Lễ khai giảng thuộc về học sinh, hãy để các em thật hào hứng

"Lễ khai giảng nên thuộc về các em học sinh. Làm sao để các em cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc khi đi tới trường dự lễ khai giảng vào một sáng mùa Thu tươi mát...

"Lễ khai giảng nên thuộc về các em học sinh. Làm sao để các em cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc khi đi tới trường dự lễ khai giảng vào một sáng mùa Thu tươi mát mà không còn ám ảnh vì một buổi mít-tinh dài dòng." - PGS Văn Như Cương chia sẻ niềm mong mỏi trước ngày khai giảng.

Ngày 5/9 hàng năm - từ bao lâu nay vẫn luôn là cái ngày được ấn định gắn liền với sự khởi đầu của một năm học mới. Thế nhưng vì khá nhiều lý do mà trong những năm trước đó, không phải tất cả mọi ngôi trường trên đất nước mình đều tổ chức khai giảng vào đúng ngày này.

Cũng đã nhiều năm rồi, sự háo hức chờ ngày khai trường đã không còn trong trẻo, vẹn nguyên như xưa. Khi trường tôi hôm nay khai giảng, trường bạn lại chờ đến mai, rồi những buổi lễ khai giảng kéo dài với các nghi thức trang nghiêm trịnh trọng dường như xa lạ với những học sinh ngô nghê vừa vào lớp 1.

Tuy nhiên, từ năm nay, 5/9 sẽ thực sự là một ngày mà tất tần tật những học sinh từ mọi lứa tuổi đều mong đợi, vì đây là ngày khai giảng chung của mọi mái trường trên cả nước mình.

le-khai-giang-tai-ngoi-truong-hien-dai-hon-250-ty-9a8f4
Ngày khai giảng vào sáng mùa thu trong mát, hãy để nó trở thành ngày để khởi động năm học mới thật hào hứng, tươi vui.

Khi người lớn mong muốn một ngày khai giảng "thực sự vì học sinh"

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết năm học vừa qua, với mong muốn có một buổi Lễ khai giảng thực sự cho học sinh, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh: "Thử hỏi trước đây, chúng ta khai giảng vì các cháu, vì giáo viên hay vì người lớn? Đây là một ví dụ cụ thể và chúng ta phải làm, thực sự vì các cháu. Nhất định không để cảnh các cháu đội nắng, xếp hàng vẫy cờ đợi lãnh đạo, rất nhiêu khê, khổ sở; phải nghe những bài phát biểu của lãnh đạo Sở, tỉnh, huyện mà các cháu không hiểu gì cả”.

Phó thủ tướng cũng cho biết, năm nay ông đã bàn với Bộ Giáo dục, kiên định chọn một ngày khai giảng đồng loạt cả nước. Khai giảng làm đúng nghi lễ chào cờ, nếu được thì cả nước cùng một thời khắc, cùng hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn rồi hết. Đến phần sau là ngày hội cho học sinh với các thầy cô giáo.

crop-3f4cd
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - (Ảnh: Kiên Trần).

Đề xuất này đã được thăm dò ngay tại hội nghị và kết quả đa số đồng ý chọn ngày 5/9 để tổ chức Lễ khai giảng năm học mới. Thông tin được công bố rộng rãi, phụ huynh, học sinh và giáo viên cả nước hồ hởi mong chờ ngày khai trường đặc biệt sắp tới - một ngày ý nghĩa thực sự dành cho học sinh. Em Khương Duy (học sinh trường THCS Bình Lợi Trung, quận Bình Thạnh, TP. HCM) chia sẻ sự hồi hộp khi ngày khai trường sắp đến: "Em mong nhất ở ngày khai giảng là được gặp thầy cô, bạn bè, xem các bạn biểu diễn văn nghệ thật vui để khởi động năm học mới. Thường thì nếu lễ khai giảng kéo dài quá, bọn em thấy rất mệt và phần sau không còn được hào hứng nữa."

IMG_5247_resize-c81b3-3a002
Học sinh cả nước sẽ có chung một ngày khai trường.

Niềm mong ước này sẽ được hiện thực hoá ngay trong ngày mai, khi cả nước hân hoan chào đón lễ khai giảng. Trên toàn thành phố Hà Nội sẽ tổ chức đồng loạt lễ khai giảng cho tất cả các trường trong vòng 1 tiếng, từ 7.30 - 8.30 sáng. Sẽ không còn cảnh đội nắng nhiều tiếng đồng hồ để trải qua lễ khai giảng mệt mỏi, mang nặng hình thức. Ngắn gọn nhưng ý nghĩa, đó mới chính là lễ khai giảng vì học sinh. Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP. HCM cũng đã khẳng định, các trường sẽ tổ chức lễ khai giảng kiểu mới đồng loạt trong ngày 5/9.

Niềm hân hoan đón ngày khai trường sẽ lan toả khắp đất nước...


Hồi hộp chờ đợi Lễ khai giảng sắp tới, chị Ngọc Ngà, phụ huynh của một học sinh lớp 3 tại trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: "Mọi năm, đến Lễ khai giảng là mẹ con tôi lại rất mệt mỏi. Buổi sáng 7h30 là các con phải có mặt tại trường, ổn định chỗ ngồi mất 1h đồng hồ nữa, có khi đến 8h30 hoặc 9h mới bắt đầu buổi lễ. Nếu nhanh lắm thì cũng 11h trưa mới xong, có năm buổi lễ kéo dài đến 11h30. Bé nào trong đội văn nghệ của trường thì lại... siêu khổ, phải đến từ sớm tinh mơ để thay trang phục, trang điểm, làm tóc, chờ các bác lãnh đạo phát biểu rồi mới đến lượt các bé biểu diễn. Lúc này bé nào cũng mệt nhừ vì nắng nóng và chờ đợi. Năm nay, biết được Lễ khai giảng được rút ngắn, lại là thời khắc chung của cả nước, tôi rất phấn khởi".

Còn chị Xuân Quế, phụ huynh của 2 bé đang học trường tiểu học Lê Ngọc Hân và trường THCS Nguyễn Du, TP. HCM vẫn mong muốn giữ được sự trang nghiêm nhất định trong Lễ khai giảng để các bé cảm thấy năm học mới đã bắt đầu. "Thông thường buổi lễ bắt đầu từ 6h45 sáng và đến 10h30 thì kết thúc. Do khuôn viên trường không rộng nên phụ huynh không được ngồi mà phải đứng chờ đến khi buổi lễ kết thúc. Năm nay, tôi hy vọng 1h đầu buổi lễ dành cho nghi lễ, chào cờ và tiếp đón quan khách; 1h sau là văn nghệ, thế là ổn rồi!", chị Quế nói.

Nhắm mắt và nghĩ về ngày 5/9 sắp tới, hàng triệu trái tim học trò đã hình dung ra một khung cảnh thực sự rất tuyệt vời... Buổi sáng hôm đó tất cả học sinh trên khắp dải đất hình chữ S sẽ cùng mặc đồng phục thật tinh tươm, lòng phấp phới và nô nức cùng nhau đi đón ngày tựu trường. Buổi khai giảng sẽ được tổ chức đơn giản mà gọn gàng, không rườm rà, cầu kỳ nhưng giữ vững được sự trang trọng và ý nghĩa đặc biệt vốn có của nó. Lễ chào cờ sẽ diễn ra thật trang nghiêm vào một khung giờ được định sẵn, tất cả các bạn học sinh sẽ cùng nhau chăm chú lắng nghe bức thư của Chủ tịch nước trong buổi sáng đó, rồi khi tiếng trống trường rộn rã vang lên, cả nước sẽ hòa mình vào giây phút đón năm học mới.

tam-su-cua-mot-co-giao-ve-tieng-trong-khai-truong
Buổi sáng ngày 5/9 sắp tới, tiếng trống khai trường sẽ vang lên từ khắp mọi miền đất nước, hòa chung niềm hân hoan của hàng triệu trái tim học trò.

Bóng bay sẽ được thả rợp trời vào buổi sáng mùa thu, những chiếc khăn quàng đỏ tung bay trong gió, màu áo trắng bao phủ khắp các sân trường trên mọi miền tổ quốc, tất cả học sinh chung một niềm háo hức, chia sẻ cùng một niềm vui.

Còn gì ý nghĩa hơn khi mọi giáo viên, học sinh trên cả nước sẽ đón tiếng trống khai trường thiêng liêng cùng nhau. Âm thanh đầy trang trọng đó sẽ được vang lên khắp đất nước mình vào đúng ngày 5-9 sắp tới. Một năm học mới bắt đầu với rất nhiều cố gắng và kỳ vọng. Nó sẽ trở thành một dấu mốc để rồi năm nào cũng thế, vào đúng ngày này, những ai đã và đang cắp sách đến trường cũng đều nhớ tới và ngóng về với cảm xúc giống như những gì mà nhà văn Thanh Tịnh đã viết: "Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường."


"Có một ngày toàn dân đưa trẻ đến trường là vô cùng ý nghĩa"

Cùng chung niềm vui này, PGS Trần Xuân Nhĩ (Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) cho biết: "Tôi hoàn toàn ủng hộ với cách làm của Phó Thủ tướng. Đây cũng chính là ý tưởng mà tôi đã từng đề xuất về ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường năm 1995 nhưng chưa thực hiện được. Có một ngày toàn dân đưa trẻ đến trường là vô cùng ý nghĩa. Khi đó cái lễ chỉ là một phần thôi còn cái hội mới là chính. Tôi đã từng đi dự lễ khai giảng ở nước Đức và Singapore, bên đó phần lễ rất ngắn nhưng hội thì dài, đó thực sự là ngày vui của toàn dân, mọi người đều rất vui vẻ, hoan hỉ".

Bên cạnh đó, ông Nhĩ cũng cho rằng, đối tượng học sinh có nhiều độ tuổi khác nhau, không phải ở độ tuổi nào các em cũng có nhu cầu nghe hết bài phát biểu của các vị lãnh đạo. Nhất là học sinh lớp một, mẫu giáo. Vì thế việc gói gọn lễ khai trường là điều rất cần thiết, tiết kiệm thời gian cho các em.

"Lẽ ra phải thực hiện điều này từ lâu rồi"

Về cách khai giảng ngắn gọn, súc tích, PGS. Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường Dân lập Lương Thế Vinh) rất hoan nghênh. Ông nói: "Tôi nghĩ chúng ta phải thực hiện điều đó từ rất lâu rồi chứ không nên chờ đến khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rồi mới ráo riết làm theo".

anh-808f2
PGS. Văn Như Cương.

"Phó Thủ tướng nói rất đúng, lễ khai giảng nên thuộc về các em học sinh. Làm sao để các em cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc khi đi tới trường dự lễ khai giảng vào một sáng mùa Thu tươi mát mà không còn ám ảnh vì một buổi mít-tinh dài dòng. Đó mới là điều quan trọng", thầy Cương nói thêm.

"Buổi khai trường đơn giản, nhanh gọn sẽ khiến các em học sinh đỡ vất vả hơn"

TS Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Ba Đình, Hà Nội) - từ cương vị của những thầy cô giáo tham gia trực tiếp vào lễ khai giảng, ông cho biết, rất đồng tình với quyết định này. "Điểm quan trọng nhất trong tinh thần khai giảng mới mà Phó Thủ tướng đưa ra là đã chú ý vào tính đơn giản, nhanh gọn của buổi khai trường. Nếu làm tốt được việc này thì các em học sinh cũng đỡ vất vả hơn. Không còn chịu đựng những buổi mít tinh dài dòng giữa trời nắng gắt hay tập dợt văn nghệ cả tuần chỉ để đón một lễ khai giảng mà có khi, chưa thực sự hữu ích với các em.

Học sinh đánh giáo viên có nên phạt 5 - 20 triệu? 1
TS Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Ba Đình, Hà Nội).

Theo Trí Thức Trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.