Quản điểm thi bằng cách "nói thầm"

Câu chuyện Bộ GD-ĐT “tự nguyện” ôm gánh nặng công bố điểm thi cho tới phút chót và hầu hết các website tra cứu điểm thi bị tê liệt trong buổi chiều ngày 22/7 phát lộ hai điểm yếu.

Câu chuyện Bộ GD-ĐT “tự nguyện” ôm gánh nặng công bố điểm thi cho tới phút chót, và gần 2 giờ đồng hồ hầu hết các website tra cứu điểm thi bị tê liệt trong buổi chiều ngày 22/7 phát lộ hai điểm yếu của quản lý giáo dục: lạc hậu về công nghệ và đi lùi về quản lý.

Tự phạm quy

Đây là ý kiến của ông Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ. Ông Xê nhấn mạnh: “Việc không cho các trường công bố điểm thi là vi phạm quy chế tuyển sinh do chính Bộ GD-ĐT ban hành”.

Giải thích kỹ hơn, ông Xê cho rằng: Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ không có chỗ nào cấm các trường ĐH công bố điểm. Mọi người được quyền làm những điều luật không cấm. Ai không cho người khác làm điều mà luật không cấm là vi phạm luật.

"Sự vi phạm càng nghiêm trọng hơn khi "sự không cho phép" chỉ được truyền đạt bằng "khẩu dụ" chớ không bằng văn bảng có tính pháp lý. Sự cấm một cách gấp rút đến mức không kịp ban hành văn bản cho thấy tính chủ quan ngày càng tăng trong những ngày gần đến thời hạn công bố điểm” - lời ông Xê.

Bộ GD-ĐT, điểm thi, Nguyễn Minh Thuyết, Trần Xuân Nhĩ
Ảnh Lê Anh Dũng

Lạc hậu về quản lý công nghệ

Trao đổi với báo chí cuối giờ chiều ngày 22/7, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, hệ thống server đặt cơ sở dữ liệu của bộ đáp ứng khoảng 60.000 lượt truy cập vì vậy không thể đáp ứng được lượng truy cập lớn.

Đây quả là con số khiến nhiều người bất ngờ. Bởi vì với số lượng thí sinh lên tới gần một triệu, chưa kể người nhà có nhu cầu xem điểm, không thể hiểu lãnh đạo Bộ nghĩ gì khi dự định một mình “ôm” quả bom điểm thi để tự mình khai nổ?

Vào phút chót, lãnh đạo Bộ đã nhận ra tình huống, như ông Ga giải thích: “Ngày 21/7, sau khi có cơ sở dữ liệu, Bộ đã dự tính với một cơ sở dữ liệu khổng lồ như vậy, nếu chỉ có một đường truyền duy nhất thì sẽ không thể tải nổi cho hàng triệu thí sinh truy cập vào hệ thống”.

Còn theo ông Xê phân tích: “Giải pháp chia lửa mà Bộ áp dụng trong tình huống này là cắt dữ liệu ra thành nhiều vùng địa lý khác nhau và nhờ các trường ĐH ở mỗi vùng cập nhật dữ liệu và vận hành phần mềm hỗ trợ tìm kiếm để giúp thí sinh có thể đọc được điểm của mình.

Trong cách làm này lại xảy ra một sai lầm khác đã tạo ra tình trạng đến giờ G (14 giờ 39 ngày 22/7) chỉ có 2 nơi có thể hoạt đông được - đó là trường ĐH Cần Thơ và ĐH Đà Nẵng. Các nơi khác đều không chịu nổi sức công phá như vũ bão của thí sinh vì sự nôn nóng muốn biết điểm thi."

"Sai lầm lần này là do các chuyên gia CNTT của Bộ quên rằng trên internet khoảng cách và vùng địa lý không còn ý nghĩa nữa. Vì vậy nên họ mới chia dữ liệu theo vùng địa lý. Trong trường hợp này điều cần thiết là server phải đủ mạnh để phục vụ cho nhiều người truy cập cùng lúc. Vì vậy cách chia dữ liệu phải căn cứ vào sức mạnh của server chứ không phải dựa vào vùng địa lý như Bộ đã làm” - ông Xê phân tích thêm.

Sự quản lý… thụt lùi?

Quay trở lại việc công khai điểm thi, thì một trong những điều mà cho tới thời điểm này rất nhiều người thắc mắc và cả ấm ức, đó là Bộ GD-ĐT không công khai dữ liệu điểm thi của các thí sinh. Với cách tra cứu điểm thi như hiện tại, mỗi thí sinh chỉ biết điểm thi của chính mình.

GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: “Một kỳ thi đã được tổ chức thì kết quả phải được công khai là chuyện đương nhiên. Thí sinh cần được biết phổ điểm chung như thế nào, ít nhất là biết điểm của những người khác để có sự so sánh, chọn trường”.

“Kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ không cho các cụm thi công bố điểm thi đã là một chuyện lạ. Không công khai điểm của toàn bộ thí sinh lại càng lạ hơn” – ông Thuyết bình luận. Đối với tất cả các kỳ thi, công khai và công bằng là yêu cầu số một. Công bố kết quả bằng cách nói thầm vào tai từng thí sinh chắc chắn không nhận được sự đồng tình của xã hội.

Nhớ lại, lần đổi mới thi cử trước đây, trong năm đầu tiên thực hiện “3 chung”, sau khi có kết quả thi tất cả các trường tập trung tại hội trường của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để tập hợp dữ liệu điểm thi về Bộ. Nhưng đồng thời, phóng viên báo chí cũng được tiếp cận và “xin” dữ liệu của các trường để cung cấp cho độc giả. Việc tiếp cận với dữ liệu điểm thi của các trường kể từ đó tới năm 2014 cũng không là chuyện khó khăn, không một trường nào bị “cấm” công khai điểm thi.

Thậm chí, qua các nhiệm kỳ lãnh đạo Bộ trước đây còn khuyến khích và coi việc công khai điểm thi cũng là một trong những giải pháp để chống tiêu cực thi cử.

Nói về chuyện công khai để chống tiêu cực thi cử, thì ngay như việc dán công khai điểm thi trong trường như hàng chục năm trước đây, để thí sinh xem cũng là một cách để các em “kiểm soát”, như “tại sao bạn này ngồi cạnh mình, không làm được bài mà điểm cao thế?”...

Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ: “Tôi không đánh giá về mặt tư duy của lãnh đạo Bộ hiện tại, nhưng trước đây minh bạch, bây giờ lại làm chặt chẽ thì Bộ chỉ tự làm mình vất vả thôi”.

“Điểm cao hay thấp đều là việc đã rồi. Em nào điểm cao phấn khởi, điểm thấp phải xem lại bản thân, cố gắng phấn đấu. Bây giờ, việc minh bạch là điều rất cần thiết. Không phải chỉ có Bộ mà xã hội cùng nhìn vào phổ điểm để đánh giá việc ra đề dễ - khó, mức độ phân hóa…

Ví dụ, xem có phải ra đề dễ quá nên nhiều thí sinh được điểm cao, hoặc nhiều em điểm liệt là do đề khó quá hay các em không thích học. Lãnh đạo Bộ phải biết để còn điều chỉnh cách ra đề và cách dạy, cách học. Xã hội biết để góp ý kiến phát huy hay khắc phục.

Bộ cần công bố ra một cách rõ ràng, minh bạch, để thí sinh và cả xã hội nhìn vào mà so sánh, đối chiếu, nhận xét, chứ không phải chỉ phán đoán như bây giờ” – ông Nhĩ đề nghị.

Ngân Anh/VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.