Những câu hỏi cho Ban soạn thảo chương trình phổ thông mới

TS Mai Văn Tỉnh nhận xét rằng Dự thảo Chương trình (CT) Giáo dục phổ thông tổng thể “là một sự tiến bộ, là sự định hướng mới khác với những lần cải cách giáo dục trước” nhưng có điểm yếu...

TS Mai Văn Tỉnh nhận xét rằng Dự thảo Chương trình (CT) Giáo dục phổ thông tổng thể “là một sự tiến bộ, là sự định hướng mới khác với những lần cải cách giáo dục trước” nhưng có điểm yếu là “không thấy có sự gắn kết với các bậc học khác của hệ thống giáo dục quốc dân”.

Ông Tỉnh cho rằng:

- Bản dự thảo CT này là một sự tiến bộ, mà nếu như nhìn khái quát thì đây là sự định hướng mới khác với những lần cải cách giáo dục trước, nhấn mạnh vào vấn đề tiếp cận năng lực học sinh, chứ không tiếp cận nội dung.

Tôi cho rằng thành công của dự thảo là chuyển cách nhìn mới, tiếp cận mới cho cải cách giáo dục phổ thông, có học được một số kinh nghiệm trong và ngoài nước trong vấn đề làm mềm dẻo quá trình học tập… Đã bắt đầu đặt vấn đề đánh giá năng lực học sinh và chương trình.

Tuy nhiên, trong dự thảo diễn đạt khái niệm còn lúng túng.

Chương trình Tổng thể, Bộ GD-ĐT, Mai Văn Tỉnh

Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh, nguyên chuyên viên cao cấp bộ GD-ĐT, có 45 năm làm giáo dục trong đó có 17 năm dạy đại học và sau đó nghiên cứu và quản lý giáo dục cấp Bộ.

Hơn nữa, dự thảo mới gói gọn trong chương trình phổ thông mà chưa thấy rằng đang nằm trong một cơ cấu giáo dục quốc dân. Hay nói cách khác, dù tên dự thảo có chữ “tổng thể”, nhưng không thấy gắn với các bậc học khác của hệ thống giáo dục quốc dân.

Tuy nhiên, cái yếu nhất là chưa tách bạch được giáo dục chính quy và phi chính quy trong hệ thống phổ thông.

Có thể Ban soạn thảo sẽ giải thích ý của họ. Nhưng theo tôi khái niệm tổng thể dùng ở đây không hợp. Nên dùng chữ “khung” – “chương trình khung” – thì hay hơn.

Văn bản này nên gọi là định hướng cho dự thảo CT khung thì đúng hơn là bản dự thảo CT tổng thể.

Điều được nhất của bản dự thảo này, theo ông, là gì? Và ngược lại, điều gì là chưa ổn ở bản dự thảo CT?

- Những điểm được tôi đã nói ở trên. Nhân đây, tôi cũng muốn góp ý một số điểm mà theo tôi là chưa được, với mong muốn bản dự thảo CT tốt hơn lên, có hiệu quả thực sự đối với giáo dục.

Cụ thể, tôi thấy rằng tính khoa học của dự thảo CT không thể hiện rõ vì không có chú thích nguồn tham khảo, nhất là những khái niệm then chốt như “phát triển năng lực và phẩm chất”, “năng lực ứng dụng CNTT”… Không thấy chú thích của tác giả nào? Chuẩn mực nào? Kinh nghiệm hệ thống giáo dục nước nào, khu vực nào? Năm nào, giai đoạn nào?...

Chuẩn (standard) và chuẩn mực (normatives) để đánh giá về chất và lượng kết quả đầu ra của chương trình là cái mà tất cả các nước Anh, Mỹ, Cannada, Úc, Singapore, Hàn quốc… đều chú trọng làm rõ trong xây dựng chương trình giáo dục của họ cũng không thấy có trong Dự thảo CT.

Nhược điểm thứ hai, là CT được viết theo kiểu báo cáo truyền thống dài lê thê, cái cần thì thiếu, cái không cần thì thừa, trùng lặp làm rối mắt người đọc.

Hãy vào xem chương trình GDPT Tiểu bang Quensland (Đông Úc), Tỉnh bang Saskatchuwan (Tây Canađa) chỉ gần 3 trang điện tử với các chú giải thuật ngữ, xuất xứ khái niệm từ các chương trình mới và cũ của các năm, khi cần người đọc chỉ cần nhấp chuột là ra hết một cách hệ thống các thuật ngữ. Cuốn National curriculum (Chương trình quốc gia) của Hàn Quốc dày 130 trang có chương mục rõ ràng, rất dễ xem.

Thứ ba, trong Dự thảo CT không hề nói tới chuẩn đánh giá và tiêu chí lượng giá kết quả đầu ra của từng cấp học.

Chuẩn đánh giá năng lực và kết quả học tập học sinh theo từng năm học là điều mà bất cứ Chương trình GDPT của nước nào cũng đều nhắc tới, kể cả chương trình toàn cầu và Chương trình quốc gia ví dụ như của Anh, Mỹ, Úc và Canada... Ngay ở nước Mỹ, trong thập kỷ 90 của TK 20, để thiết kế CT và chuẩn GDPT mới cho TK 21, Chính phủ liên bang đã mời các nhà khoa học có giải Nobel về Toán, Lý, Hoá… giúp đánh giá xác định lại chuẩn và lượng kiến thức tối thiểu cần cho GDPT.

Các câu hỏi dành cho Ban soạn thảo

Ông có góp ý gì cho Dự thảo CT, và cho Ban soạn thảo CT?

- Tôi chỉ có vài câu hỏi ban đầu cho nhóm tác giả bản Dự thảo CT.

Thứ nhất, tại sao Bộ không công bố danh tính Tổng chủ biên (hay nhóm tác giả) soạn Dự thảo CT này nếu như đã được chuẩn bị từ 2011 đến nay?

Thứ hai, để hội nhập hoá, đề nghị hãy dịch tên của “Dự thảo chương trình GDPT tổng thể” và những từ khoá chính (khái niệm, định nghĩa mới) sang tiếng Anh (hay đã lấy từ tiếng Anh) để công chúng và giới nghiên cứu khoa học giáo dục biết nó được hội nhập ra sao với thế giới quanh ta?

Chương trình Tổng thể, Bộ GD-ĐT, Mai Văn Tỉnh
Ảnh Lê Anh Dũng

Thứ ba, Ban soạn thảo CT của Bộ có tham khảo kết quả công bố mới nhất đánh giá PISA (cho lứa tuổi 15 trở xuống) về các kỹ năng đọc, đếm và khoa học liên quan đến gia đình và kết quá đánh giá PIAAC (cho lứa tuổi 16 - 65) về các kỹ năng đọc, đếm, giải quyết vấn đề trong các môi trường giàu công nghệ liên quan làm việc không? Và nếu có, thì đã xem xét mối liên quan của Giáo dục nhà trường tới cả hai kết quả đánh giá PISA và PIAAC này vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để làm cho NQ số 29 thực sự đi vào cuộc sống?

Thứ tư, Khái niệm “Tổng thể” của Dự thảo CT GDPT này nên hiểu như thế nào cho đúng? Bởi tôi không thấy có mối liên hệ hay các lối rẽ nhánh nào cho học sinh vào các bậc học hay lĩnh vực GD khác như dạy nghề, chuyên nghiệp, cao đẳng/ đại học trong cơ cấu khung chương trình Giáo dục quốc dân. Đặc biệt, không thấy mối liên hệ rõ ràng giữa GD chính quy và GD phi chính quy cho hệ thống GDPT, mặc dù CT có nói nhiều tới trải nghiệm sáng tạo ngoài trường.

Nhận định của ông nếu Dự thảo CT này được thông qua và triển khai?

- Tôi băn khoăn về khẳng định của Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển rằng CT mới này chỉ trong vài năm thực hiện sẽ thành công ở 90% số trường.

Khẳng định này dựa trên cơ sở nào? Liệu Bộ đã lường hết những khó khăn và sự rối loạn ở cơ sở khi thực hiện chưa? Ví dụ: Bộ đã chắc có sẵn phần mềm quản lý môn tự chọn để điều hành hướng dẫn các trường, sở khi mà chỉ công bố kết quả thi PHTH đổi mới vừa qua còn đang lúng túng?

Trong khi hệ thống GDPT của ta chưa áp dụng đào tạo theo hệ thống tín chỉ, học phần thì làm sao các trường thiếu giáo viên dạy môn tự chọn học sinh muốn đăng ký, lại có thể gửi đi các học truờng khác?

Và như vậy về thực chất môn tự chọn sẽ do ai chọn? Học sinh? Giáo viên? hay Nhà trường?

Học trước, Giáo sau

Với dự thảo CT lần này, ngành giáo dục đang tiến thêm một bước trên đường đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đào tạo Việt Nam. Là một người có 45 năm làm trong ngành, ông có chia sẻ gì trong giai đoạn này?

- Gần đây tôi bất chợt nhận thức HỌC (learning) quan trọng hơn GIÁO DỤC (Education) rất nhiều.

Một xã hội có nhiều người đến học ở nhà trường không chắc đã là một xã hội có giáo dục, trong khi đó một xã hội có giáo dục phải là một xã hội học tập. Bởi vì với nền giáo dục sai, nhồi nhét chữ nghĩa, sách vở, hư học chắc chắn không tạo ra những con người học thật sự có ích cho xã hội.

Do đó chúng ta phải chuyển từ tiếp cận giáo dục sang HỌC, từ học sinh/ sinh viên sang người học, từ nghiên cứu sang học, từ tán thành sang HỌC tức là phải có năng lực tự học.

Điều quan trọng nhất là phải thiết kế hệ thống giáo dục chính quy và giáo dục phi chính quy trong tổng thể nền giáo dục quốc dân xuyên suốt các bậc học sao cho có liên thông/ khớp nối tất cả, kể từ GD ban đầu/ tiền học đường cho tới GD bậc cao, đồng thời cần chú ý tất cả các bình diện: chương trình, quản trị, các chuẩn mực, không gian học tập, đào tạo giáo viên, lịch trình học tập...

Phải tư duy lại một cách triệt để GD bằng cách quay ngược lại quy trình:

GD tiền học đường <= GD Tiểu học <= GDTH <= GD bậc ba (CĐ/ ĐH)

Thành:

GD tiền học đường => GD Tiểu học => GDTH => GD bậc ba (CĐ/ ĐH).

Trên toàn cầu và mỗi quốc gia đang cố gắng đổi mới giáo dục, nhưng thiết nghĩ, cái quan trọng nhất là phải nhận thức được mối quan hệ giữa giáo dục chính qui trong nhà trường với giáo dục phi chính quy để tạo ra năng lực học tập suốt đời cho mọi công dân ở mọi lứa tuổi.

Đổi mới triệt để và căn bản giáo dục và đào tạo chính là phải chú ý quay ngược lại hai chữ cái E và L trong từ CÁCH MẠNG bằng tiếng Anh REVOLUATION như sau:

Chương trình Tổng thể, Bộ GD-ĐT, Mai Văn Tỉnh

Với phương châm phải HỌC để biết làm người (LEARNING to be knowing) trước đã rồi mới đi GIÁO (EDUCATION) người khác.

Xin cảm ơn ông.




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.