Ngành Y: Ồ ạt đào tạo nhưng không dùng được

Sau sáu năm đào tạo, đa số sinh viên Y chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập.

Sau sáu năm đào tạo, đa số sinh viên Y chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập. Các ý kiến đề nghị Bộ Y tế đóng vai trò cơ quan chủ quản xây dựng chuẩn đầu ra cho tất cả ngành, các trình độ đào tạo ngành y tế.

“Đào tạo nhân lực ngành y bị áp lực phải đủ chỉ tiêu nhưng đào tạo ra mà không nghĩ đến chất lượng, đào tạo ồ ạt nhưng không sử dụng được” - Thực trạng đáng báo động trên được PGS-TS Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nêu ra tại hội thảo “Đổi mới đào tạo nhân lực y tế” tổ chức ngày 13-5 tại Thái Nguyên.

GS-TS Lương Xuân Hiến, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Thái Bình, cho rằng đào tạo nhân lực ngành y đang bộc lộ nhiều bất cập. GS Hiến chỉ rõ: “Điểm tuyển sinh đầu vào ở một số trường quá thấp. Đối với các trường ngoài công lập, tình hình tuyển sinh như vài năm gần đây thì chất lượng đầu vào rất đáng báo động”.

Sinh
viên ĐH Y Dược Thái Nguyên trong một ca thực hành trên mô hình người bệnh. Ảnh:
HH
Sinh viên ĐH Y Dược Thái Nguyên trong một ca thực hành trên mô hình người bệnh. Ảnh: HH

Cũng theo ông Hiến, hiện có quá nhiều cơ sở đào tạo, kể cả các trường đa ngành cùng tham gia đào tạo nhân lực y tế. “Nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Thậm chí nhiều trường không có cơ sở thực hành, giáo viên thì vay mượn. Như vậy thì làm sao đào tạo nhân lực có chất lượng được” - ông Hiến lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên, nhận xét trừ số sinh viên thi tuyển theo “ba chung” đảm bảo chất lượng đầu vào; còn lại sinh viên đào tạo hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, hệ liên thông, diện chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ thì chất lượng đầu vào còn hạn chế.

GS-TS Lương Xuân Hiến cũng cho rằng sau sáu năm đào tạo, đa số sinh viên chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập. Nguyên nhân là việc dạy học không gắn với thực tiễn. “Đa phần các chương trình đào tạo hiện nay là những gì nhà trường đem áp đặt cho người học chứ chưa phải là cái xã hội cần” - ông Hiến nói.

GS-TS Phạm Huy Dũng, Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội), cho rằng nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu là do thiếu cơ sở thực hành lâm sàng, thời gian thực hành ít. “Theo tôi, để nâng cao chất lượng ngành y thì nên nghiên cứu đổi mới thực hành, để sinh viên tiếp cận lâm sàng sớm hơn, có thể từ ngay năm thứ nhất, thứ hai” - ông Dũng nói.

Để nâng cao chất lượng, ông Hiến đề nghị cần phải xây dựng các chương trình giảng dạy có chuẩn đầu ra phù hợp. Chuẩn đầu ra ở đây là phải lấy thực tế khách quan và yêu cầu của xã hội làm căn cứ chứ không phải là chuẩn do nhà trường quy định. “Bộ Y tế nên là cơ quan chủ quản chỉ đạo các trường xây dựng chuẩn đầu ra cho tất cả ngành, các trình độ đào tạo ngành y tế” - ông Hiến đề xuất.

Ngoài ra, Bộ Y tế cần sớm có văn bản về việc kết hợp mô hình viện - trường theo hướng sinh viên được học nhiều ở các bệnh viện.

VỤ “BỆNH NHÂN ĐAU QUẰN QUẠI, KÊU BÁC SĨ KHÔNG ĐẾN”

Tạm đình chỉ chuyên môn bác sĩ trực

Ngày 13-5, Bộ Y tế cho biết đã nhận được báo cáo từ Sở Y tế TP Hà Nội về vụ việc “Bệnh nhân cấp cứu đau quằn quại, bác sĩ kêu cả đêm không đến” tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội, báo Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin).

Theo đó, Sở Y tế TP Hà Nội đã chỉ đạo BV Đa khoa Sơn Tây tạm đình chỉ chuyên môn đối với BS Bùi Minh Chiến, làm rõ những vấn đề trong quá trình theo dõi, điều trị cũng như tinh thần, thái độ phục vụ để xử lý theo quy định (nếu có sai phạm). Ngoài ra, BV rà soát trình độ, chuyên môn của cán bộ y tế và xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn trong toàn BV, tăng cường giám sát việc thực hiện quy chế chuyên môn. Thường xuyên giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh…

Trước đó, bệnh nhân Đỗ Thị Nghĩa (Thạch Thất, Hà Nội) vào cấp cứu tại BV Đa khoa Sơn Tây với chẩn đoán tắc ruột. Theo nhận định của Sở Y tế TP Hà Nội, bệnh nhân vào viện đã được thăm khám, chẩn đoán, tuy nhiên việc tiên lượng chưa sát với diễn biến của bệnh do trình độ chuyên môn của bác sĩ còn hạn chế, vì vậy chỉ định điều trị chưa phù hợp và chậm tổ chức hội chẩn để chuyển tuyến kịp thời.

DUY TÍNH

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có hơn 70 trường tham gia đào tạo ngành y, dược. Ngoài ra, hầu như mỗi địa phương có một trường cao đẳng y tế và hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp. Mỗi năm cả nước đào tạo khoảng 7.000 bác sĩ, tuy nhiên sử dụng được bao nhiêu vẫn chưa có con số chính thức.

Theo Pháp luật TP.HCM


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.