Phụ huynh loay hoay đón con sớm sau quy định cấm dạy thêm, Bộ GD&ĐT nói gì?

Việc các trường dừng học tăng cường có thu tiền sau khi Thông tư 29 có hiệu lực khiến không ít phụ huynh loay hoay khi phải đón con sớm hơn.

Sau khi Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT có hiệu lực, các trường đồng loạt dừng dạy thêm, dạy tăng cường có thu tiền. Như vậy học sinh sẽ học theo đúng thời lượng của chương trình GDPT 2018 đã được Bộ GD&ĐT quy định. Với học sinh tiểu học dạy 2 buổi/ngày, bố trí mỗi ngày không quá 7 tiết học.

Việc các trường dừng học tăng cường, học sinh tan học sớm hơn khiến không ít phụ huynh loay hoay trong việc sắp xếp thời gian đón con.

Anh Nguyễn Văn Đức, có con đang học lớp 3 tại một trường tiểu học quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, lúc trước nhà trường vẫn tổ chức bồi dưỡng kiến thức thêm cho học sinh vào buổi chiều sau khi kết thúc giờ chính khóa. Nhưng sau khi có Thông tư 29, trường thông báo dừng mọi hoạt động dạy thêm, học sinh sẽ tan học vào khoảng 15h30 phút.

Phụ huynh loay hoay đón con sớm sau quy định cấm dạy thêm, Bộ GD&ĐT nói gì?-1

“Thời gian con tan học hầu hết phụ huynh đều vẫn đang ở công sở làm việc, không thể ngày nào cũng xin về sớm đón con. Đại diện cha mẹ học sinh cũng đã có ý kiến về việc trường tổ chức thêm các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ cho các con như các CLB thể dục thể thao, Tiếng Anh…hoặc bố trí giáo viên hỗ trợ trông các con đến giờ tan tầm giúp phụ huynh, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời từ nhà trường”, anh Đức nói.

Chị Nguyễn Thu Hiền, có con đang học tiểu học tại quận Hà Đông (Hà Nội) cũng không khỏi lo lắng khi nhà trường thông báo dừng các lớp học thêm buổi chiều.

“Gia đình tôi không có người đón con vào thời gian 15h30 phút, nên đã phải thuê riêng người đi đón con vào khoảng thời gian này. Phụ huynh các lớp đã họp bàn, thống nhất và có đơn gửi ban giám hiệu nhà trường, đề nghị trường có phương án hỗ trợ phụ huynh như tổ chức các hoạt động sau giờ học hay chỉ đơn giản là bố trí giáo viên trông học sinh tại trường đến khi phụ huynh có thể đón con vào cuối giờ chiều, song nhà trường vẫn chưa có thông báo chính thức”.

Chị Hiền cho biết, nếu nhà trường tổ chức các CLB về năng khiếu như đàn, hát, thể dục thể thao… kể cả có thu phí, chị vẫn sẵn sàng cho con tham gia vừa để con có thêm kỹ năng mới, vừa phù hợp với thời gian đưa đón của bố mẹ.

Nói về những băn khoăn của phụ huynh trong việc đưa đón con khi thời khóa biểu thay đổi tại Tọa đàm “Thông tư 29: Cơ hội hay thách thức cho giáo dục?” vừa diễn ra, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, trong việc tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường không phải chỉ đưa học sinh vào lớp để dạy, khi triển khai chương trình 2018, Bộ ban hành một công văn 5512, hướng dẫn giáo viên thực hiện đúng vai trò của mình là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học tập của học sinh chứ không phải chỉ dạy.

Thầy cô soạn bài làm sao để giao việc cho học sinh làm bài, sau đó kiểm tra hỗ trợ, cho các em trao đổi với nhau để phát triển các năng lực khác, rồi mới kết luận. Làm như vậy năng tự học của học sinh sẽ được rèn ngay từ trong từng bài học của chương trình và khi hết giờ, học sinh vẫn còn nhiều thứ có thể phải tự làm tiếp.

“Thậm chí có nhiều hoạt động vận dụng kiến thức vào thực tiễn, với câu hỏi mở mà học sinh sẽ phải thực hiện bên ngoài lớp học. Khi đó, trường vẫn còn không gian, tại sao lại đuổi các cháu ra khỏi trường? Trường là của công, có bảo vệ, các cháu được ở lại trường, chẳng phải gửi đơn hay nộp tiền gì cả. Học sinh sẽ làm tiếp với nhau các hoạt động vận dụng cô giao. 

Nhưng vận dụng ở đây không phải là giao cho một tờ phiếu để làm bài tập. Vận dụng là hôm nay học môn hóa chất này, trong bữa cơm nhà con xem có các chất gì. Hay học giãn nở về nhiệt, học sinh xem ở nhà có chỗ nào cần phải chống giãn nở nhiệt không”, ông Thành dẫn chứng.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nhấn mạnh, có nhiều hoạt động khác đều vận dụng kiến thức với nhiều câu hỏi mở, để dành thì giờ cho trẻ con làm và viết ra rồi nộp cho cô. Tất cả những không gian, thời gian ấy trong nhà trường cần phải tặng cho học sinh. Các trường đều có thư viện cần mở tối đa để phục vụ các em đọc sách.

“Một kế hoạch giáo dục nhà trường mà vỏn vẹn chỉ có thời khóa biểu thì có đúng không? Chúng ta cứ tưởng tượng, nếu một ngày có 7- 8 tiết mà trẻ con phải ngồi từng ấy tiết trong lớp, không chính khóa học thêm, các em hoạt động vào lúc nào để đạt được năng lực mong muốn? Chính các nhà trường cần thấy phải có trách nhiệm đối với các học sinh đã tin tưởng đến trường mình”, ông Thành nói.

Theo VOV

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vov.vn/xa-hoi/phu-huynh-loay-hoay-don-con-som-khi-thong-tu-29-co-hieu-luc-bo-gd-dt-noi-gi-post1155802.vov

học thêm

dạy thêm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.