học/tuần. Bình quân mỗi ngày em học 8, 9 tiết. Số tiết này chưa tính tiết học thêm do trường tổ chức mà học sinh "tự nguyện" tham gia. 

Lần nọ, một cô giáo kể với tôi, cô có cháu chuyển từ tỉnh ngoài về trường THPT dạng khá ở địa phương tôi. Sau một tháng học tại đây, cháu phải đi học thêm với thầy cô của trường vì giáo viên dạy trên lớp "hỏi thăm". Cô cũng được mời lên nhắc nhở, lực học của cháu còn non!

Khi tôi nhận bàn giao chức vụ hiệu trưởng trường THPT, hiệu trưởng cũ nhắc tôi về một giáo viên của trường này, nổi tiếng ép học sinh học thêm. Đến độ, có hai chị em (học chăm, ngoan, tốt) "vào tay" cô, đến lúc ra trường vẫn uất ức vì bị cô "đì". Không biết bây giờ hai em này nghĩ thế nào về cô giáo của mình?

Dạy thêm, học thêm có tốt, có chưa tốt (thậm chí lúc này, lúc khác gây chuyện tệ hại); có xuất phát từ nhu cầu của người học và có a dua theo bạn bè, vì thầy cô, vì điểm số... Tôi thường ví, dạy thêm, học thêm là cuốn tiểu thuyết bi - hài, yêu - ghét, hay - dở, mang đến độc giả đủ hỷ, nộ, ái, ố.

Năm học mới, giáo dục phổ thông nhiều việc phải làm, cần làm nhanh, chẳng hạn, triển khai dạy theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa mới ở lớp 9, lớp 12; thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - dạy học thế nào? An toàn cho học sinh đến trường, bạo lực học đường, phát triển văn hóa đọc, ra đề kiểm tra định kỳ môn Văn không dùng văn bản trong sách giáo khoa, tuyển dụng giáo viên, bệnh thành tích, dân chủ trường học. 

"Bùng nổ" chuyện dạy thêm, học thêm lúc này, lại theo hướng mới - mở cửa để giáo viên "đàng hoàng" dạy thêm, học sinh thôi bị ép đi học thêm. Nên nhớ, ép học sinh học thêm, giáo viên có 1.001 cách, có cách đến “thánh” cũng không biết!

Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành quy định về dạy thêm, học thêm - hiện có nội dung không còn phù hợp (sau khi luật sửa đổi Luật Đầu tư đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số Điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại Thông tư 17 không còn hiệu lực).

Tuy nhiên, các quy định khác của Thông tư vẫn còn hiệu lực thi hành; nhiều nội dung đúng - trúng. Đáng tiếc, trong việc thực hiện, các trường học, ngành giáo dục chưa triệt để, có phần buông lỏng, vô hình trung làm "tê liệt" Thông tư 17, chẳng hạn: Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa, không dạy thêm đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, cấm dạy thêm học sinh tiểu học...

12 năm qua, kể từ ngày ban hành Thông tư 17 - ngành giáo dục có làm được những điều đó đâu! Đây là nguyên nhân dẫn đến dạy thêm, học thêm tràn lan, gây áp lực nặng nề lên học sinh, thêm gánh nặng (chi phí, tâm lý) đối với phụ huynh. Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm đưa ra lấy ý kiến lúc này “mở” hơn chưa đáp ứng nguyện vọng của học sinh, phụ huynh đã khiến một bộ phận bức xúc. 

Không cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường, thoáng hơn với dạy thêm, học thêm trong trường, từ hiệu trưởng đến giáo viên, ai cũng có thể dạy thêm. Suy ra, chương trình chính khóa, các hoạt động dạy học, do chưa đủ - nên cần “cả nhà dạy thêm”?

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, chuyển từ dạy “cái” sang “cách”, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực, đòi hỏi cán bộ quản lý trường học, giáo viên phải có năng lực, trách nhiệm, tâm huyết, tất cả vì sự tiến bộ của học sinh. Điều đó, thôi thúc thầy cô trau dồi phẩm cách, trui rèn chuyên môn, đầu tư  soạn giảng, mỗi tiết đứng lớp  mang đến  học sinh hứng thú, ham học hỏi, khát vọng khởi nghiệp. Dạy thêm góp gì vào hành trình đó?

Dạy thêm, giáo viên dạy gì, chủ yếu dạy trước phân phối chương trình theo kế hoạch giáo dục, “gà” cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ, giải đề đối phó các kỳ thi. Giáo sư Po Shen Loh - cựu  trưởng đoàn Olympic Toán quốc tế của Mỹ, cho biết, họ không dạy học sinh giải đề mà dạy những điều không bao giờ xuất hiện trong các đề thi Olympic Toán quốc tế. 

Dạy thêm thực chất là dạy trước, rồi lặp đi, lặp lại “dạng, mẫu” để học sinh ghi nhớ rồi… trả bài! Có thầy cô “sát” hơn, tại lớp dạy thêm, hôm nay giải đề gì, ngày mai ở lớp, kiểm tra y chang. Thầy cô “khéo” hơn, đề kiểm tra trên lớp xoay quanh những dạng, câu hỏi đã chuẩn bị tại lớp học thêm. Một lần, tôi nghe nhóm học sinh lớp 12 kháo nhau, cô giáo dạy thêm môn Văn cho mấy đề mẫu, cứ học theo đó thì lúc kiểm tra là trúng. Dự thảo Thông tư cấm cách làm đó, nhưng làm thế nào cấm, chúng ta đang bỏ ngỏ! 

Mặt tích cực dạy thêm, học thêm, có không? Có nhưng mong manh. Nói thế để thấy, dạy thêm, học thêm - dù được phép tồn tại - cũng chỉ là trạng thái chẳng đặng đừng! 

Về lâu dài, dạy thêm, học thêm do tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường xin phép cấp thẩm quyền hoạt động (có hoặc không thu học phí), còn trong nhà trường, chỉ tổ chức dạy học, giáo dục theo kế hoạch giáo dục. 

Trước mắt, hạn chế dạy thêm, học thêm trong nhà trường, có thể cho phép giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng quy định và nghiêm cẩn kiểm soát cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm, số tiết (giáo viên hưởng lương từ ngân sách) được dạy thêm/tuần, nội dung giảng dạy (thêm), sức khỏe (thể chất, tinh thần) của giáo viên đứng lớp dạy thêm, học sinh đi học thêm. Có bộ phận chuyên trách theo dõi dạy thêm, học thêm (theo địa bàn xã, phường), kinh phí hoạt động thu từ phí quản lý cơ sở dạy thêm.

Trường xưa, dạy phụ đạo cho học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, có chuyên đề giúp học sinh đại trà, dạy bổ túc văn hóa, không hề nặng nề chuyện tiền nong. Trường nay, có thay đổi nhưng học đường chứ đâu phải thương trường mà tràn lan kinh doanh dạy thêm, học thêm.

Tự bao đời, làm nên nét cao đẹp của nhà giáo, truyền thống tôn sư trọng đạo là sự hy sinh của lớp lớp giáo giới, họ mẫu mực, bao dung, kỷ cương. Không phụ công ơn đó, nhiều thế hệ học trò trưởng thành, chung tay xây dựng nước nhà. Sử sách còn lưu lại gương sáng giáo dục. 

Không để “hành khúc” dạy thêm, học thêm ngày và đêm làm đứt gãy giá trị tốt đẹp, để mỗi 20/11, lúc ngồi lại bên nhau, vẫn tri ân từ đáy lòng của trò, vẫn kính thương thầy ơi, cô ơi…

Xã hội hóa trách nhiệm nhằm đưa dạy thêm, học thêm đi đúng quỹ đạo, song, vai trò của Bộ GD-ĐT vẫn thế chủ động. Bộ vì thế, cần nhìn thẳng sự thật, kiên quyết chấn chỉnh tồn tại, quyết liệt giám sát, thanh tra; yêu cầu sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, đặc biệt hiệu trưởng các trường thực thi nghiêm túc quy định dạy thêm, học thêm. Nói đi đôi với làm, làm gương, làm đồng bộ, làm kiên trì, làm mạnh mẽ, làm thực tâm. Chứ, gom ước mơ vào Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, và chỉ dừng ở “ tính từ”, lại “mở toang”, thì duy ý chí. 

Cấm hay không cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường vẫn là chuyện bàn giấy, còn thực tế, hoạt động đó tựa chuyển động của phân tử khí. Nặng trĩu dạy thêm, học thêm tràn lan… 

 Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/day-them-hoc-them-mat-tich-cuc-qua-mong-manh-2315853.html

dạy thêm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.