Phạt làm bài tập là hủy hoại việc học của trẻ?
Khi “bài tập” biến thành một dụng cụ “tra tấn”, làm sao nó không trở nên đáng sợ trong mắt con trẻ, trẻ còn có thể có thiện cảm với nó nữa không?
Mỗi khi con viết sai, viết xấu hoặc làm bài sai, nhiều bậc phụ huynh thường phạt con bằng cách bắt con chép lại hoặc làm lại 10 lần, 20 lần. Họ đưa ra hình phạt này với mục đích giúp con nhớ thật lâu và lần sau không mắc phải lỗi đó nữa. Thế nhưng, không ít ý kiến cho rằng, hình phạt kiểu này không phát huy tác dụng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập của trẻ.
>> Học sinh 11 tuổi nhảy lầu tự tử vì bài tập về nhà
Phạt làm bài tập là phản tác dụng
Facebook Tủ sách người mẹ tốt cho rằng rất nhiều phụ huynh và giáo viên, một mặt yêu cầu con trẻ phải say mê học tập, một mặt lại lấy “học tập” làm hình phạt cho trẻ. Khi “bài tập” biến thành một công cụ “tra tấn”, làm sao nó không trở nên đáng sợ trong mắt trẻ, trẻ còn có thể hứng thú với việc học nữa không? Bài tập mang tính chất trừng phạt sẽ hủy hoại việc học tập của trẻ.
Cụ thể, bạn này đưa ra dẫn chứng: Một trường tiểu học nọ ở Bắc Kinh yêu cầu trong vở bài tập của học sinh không được phép có một chữ viết sai. Nếu xuất hiện một chữ viết sai, không những chữ này phải viết một trăm lần, mà nội dung của cả trang vở cũng phải viết lại một lần. Cách làm này đã khiến học sinh vô cùng thấp thỏm khi làm bài tập, chỉ sợ viết sai một chữ, chúng đã quên mất việc tại sao phải làm bài tập, chúng chỉ làm bài tập để “không mắc lỗi”. Trẻ vừa mới bước vào con đường học tập nhưng đã bắt đầu mất phương hướng.
Khi đưa quan điểm này thảo luận trên diễn đàn LamChaMe, người viết bài nhận được khá nhiều ý kiến đồng tình:
Nickname Ecoenvir chia sẻ: Ngày trước, khi em học tiếng Anh, thầy cũng bắt làm thế này, ngay cả thầy cũng chỉ nghĩ đơn giản là viết nhiều sẽ nhớ. Thực ra, từ trong một câu, trong một ngữ cảnh lại có nghĩa khác nhau. Dạy như vậy là không đúng rồi.
Bạn Linh XD: Theo kinh nghiệm gia sư của mình, sự trừng phạt có tác dụng rất ít, nó chỉ làm tăng khả năng chống đối, nhất là đối với trẻ. Bằng cách nào đó, hãy động viên, khuyến khích trẻ. Cái này phụ thuộc vào việc bạn hiểu con mình đến đâu.
Anh Tuấn Minh (Hưng Yên) cho biết, mỗi khi con anh làm bài Toán sai do không đọc kỹ đề bài thì anh vừa bắt con sửa lại bài đồng thời phải chép 3 trang dòng chữ: Lần sau phải đọc kỹ đề bài trước khi làm bài. Việc này lặp đi lặp lại trong một thời gian dài và anh nhận thấy con vẫn làm sai bài do chưa hiểu hoặc chưa đọc kỹ đề. Anh tự nhận thấy hình thức phạt này không mang lại hiệu quả.
Vẫn phạt nhưng mức độ và hình thức phù hợp
Theo bạn Đặng Hồng Hạnh: Hình phạt thái quá thì không ổn nhưng nếu không đưa ra hình thức phạt thì các bé lại coi việc học như việc chơi, không tự giác học bài thì phải làm sao?
Bạn Quynhanhbear811 đưa ra lời khuyên: Chỉ nên phạt nhẹ dưới góc độ cấm các con chơi thôi. Ví dụ: "Mẹ không hài lòng khi con làm bài không tốt, mẹ sẽ không cho con tham gia chơi thể thao cuối tuần này." Như vậy, trẻ sẽ suy nghĩ khác so với việc bị phạt quá nặng nề. Con sẽ hiểu bản chất vấn đề để lần sau không vi phạm nữa….chứ con sẽ không đối phó chỉ để mẹ không phạt theo hình thức nặng nề, ức chế.
Tintuconline mời bạn đọc cùng chia sẻ quan điểm và giải pháp về vấn đề này qua địa chỉ email tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment ở cuối bài.