Thần đồng và cái giá cho thành công sớm

Thần đồng gắn liền danh tiếng nhưng cũng đối mặt những vấn đề tâm lý, mối quan hệ xã hội và áp lực phải thành công. Có người thậm chí tự tử vì không tìm được lối thoát.

Thần đồng gắn liền danh tiếng nhưng cũng đối mặt những vấn đề tâm lý, mối quan hệ xã hội và áp lực phải thành công. Có người thậm chí tự tử vì không tìm được lối thoát.
Các thần đồng dành phần lớn thời gian để học tập do áp lực từ gia đình. Ảnh: Bigthink.
Các thần đồng dành phần lớn thời gian để học tập do áp lực từ gia đình. Ảnh: Bigthink.

Alissa Quart biết đọc khi mới 3 tuổi. Năm Alissa lên 5, bố cô bắt đầu giảng cho con gái nghe về nghệ thuật hiện đại. Hai năm sau đó, nữ thần đồng người Mỹ xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay. Lên 10 tuổi, cô có thể giảng giải cho bạn bè về mọi chủ đề, từ điện ảnh đến chiêm tinh học.

13 tuổi, khi còn là nữ sinh năm nhất trung học, Alissa bắt đầu giúp bố biên tập các tác phẩm của ông. Bốn năm sau, cô đã giành hàng chục giải thưởng trong lĩnh vực sáng tác, TIME cho hay.

Thành công đến sớm là mong ước của nhiều người, nhưng họ cũng phải trả giá rất nhiều. Alissa Quart khái quát những khó khăn mà cô cũng như phần lớn người có IQ cao khác trải qua trong thời thơ ấu trong cuốn Những đứa trẻ nhà kính: Tình thế lưỡng nan của thần đồng. Áp lực phải thành công là nỗi ám ảnh của cô.

"Bố dạy em rất nhiều. Nếu em ngoan ngoãn ngồi im, chỉ đọc sách, làm thơ, mọi chuyện sẽ ổn. Ông luôn muốn con gái xuất sắc hơn. Em buộc phải tiếp nhận những bộ phim kinh điển, những cuốn tiểu thuyết khó hiểu, vượt quá tầm nhận thức của một đứa bé. Kế hoạch của bố thành công ở mức độ nào đó nhưng nó biến con thành đứa trẻ nhà kính", Alissa nói.

Với tham vọng của bố mẹ, con cái có IQ cao nhiều khi là nỗi bất hạnh. Khi biết con thông minh hơn các bạn cùng tuổi, họ không tiếc đầu tư công sức, tiền bạc để mong sớm thành công. Họ thường xuyên tạo áp lực, không cho phép con thất bại.

Cuộc đời của Brandenn Bremmer, một thiếu niên có IQ trên 160, là câu chuyện đáng buồn. Cậu nổi tiếng toàn nước Mỹ khi trúng tuyển đại học năm 10 tuổi.

Trong một buổi phỏng vấn, cậu nói: "Xã hội Mỹ đòi hỏi sự hoàn hảo". Tháng 3/2015, cậu bé thiên tài ấy tự sát khi mới 14 tuổi.

Thần đồng và cái giá cho thành công sớm

Thần đồng Brandenn Bremmertừng nói: "Tôi thà chết một cách ý nghĩa còn hơn sống vô ích". Ảnh: Wordpress.com.

Alissa Quartthừa nhận, IQ cao là một khởi đầu tốt đẹp. Tuy nhiên, phần lớn thần đồng gặp trở ngại khi trưởng thành.

Họ thông minh, hiểu biết nhiều lĩnh vực. Hầu hết thần đồng đều học nhảy lớp, trải qua tuổi thơ với sách vở, thí nghiệm. Họ dành phần lớn thời gian để học tập, nghiên cứu nhằm tận dụng tối đa khả năng thiên bẩm. Vì thế, những thiên tài nhí thường không có môi trường thuận lợi và đủ thời gian để kết bạn.

Cái danh thần đồng cũng mang lại không ít rắc rối trong quá trình hòa nhập. Trên thực tế, các thiên tài gặp nhiều vấn đề xã hội hơn người bình thường.

"Mọi người, cả người lớn lẫn trẻ con, đối xử với cháu hơi thô lỗ. Họ thường xuyên đưa ra các câu hỏi và vấn đề để kiểm tra xem cháu có thật sự thông minh không", Tanishq Abraham, thần đồng nhận bằng cử nhân khi mới 11 tuổi, cho biết.

Đương nhiên, vấn đề nhiều khi xuất phát từ bản thân các thiên tài. Họ thông minh, được ca ngợi, hưởng vinh quang quá sớm. Một số người hình thành tâm lý tự mãn hoặc đòi hỏi quá cao từ những người xung quanh khiến họ khó tìm bạn.

Với sự chênh lệch trí tuệ quá lớn, thần đồng khó có được tiếng nói, mối quan tâm, sở thích chung với bạn cùng tuổi. Họ thích dành thời gian để tìm hiểu Toán học, Vật lý hơn là tham gia hoạt động ngoại khóa hay chơi thể thao cùng bạn bè. Những người có cùng trình độ hiểu biết lại trưởng thành hơn về tâm lý nên ở mọi môi trường, thần đồng hiếm khi được tiếp nhận và đối xử như những người bạn.

Chỉ số thông minh cao, các em bị ép trưởng thành sớm, tiếp cận những vấn đề vượt qua độ tuổi. Điều này dẫn đến việc thiếu hụt các kỹ năng mềm. Đây cũng là lý do khiến họ khó thành công trong sự nghiệp hay trải qua cuộc sống thuận lợi.

Trên thực tế, nhiều thần đồng không thành công khi trưởng thành. Họ thậm chí không xác định được hướng đi cho bản thân hay có một công việc ổn định.

Ellen Winner, giáo sư Tâm lý học tại Đại học Boston, Mỹ, cho rằng, không phải mọi thần đồng đều trở thành thiên tài. IQ cao giúp các em tiếp nhận kiến thức do người đi trước để lại nhanh và dễ dàng hơn, nhưng không đồng nghĩa việc họ có đủ khả năng để sáng tạo, phát hiện cái mới.

Trong khi đó, danh tiếng cùng áp lực từ gia đình tạo ra cái bóng quá lớn. Một số người bị ám ảnh bởi thành công trong quá khứ và nguy cơ thất bại trong tương lai. Cùng với tâm lý chưa phát triển đầy đủ và thiếu các mối quan hệ cần thiết, không ít thần đồng lựa chọn cách sống buông thả hoặc tự chấm dứt cuộc đời.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.