Choáng trước “rừng” câu hỏi
Với
cấu trúc đề thi minh hoạ do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) giới thiệu,
ý kiến các thầy cô cho rằng để đạt được điểm trung bình, đỗ tốt nghiệp
thì không quá khó với học sinh (HS). Nhưng với những thí sinh muốn có
điểm tốt để xét tuyển vào đại học (ĐH), nhất là muốn đăng ký vào các
trường tốp cao thì không dễ dàng, vì có khoảng 20-25% số câu hỏi rất
khó.
Nhận
xét về đề thi môn văn, ông Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng Trường THPT
Wellspring, Hà Nội cho rằng, nếu đối chiếu với đề thi tốt nghiệp THPT
năm trước thì khó hơn khá nhiều, còn so với đề thi ĐH, cao đẳng (CĐ) thì
lại có phần nhẹ hơn. Đề thi chú trọng nhiều kỹ năng, quan tâm cả kiến
thức “ngữ” lẫn “văn” và hiểu biết xã hội, thời sự. Yêu cầu của đề thi đề
cao khả năng tư duy, phân tích nên nếu HS chỉ học tủ theo tác phẩm, văn
mẫu sẽ không làm được bài.
“Với cách ra đề như vậy, HS buộc phải chịu khó đọc nhiều văn bản ngoài sách giáo khoa, học đào sâu suy nghĩ để hiểu về văn bản đó. Đây chính là vấn đề còn yếu của các em hiện nay” - ông Đại nói.
Nhiều
học sinh Ban A của các trường Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn (Hà Nội) đều
nhận xét “đề toán, lý khó”. Các em cho rằng, đề toán minh họa có những
câu hỏi khó và ra phần kiến thức không có trong đề thi các năm trước nên
thầy cô thường không cho ôn kỹ, học sinh dễ bỏ qua không ôn tập.
Đặc
biệt, nhiều thí sinh băn khoăn khi những câu hỏi khó không rơi vào phần
kiến thức lớp 12 mà lại rơi vào kiến thức lớp 10, 11? Điều này gây bất
lợi cho thí sinh vì không phải bạn nào cũng ôn cả chương trình lớp 10,
11. “Thường thì học sinh lớp 12 tụi em sẽ nhớ kiến thức lớp 12, còn lớp
10, 11 thì chỗ nhớ, chỗ quên”- các em chia sẻ.
Nguyễn
Thùy Trang, lớp 12 một trường THPT ở Hà Nội cũng cho rằng, đề thi minh
họa nên chia thành 2 phần A và B. Phần A mức độ giống các đề THPT năm
trước, phần B từ khó đến rất khó để tuyển sinh ĐH. Học sinh trung bình
sẽ cố gắng hoàn thành phần A mà không bị tâm lý hoang mang, choáng ngợp
trước “rừng” câu hỏi của đề thi như hiện nay; đồng thời nên tăng thời
lượng làm bài vì đây là đề thi “hai trong một”.
Chỉ mong… đỗ tốt nghiệp
Thầy
Trần Văn Chí, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Nam (huyện Sơn Dương, Tuyên
Quang) cho rằng, với học sinh khu vực miền núi thì bộ đề minh họa này là
quá khó. Các em chỉ có thể làm được 30%. Đặc biệt với đề thi môn Tiếng
Anh, mức độ khó tương đương với đề thi tuyển sinh ĐH năm trước. Thậm
chí, có nhiều kiến thức xa lạ đối với các em và không có trong sách giáo
khoa.
Hiện
trường khảo sát chỉ có 89/436 em đăng ký thi ĐH. Ông Đặng Đình Đại cũng
cho rằng, tâm lý chung của các trường THPT là chăm chút lo HS tốt
nghiệp THPT, do vậy khi đọc đề minh họa, nhiều giáo viên lo rằng để đạt
yêu cầu tốt nghiệp cũng không hề đơn giản.
Em
T.H, học sinh lớp 12 THPT Thanh Miện 2, Hải Dương (thi khối A) cho
biết: “Em đã làm thử Bộ đề thi minh họa nhưng cũng chỉ được 30% vì quá
khó. Do dự định thi khối A nên thế mạnh của em là các môn Toán, Lý, Hóa.
Giờ làm đề thi môn Văn, Ngoại ngữ thấy khó mà đạt được điểm trung bình.
Em không biết mình có đậu tốt nghiệp nổi không nữa chứ nói gì đến đỗ
ĐH?”.
Em
cho biết, nhiều bạn cảm thấy hoang mang và không tự tin với kỳ thi này.
Lớp của em đầu năm có khoảng 30 bạn dự kiến thi ĐH nhưng đến giờ chỉ có
2,3 bạn dám đăng ký thi ĐH ở cụm thi liên tỉnh, kể cả các bạn học giỏi.
Làm như vậy là các em chấp nhận mất một năm ôn tập để năm sau mới thi
ĐH vì theo quy định mới thì năm sau chỉ cần thi thêm 1 môn nữa là được
xét tuyển ĐH (kết quả môn thi tốt nghiệp được phép bảo lưu).
Chị
Duyên, phụ huynh một HS lớp 12 ở Hải Dương dù có con học giỏi nhưng
cũng không khỏi hoang mang khi cho biết: “Con tôi học khá giỏi, nhưng
ngay cả giáo viên cũng khuyên các cháu chỉ nên đăng ký thi tốt nghiệp ở
địa phương, bởi vì nếu cứ cố đăng ký thi ĐH ở cụm thi liên tỉnh thì sợ
tiêu cực hoặc đề khó, coi thi sẽ trượt cả tốt nghiệp lẫn ĐH”.
Trường
hợp của phụ huynh nói trên không phải cá biệt, vì thực tế đã có tình
trạng giáo viên tư vấn cho HS của mình “né” cụm thi liên tỉnh mà chỉ thi
tốt nghiệp ở địa phương để khả năng đỗ tốt nghiệp của các em cao hơn và
tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường cũng sẽ không bị ảnh hưởng. Một giáo
viên địa phương lý giải, dù các em có học khá, giỏi khi đăng ký thi ĐH ở
cụm thi liên tỉnh thì cũng chưa chắc đã đỗ, mà đi lại cũng sẽ vất vả,
vì thế các em nên chỉ đăng ký thi tốt nghiệp ở địa phương.
Hơn
nữa, với 150 trường ĐH, CĐ đồng ý tiếp nhận kết quả của thí sinh thi ở
cụm thi địa phương với mục đích tốt nghiệp thì cơ hội vào ĐH cũng cao
hơn. Với cách thức này an toàn hơn cho các em, tuy nhiên, những em học
giỏi chọn cách này có thể sẽ thiệt, giáo viên này chia sẻ.
* “Qua khảo sát, có một số trường ở Hà Nội 100% học sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp. Do tâm lý cho rằng thi tại cụm thi địa phương do Sở GD-ĐT chủ trì sẽ dễ dàng hơn so với các cụm thi do trường ĐH chủ trì. Vì thế, để tạo tâm lý ổn định và tự tin cho thí sinh khi đăng ký ở cụm do các trường ĐH chủ trì, thầy cô cần tuyên truyền cho các em hiểu rõ dù thi tại đâu cũng cùng một đề và cách thức tổ chức hoàn toàn giống nhau. Bên cạnh đó, các trường ĐH cũng sẽ cử người về giám sát tại cụm thi do Sở chủ trì” - ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội. * “Chúng tôi mong muốn đề thi của Bộ ra sẽ phù hợp với vùng miền hơn để đảm bảo công bằng cho thí sinh vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt là, trong đề thi thì tỷ lệ câu để đạt tốt nghiệp phải nhiều hơn số câu tuyển ĐH, chứ như hiện nay đề minh họa có nhiều câu khó hơn” - thầy Trần Văn Chí, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Nam (Tuyên Quang). |
Theo Uyên Na/PLO