Thầy cô “xả” áp lực xuống học trò: Vì đâu đến nỗi?

Bên cạnh những giáo viên quan niệm dùng đòn roi trò mới nghe lời thì không ít người thầy cư xử thiếu thân thiện với học trò một cách bị động khi mà bản thân họ gánh quá nhiều áp lực.

Bên cạnh những giáo viên quan niệm dùng đòn roi trò mới nghe lời thì không ít người thầy cư xử thiếu thân thiện với học trò một cách bị động khi mà bản thân họ gánh quá nhiều áp lực.

Nặng nề nghề giáo

Liệt kê sơ sơ đã có thể lôi hàng tá các áp lực trong việc thầy cô phải đối diện. Công việc chuyên môn thì gò bó, nặng hồ sơ sổ sách, giờ làm việc quá tải, phải chạy theo chỉ tiêu, thành tích, thi đua với đủ áp lực từ phía trên; sĩ số lớp đông, tâm lý học sinh (HS) ngày càng phức tạp; đòi hỏi từ xã hội, phụ huynh ngày càng cao và cả vô lý, môi trường làm việc ngột ngạt. 

“Một chiếc xe chỉ chở được 2 người thôi thì thầy cô chúng ta phải chở đến 4, 5 người. Vậy không gây tai nạn thì cũng… rớt dọc đường hoặc đến được đích thì chất lượng cũng ẽo ọt”, ông Lê Ngọc Điệp, một lãnh đạo nhiều năm công tác ở Sở GD-ĐT TPHCM ví von về áp lực chung dễ thấy nhất mà hàng triệu nhà giáo đang gồng gánh. 

Nhà giáo gồng gánh rất nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống (Ảnh minh họa)
Nhà giáo gồng gánh rất nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống (Ảnh minh họa).

Tiếp xúc với nhiều giáo viên (GV) trong quá trình nghiên cứu của mình, TS Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED) đã phải thốt lên hai từ “tội nghiệp” với đội ngũ. Nhiều GV đã nói với ông rằng chỉ muốn bỏ nghề vì áp lực, căng thẳng và bèo bọt quá.

Chưa bàn đến chuyện thu nhập mà nặng nề nhất là họ không có tự do, tự chủ trong chính công việc, chuyên môn của mình. Họ lao động dưới đủ “gọng” thanh tra kiểm tra từ Sở, Phòng, hiệu trưởng, tổ chuyên môn, bộ môn… Thậm chí đến từng lời nói, cử chỉ cũng bị điều chỉnh, bắt bẻ thông qua những giờ thao giảng.

Môi trường làm việc như vậy, GV cũng rất dễ bị chèn ép, làm khó. Một GV ở Q.4, TPHCM tâm sự: “Có những GV làm trái ý cấp trên, hiệu trưởng bị trù dập, chèn ép. Không chờ bị đuổi việc, nhiều người đã phải tự động xin nghỉ việc chứ sống sao nổi”.

Nói về áp lực của nghề giáo hiện nay đừng nói đến một vài trang giấy mà cả một công trình nghiên cứu đồ sộ cũng khó kể hết. Từ những áp lực tính có hệ thống cho đến những việc nhỏ nhặt hàng ngày thầy cô phải đối diện, chỉ người trong nghề mới thấm hết được.

Cuộc sống eo hẹp

Lương chưa hẳn là yếu tố quyết định tâm huyết của người thầy bởi khi lựa chọn công việc này, họ đã biết trước thu nhập của nghề. Nhưng khi đối diện với thực tế cuộc sống vất vả, eo hẹp sẽ dồn thêm áp lực cho họ. Và phải thừa nhận, một khi mức lương nhà giáo chưa thay đổi thì những mong muốn đổi mới trong giáo dục đều sẽ gặp rào cản.

Ông Hồ Thiệu Hùng, nguyên GĐ Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ khó khăn đến bế tắc của nhiều nhà giáo, khi họ muốn sống bằng chuyên môn của mình thì bị xem là hành vi tiêu cực, bị làm khó đủ điều. Ông gặp không ít GV vì mưu sinh vừa đi dạy vừa ra chợ bán hành tỏi, đi phục vụ ở nhà hàng hay chạy xe ôm…

Sự thân thiện của người thầy chính là niềm vui của học trò
Sự thân thiện của người thầy chính là niềm vui của học trò.

Người thầy phải bươn chải với cuộc sống hiển nhiên chuyên môn của họ bị ảnh hưởng và lòng tự hào, yêu nghề ít nhiều sẽ bị giảm sút. Nhiều áp lực cộng hưởng, nhiều người thầy trở nên bức bối, cay nghiệt với chính nghề nghiệp, với học trò của mình. Thiếu những cách giải quyết tích cực, một số GV đã “trút giận” xuống đầu HS, biến các em thành nạn nhân của mọi áp lực. 

GV của chúng ta đã quá khổ, tuyệt đối không nên gây thêm áp lực cho họ. Hơn ai hết họ cần sự đồng cảm đi cùng việc tháo gỡ dần những khó khăn.

Nhưng chắc chắn đồng cảm không có nghĩa là đồng thuận, chấp nhận với những hành vi làm tổn thương, xúc phạm học trò. Nếu cứ vì nhiều áp lực rồi “xả” lên trò liệu có công bằng, thoả đáng với HS? Điều này cũng không đem lại kết quả hay thay đổi gì tốt đẹp mà mọi việc chỉ càng thêm tệ hại đi.

Một thầy tâm huyết khi cư xử chưa hay với học trò không chỉ làm tổn thương các em, biến trò thành nạn nhân mà chính họ đang làm tổn thương chính mình, chính nghề nghiệp mà mình lựa chọn. Người đứng trên bục giảng không chỉ là người thầy mà hơn hết họ là những nhà giáo dục.
 
Theo Hoài Nam/Dân trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.