Nên phạt con như thế nào?

Việc đưa ra hình phạt thích hợp khi trẻ mắc lỗi cũng là một cách giúp trẻ rèn luyện tính kỷ luật và kiểm soát bản thân tốt hơn.

Nghịch ngợm, bướng bỉnh, không nghe lời… hầu như đứa trẻ nào cũng có những lúc như vậy.

Và nếu bố mẹ không tâm lý để có cách dạy con phù hợp thì sẽ rất dễ gặp tình huống “giận quá mất khôn”. “Thương cho roi cho vọt”, lời người xưa dạy không sai, nhưng các bậc phụ huynh cần biết “roi vọt” như thế nào để giúp con nhận ra sai phạm của mình. Việc đưa ra hình phạt thích hợp khi trẻ mắc lỗi cũng là một cách giúp trẻ rèn luyện tính kỷ luật và kiểm soát bản thân tốt hơn.

Untitled62

Phạt con không đòn roi

Để con tự chịu hậu quả. Tất nhiên là “hậu quả” không được nguy hiểm và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của bạn nhé. Chẳng hạn nếu con bạn hay ăn vặt trước bữa ăn, bạn hãy thử vài lần nấu một ít món con yêu thích và khi đến giờ cơm thì con đã quá no và không thể ăn thêm; hoặc con hay ném vứt đồ chơi thì sẽ sớm không còn gì để chơi nữa khi mọi thứ đã bị hư… Trong những trường hợp như thế này, các bậc phụ huynh đừng mềm lòng mà ra tay “giải cứu”, hãy giúp con nhận ra rằng đó là hậu quả khi không biết vâng lời.

“Khấu trừ” những đặc quyền của con. Hãy nói với con một cách nghiêm túc rằng nếu không chịu hợp tác cùng bố mẹ, bé sẽ bị mất đi một vài đặc quyền như được đi công viên cuối tuần, hay sẽ không được xem bộ phim hoạt hình yêu thích. Với cách này, các bố, mẹ không cần phải la hét, nhưng cần bình tĩnh và kiên định, vì nhiều khi chỉ cần thấy con khóc hay làm nũng một chút thôi là bố mẹ đã mềm lòng ngay và quên mất rằng trẻ đang phải chịu phạt.

Cách ly ngắn hạn có vẻ là hình phạt phổ biến và “ngán ngẩm” nhất, vì với trẻ con chẳng có gì buồn chán hơn là bị bắt buộc ngồi im và không được làm gì. Bạn nên phạt con ngồi im trên ghế, trên giường hay quay mặt vào tường trong khoảng thời gian nhất định để kiểm điểm về lỗi sai của mình, nếu vi phạm, thời hạn cách ly có thể sẽ kéo dà. Bạn không nên chọn hình thức “nhốt” con trong phòng tắm, phòng kho, sẽ dễ khiến trẻ hoảng sợ và dễ gây ra nguy hiểm; còn cách ly trong phòng riêng thì lại có phần giống “thả hổ về rừng”, trẻ có thể làm gì tùy thích trong chốn riêng của mình.

Để việc kỷ luật có hiệu quả

Bạn cần lưu ý khả năng nhận thức ở từng lứa tuổi của con. Đôi khi trẻ có những hành vi không đúng là do chúng không thật sự biết điều đó, do kỹ năng nghe nói và hiểu của con chưa phát triển tốt đủ để nắm bắt được yêu cầu của bố mẹ, hoặc do trẻ có vấn đề về cảm xúc và tâm sinh lý khiến có những hành xử không tốt… Bố mẹ nên trò chuyện tìm hiểu cùng con trước khi phạt nặng nhé! Hãy tùy vào độ tuổi và khả năng nhận thức của con để có cách phân tích phù hợp giúp con hiểu ra lỗi sai, hay ít ra biết rằng nếu lặp lại sẽ bị phạt nặng hơn.

Không nên vì nóng giận mà đưa ra những hình phạt quá khắt khe hay đánh con, tất nhiên là tùy vào mức độ nặng/ nhẹ trong sai phạm của trẻ nhé. Việc bị đánh đòn chỉ dạy trẻ cách cư xử thông qua sự “kiểm soát bên ngoài” (hình phạt), chứ không dạy trẻ cách tự điều chỉnh bản thân hay “kiểm soát bên trong”. Đôi khi chúng sẽ tạo ra “vách ngăn” giữa con cái với bố mẹ và có thể gây ra những vấn đề tâm lý khác nếu bạn thường xuyên la mắng, đánh con. Trẻ nhỏ sẽ nhớ sự trừng phạt hơn là lý do mà chúng bị phạt, và roi đòn chỉ khiến chúng sợ hãi hơn là hiểu được nguyên nhân vì sao mình không nên tái phạm.Trong lúc nóng giận, bố mẹ cũng hãy tìm cách “cách ly” chính mình trước khi bạn đánh con, vì sau đó chắc chắn bạn sẽ rất ân hận đấy.

Lưu tâm tới phản ứng và cảm xúc của con trong và sau khi phạt để bạn có thể nắm bắt được sự tiến bộ của trẻ. Nếu chúng bất hợp tác, khó chịu trong mọi hoàn cảnh thì cần phải nghiêm khắc hơn trong lời nói và thái độ của bố mẹ, hoặc cần có một biện pháp dạy dỗ thiết thực hơn.

Bố mẹ nên là tấm gương sáng. Nếu con nhà bạn thường xuyên bừa bãi hay cãi lời người lớn, bạn phải luôn làm điều ngược lại để con noi theo. Trẻ con rất dễ bắt chước, để ý người lớn, và nếu để con bạn thấy bố mẹ cũng hay mắc phải những lỗi sai như chúng thì đây chính là “vũ khí” chống lại bạn đấy. Hãy nhớ luôn xin lỗi con nếu bạn trách mắng sai chúng, nếu không con trẻ sẽ không phục những lời dạy dỗ sau này của bạn đâu. Dạy một đứa trẻ biết vâng lời không phải dễ nhưng cũng không quá khó, quan trọng là bạn cần biết áp dụng đúng hình thức giáo dục. Hãy giúp con trưởng thành một cách khỏe mạnh nhất trong tình yêu và cả sự nghiêm khắc của bố mẹ, các bậc phụ huynh nhé!

Theo Internet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.