Nữ sinh tát bạn 52 cái và văn hóa sử dụng Facebook

Hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Gia Lai lo ngại: "Nếu không có Facebook thì các em sẽ không đánh nhau". Song nhiều người nêu, Facebook không có lỗi, lỗi do người sử dụng.

Hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Gia Lai lo ngại: "Nếu không có Facebook thì các em sẽ không đánh nhau". Song nhiều người nêu, Facebook không có lỗi, lỗi do người sử dụng.

Ngày 4/5, clip được ghi lại tại trường THCS 15/10 (Mộc Châu, Sơn La) khiến nhiều người giật mình, choáng váng theo từng cái tát của nữ sinh đánh bạn. Sau 52 cái tát, nạn nhân đứng đối diện chảy máu mũi nhưng nữ sinh này vẫn đánh không hề run tay.

Ông Ngô Ngọc Toàn - Trưởng phòng GD&ĐT Mộc Châu - lo ngại cho biết, nguyên nhân vì mâu thuẫn cá nhân trên Facebook.

Trước đó, Phòng GD&ĐT huyện đã có những hình thức tuyên truyền để học sinh sử dụng mạng xã hội tích cực. Tuy nhiên, do các em có thể tự do ngôn luận nên không thể kiểm soát được các mâu thuẫn cá nhân.

Ngày 5/4, Công an huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận), ban giám hiệu trường THCS Quang Trung cùng phụ huynh tổ chức cuộc họp giải quyết vụ học sinh lớp 7/5 đánh bạn bị chấn thương đầu, phải nhập viện.

Nguyên nhân bởi hai học sinh này đã có nhiều bình luận qua lại trên Facebook. Điều đáng nói, học sinh này còn bị cả những bạn khác hùa vào đánh tập thể.

Nu sinh tat ban 52 cai va van hoa su dung Facebook hinh anh 1

Nữ sinh bị bạn tát 52 cái chảy máu mũi. Ảnh cắt từ clip.

Sai khi xảy ra sự việc, ông Lê Văn Khanh - Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung - đề nghị nhà trường, công an và các phụ huynh nên phối hợp cùng ngăn chặn tình trạng học sinh dùng Facebook lôi kéo, lập băng nhóm đánh nhau giữa các trường.

Trước đó, cuối tháng 2, trên mạng xã hội xuất hiện clip hai nữ sinh đánh nhau trong sự cổ vũ nhiệt tình của các bạn cùng lớp. Nguyên nhân vì nữ sinh bị đánh đã nói xấu… một người bạn khác trên Facebook. Cả hai đều đang học tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị trấn Ia Kha, Ia Grai, Gia Lai).

Ông Phạm Văn Đại - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ, các em có hành động như vậy do nhận thức hạn chế, cảm xúc cá nhân còn bồng bột.

“Nếu không có điện thoại, không có Facebook, các em sẽ không chửi nhau, nói xấu nhau thì chắc không có vụ đánh nhau”, ông Đại nêu.

Chia sẻ của vị hiệu trưởng nói trên đặt ra câu hỏi: Có nên cấm học sinh sử dụng Facebook hay không?

Cấm hay định hướng?

Trong vài năm trở lại đây, số lượng vụ bạo lực học đường vì mâu thuẫn trên mạng ngày càng gia tăng. Facebook cũng là nơi nhiều bạn đồng trang lứa vô cảm quay clip, đăng tải như một "niềm vui".

Độc giả Nam Nguyễn bình luận: “Phải chăng thế giới ảo đang góp phần để cho cái ác phát triển, đạo đức teo lại?”. Độc giả này đề xuất, nên cấm học sinh dưới 18 tuổi sử dụng Facebook.

Lê Trang lại cho rằng: “Cấm học sinh sử dụng Facebook không phải là thượng sách. Nếu càng cấm các em càng tò mò, nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin, học sinh có thể sử dụng Facebook ảo, việc quản lý chặt rất khó khăn”.

Việc cấm sử dụng Facebook hay không cũng là băn khoăn của nhiều lãnh đạo các trường. Từ năm 2013, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh - đã có quy định về những điều cấm kỵ khi sử dụng Facebook.

Quy định nêu: Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt; phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt; tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai; chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung của nó; nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm; cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh; tuyệt đối, không được để bạn bè hiểu nhầm khi đọc status, bởi vậy viết phải rõ ràng.

PGS Văn Như Cương thông tin, trường Lương Thế Vinh đã đuổi học 2 em vì hành vi không đúng mực trên mạng xã hội. Nhà trường cũng từng mời người nhà học sinh lên trường nói chuyện về cách viết trên Facebook không phù hợp, ảnh hưởng môi trường giáo dục.

Tương tự, trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình) không cấm học sinh sử dụng Facebook, nhưng đưa ra lưu ý: “Facebook là nơi thể hiện văn hóa của mỗi cá nhân, bởi vậy nên cân nhắc kỹ trước khi like một comment nào đó, hoặc viết status thể hiện tâm trạng của bản thân. Facebook không phải nhật ký, mọi riêng tư không nên đưa lên Facebook”.

Ngay cả Bộ GD&ĐT cũng phải “đính chính” lại quy chế về việc sinh viên dùng mạng xã hội. Ngày 5/4, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký Thông tư ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy do Bộ GD&ĐT quy định, trong đó quy định cấm sinh viên bình luận, chia sẻ bài viết dung tục trên mạng.

Quy chế này nhận được nhiều tranh luận trên mạng xã hội. Một số bạn đặt câu hỏi thế nào là bình luận dung tục và có thể bị xử lý kỷ luật?

Tuy nhiên, ngày 5/5, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã ký văn bản đính chính. Văn bản nêu: Các hành vi sinh viên không được làm thực hiện theo quy định tại Điều 88 Luật Giáo dục, Điều 61 Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Như vậy, trong quy định mới, Bộ GD&ĐT chỉ quy định khung. Các trường có trách nhiệm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện phù hợp quy chế của Bộ, thực tiễn công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường.

Nên sử dụng Facebook như thế nào?

Nhiều ý kiến cho rằng, Facebook không có lỗi, lỗi do người sử dụng.

Để sử dụng Facebook có văn hóa, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Đại học Sư phạm TP HCM) đưa ra hướng dẫn: Thời gian sử dụng Facebook vừa phải, không để kiểm soát mình; Đừng đăng ảnh nhạy cảm, tung clip đen, phát ngôn những câu nghe không lọt, đăng những bài thóa mạ “búa rìu nhau”; Tận dụng những cái tốt của Facebook như mở rộng mạng lưới bạn bè, theo dõi và quan tâm lẫn nhau, đọc những bài viết hay, tham gia các câu lạc bộ thiện nguyện ý nghĩa…

TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm TP HCM) nêu, gia đình cần đặt ra những nguyên tắc để quy định cho các thành viên: Không đưa những thông tin cá nhân lên Facebook, đặc biệt thông tin về địa chỉ, thân thế, nơi làm việc thực tế ngoài đời.

Không đưa các đánh giá, nhận xét về những vấn đề lên các trang mạng xã hội khi chưa có nghiên cứu nghiêm túc, xác thực.

Không sử dụng ngôn ngữ thiếu lành mạnh khi bình luận hay đăng các bài viết trên mạng xã hội. Không phê phán, chỉ trích, xúc phạm cá nhân và tập thể trên mạng xã hội.

Không chia sẻ ảnh của người thân, đặc biệt ảnh nhạy cảm của trẻ nhỏ. Điều này có thể sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho chính các em bé. Có những quy định rất cụ thể về việc trẻ nhỏ sử dụng mạng xã hội theo độ tuổi, trình độ học vấn và nhận thức của các cháu.

Theo Zing


bạo hành học đường


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.