Thí sinh thi đại học trong hơn... 20 ngày

Bộ GD&ĐT chưa lường hết khó khăn, các trường xử lý điểm chưa khoa học, học sinh mù mờ thông tin... dẫn đến việc xét tuyển gặp nhiều rắc rối, đặc biệt khâu nộp - rút hồ sơ.

Bộ GD&ĐT chưa lường hết khó khăn, các trường xử lý điểm chưa khoa học, học sinh mù mờ thông tin... dẫn đến việc xét tuyển gặp nhiều rắc rối, đặc biệt khâu nộp - rút hồ sơ.

Xét tuyển "căng" hơn thi đại học

“Năm nay học sinh có hơn 20 ngày thi đại học” là nhận định vui của nhiều chuyên gia giáo dục. Kết thúc 5 ngày thi căng thẳng, đến 1/8, ngay trong buổi sáng đầu tiên nhận hồ sơ, nhiều thí sinh và phụ huynh đã kéo đến các trường, bắt đầu "cuộc chiến tuyển sinh" mệt mỏi. Cho đến ngày 18/8, việc nộp - rút hồ sơ "nóng" hơn bao giờ hết.

Ngày 17/8, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, có thí sinh từ Nghệ An ra Hà Nội rút hồ sơ, sau đó lại bắt xe đi nộp hồ sơ vào một trường khác ở Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh cùng con trai Nguyễn Trung Sơn bắt xe ở Hà Giang về Hà Nội từ đêm hôm trước. Đến Hà Nội lúc 5h sáng 17/8, hai cha con phải thuê phòng trọ để nghỉ trước khi đến Đại học Bách khoa Hà Nội làm thủ tục rút hồ sơ. Ngay chiều muộn hôm đó, bố con ông lại về Hà Giang.

Nhiều thí sinh, phụ mỗi ngày lên mạng hơn chục lần để xem khả năng trúng tuyển của mình. Sốt ruột quá, họ bắt xe về Hà Nội “ăn trực nằm chờ” để theo dõi, nộp hay rút hồ sơ. Vì vậy, những ngày giữa tháng 8 - thời gian đáng ra phụ huynh, học sinh được nghỉ ngơi sau một kỳ thi vất vả - những ông bố, bà mẹ lại tay xách, nách mang cùng con "lai kinh" thuê trọ để nộp nguyện vọng. Tại phía Bắc, nắng nóng trong đợt xét tuyển này không thua kém đợt thi đại học hồi tháng 7. Áp lực đương nhiên cũng không hề giảm.

Không chỉ người ở cuối bảng, kẻ nằm trong danh sách trúng tuyển tạm thời cũng lo lắng rút hồ sơ. Bởi thí sinh không chỉ có đối thủ trên danh sách điểm từ cao xuống thấp, mà tình trạng nguyện vọng “ảo” khiến nhiều em lo lắng.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào 4 ngành của một trường, theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Nhiều trường cung cấp danh sách thí sinh đạt điểm từ cao xuống thấp, nhưng các em không thể kiểm soát được ngoài danh sách này ra, còn có những bạn khác cao điểm hơn đăng ký nguyện vọng 2 vào ngành này. Các sĩ tử không biết mình sẽ “chọi" với ai.

Thí sinh và phụ huynh chờ đợi rút hồ sơ cho con ngày 17/8. Ảnh: Phan Anh.
Thí sinh và phụ huynh chờ đợi rút hồ sơ cho con ngày 17/8. Ảnh: Phan Anh.

Như vậy, theo tiêu chí ban đầu, kỳ thi THPT quốc gia góp phần giảm áp lực thi cử và giảm tốn kém cho thí sinh không thật sự hiệu quả. 20 ngày xét tuyển được đánh giá là thời gian khá dài, thêm sự lo lắng cho các em.

Một độc giả chia sẻ: “Thi đại học đã trở thành cuộc chơi chứng khoán quay vòng chỉ nộp và rút. Cháu cả ngày ôm máy tính, sẵn sàng mọi điều kiện để bất cứ lúc nào cũng có thể lên thủ đô. Bố mẹ cháu không biết dùng mạng nhưng cứ mỗi lần nghe được tin gì trên truyền hình liên quan kỳ thi cũng lo lắng đến mất ngủ. Cháu thương bố mẹ cháu lắm”.

Chuyên gia nói gì?

TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM nhận định, “nút thắt” nằm ở Cục khảo thí. Theo phân tích của ông Nghĩa, việc rút hồ sơ của thí sinh phải đi kèm (ngay lập tức) việc trả dữ liệu của sĩ tử về kho dữ liệu chung của Cục Khảo thí để các em có thể tham gia xét tuyển ở ngành mới, trường mới. Vì vậy đã xuất hiện những trường hợp thí sinh rút hồ sơ ở trường này, nhưng chưa thể xuất hiện trong danh sách đăng ký xét tuyển ở trường khác.

Ông Nghĩa chỉ ra, Bộ GD&ĐT đã can thiệp quá sâu vào thẩm quyền tự chủ tuyển sinh của các trường thông qua những quy định cứng nhắc về xét tuyển.Còn PGS Văn Như Cương nhận xét thẳng thắn: Đề án thi THPT quốc gia thất bại ngay khi bắt đầu. Việc xét tuyển như một ván bài. Các thí sinh đang phải chạy đua nhưng không biết hướng đi. Những thông tin Bộ GD&ĐT liên tục cung cấp như phổ điểm chung của từng khối, được nộp nhiều nguyện vọng, công bố điểm đăng ký hồ sơ xét tuyển, được phép rút hồ sơ trước 20 ngày... thực chất không có tác dụng.

Bộ GD&ĐT không lường trước tác hại quá lớn của các nguyện vọng ảo ảnh hưởng tâm lý của thí sinh.

Còn PGS.TS Đỗ Văn Xê - Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ - cho rằng,Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được chọn 4 ngành là tin vào khả năng lọc ảo của phần mềm sử dụng giải thuật đoạt giải Nobel. Bộ không ngờ rằng, việc cho phép thí sinh được chọn 4 ngành đã gây tác hại ngay từ khi nộp hồ sơ, chứ không chỉ tạo nên thí sinh trúng tuyển ảo khi hết hạn nộp hồ sơ và tiến hành xét tuyển.

Theo ông Xê, càng ngày số lượng thí sinh điểm cao nộp đơn càng nhiều hơn nên sự rối loạn tăng lên.

Bộ GD&ĐT liên tục điều chỉnh

Trước sự phản ứng của của dư luận, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã gửi công văn hướng dẫn nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho thí sinh thay đổi nguyện vọng, đăng ký xét tuyển tại trường THPT hoặc sở GD&ĐT. Tuy nhiên, công văn này không “mua” được sự yên tâm cho học sinh, rất nhiều em vẫn đến trường đại học để nộp và rút hồ sơ cho chắc chắn.

Tối 16/8, nắm bắt tình hình lượng thí sinh nộp - rút hồ sơ có thể tăng đột biến trong những ngày cuối, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ký công điện gửi các trường đại học, cao đẳng về việc rút hồ sơ của thí sinh sao cho thuận lợi trong giai đoạn “nước rút”.

Bộ GD&ĐT đang nỗ lực cho việc nộp - rút hồ sơ thuận lợi cho đến ngày 20/8, đợt tuyển sinh mà nhiều người lo lắng sẽ “vỡ trận”.

Chính Bộ trưởng cũng khẳng định, trong kỳ thi năm nay, học sinh, phụ huynh, Bộ GD&ĐT và cả hệ thống giáo dục nước nhà có vất vả hơn. Tuy nhiên, sự vất vả, lo lắng trong khâu xét tuyển là điều chính đáng để các em có quyền làm chủ bản thân và trưởng thành hơn.

Liệu điều này có mâu thuẫn với việc chúng ta luôn hướng đến một nền giáo dục không áp lực thi cử, chú trọng trải nghiệm thực tế? Bởi phần lớn số thời gian của mùa hè - mùa tuyển sinh năm nay - thí sinh, phụ huynh bị đè nặng trong áp lực.

Theo Zing




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.