Đỗ Duy Hiếu (sinh năm 1987) được biết đến với câu chuyện đời như cổ tích. Anh vươn lên từ đôi nạng gỗ, trở thành thủ khoa đầu ra Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2013.
Duy Hiếu từng được vinh danh gương mặt trẻ tiêu biểu Đại học Quốc gia 2013, Giải nhất tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2013. Hiện anh làm việc tại Viện Toán học.
Ngày 23/4, chàng trai này viết tâm thư với những ý kiến, đề xuất thẳng thắn gửi Bộ trưởng GD&ĐT về hàng loạt thay đổi trong thời gian qua. Chia sẻ của anh trên Facebook cá nhân hút hơn 1.000 lượt like (thích) và hàng trăm bình luận.
Không thể chịu nổi
Mở đầu thư, Duy Hiếu đặt câu hỏi: “Đến hôm nay, cháu cũng như rất nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh hầu như không thể chịu nổi vì có quá nhiều cải cách. Thay đổi liệu có cần thiết hay không? Liệu có giúp cho giáo dục nước nhà tốt lên hay không?”.
Anh cho rằng, thông tin từ năm 2018 sẽ áp dụng chương trình - sách giáo khoa mới như giọt nước tràn ly. Điều đó khiến anh có động lực viết thư vì không thể làm ngơ trước tình trạng thường xuyên đổi mới như hiện nay.
Duy Hiếu tâm sự: “Đã gần 9 năm cuộc đời xô đẩy cháu trở thành giáo viên luyện thi đại học. Năm nào, cháu, phụ huynh và học sinh cũng luôn thấp thỏm lo âu vì có quá nhiều thay đổi. Năm nay sẽ tuyển sinh như thế nào? Liệu có thi đại học nữa không?”.
Đỗ Duy Hiếu được Bộ trưởng GD&ĐT tặng hoa khen ngợi. |
Cụ thể, chàng thủ khoa đã chỉ ra hàng loạt những thay đổi về hình thức thi trong hơn 10 năm qua.
“Năm 2001 trở về trước, mỗi trường có phương án tuyển riêng. Năm 2002, phương án tuyển chung. Năm 2013 lại phương án tuyển riêng. Sự thay đổi là vòng luẩn quẩn khi sau đó lại về vạch xuất phát. Vậy thay đổi để làm gì?"
"Năm 2006 trở về trước thi tự luận. Năm 2007 thi trắc nghiệm. Cháu đã xây dựng nhiều công thức giải nhanh Vật lý, Hóa học để đối phó cách thi mới đến nỗi nhiều học sinh không hiểu gì, học như vẹt vẫn thi được 7 điểm Vật lý”.
"Mới năm ngoái, có quá nhiều thay đổi khi thi liên thông phải chung với đại học. Vậy mà năm nay, thi liên thông lại tách riêng. Có lẽ, khả năng của cháu có hạn. Cháu không thể cập nhật nhanh và thấu đáo những thay đổi đó. Cho đến tận thời điểm này, cháu vẫn chưa hiểu được hình thức thi đại học và xét tuyển như thế nào”..
Thay đổi sách giáo khoa
Bên cạnh sự thay đổi về hình thức thi, sách giáo khoa là vấn đề được chàng trai quan tâm. “Mấy năm trước, bộ sách cũ lại được thay đổi, thêm – bớt một vài phần, thay đổi ký hiệu. Theo cháu, điều đó không thể khiến nền giáo dục nước nhà tốt hơn. Mới đây, cháu lại nghe tin chúng ta bỏ ra một đống tiền để đổi bộ sách mới”.
Từ đây, Đỗ Duy Hiếu cho rằng, nguồn gốc của vấn đề không nằm ở quyển sách giáo khoa. Điều quan trọng là chất lượng giáo viên.
Anh kể lại câu chuyện: “Mỗi lần bạn bè cháu được đi dạy, câu đầu tiên trước khi chúc mừng là hết bao nhiêu tiền?. Sự tiêu cực này dẫn đến việc bộ sách giáo khoa có thay đổi trăm, nghìn lần đi nữa vẫn không làm cho nền giáo dục tiến bộ”.
Cấm thi vào lớp 6
Trước vấn đề tuyển sinh vào lớp 6 đang “nóng”, Duy Hiếu không phản đối, cũng không đồng tình. Tuy nhiên, anh cho biết, lý do Bộ GD&ĐT đưa ra để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học là không hợp lý.
“Chỉ có 5 - 10% học sinh học thêm để thi vào trường chuyên, lớp chọn. Vậy bác cấm thi chỉ để giải quyết 5 - 10% của vấn đề? Phần lớn phụ huynh cho con học thêm bậc tiểu học vì muốn có cơ hội phát triển khả năng thông qua giáo viên tốt hơn ở trường. Nguyên nhân ở đây là do cách tuyển giáo viên. Nếu trường nào cũng có nhiều giáo viên dạy giỏi, nổi tiếng như trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, thì bác cho tiền học sinh cũng không đi học thêm”, thủ khoa này viết.
Cuối thư, chàng trai đề xuất: “Tại sao bác không có chính sách thu hút nhân tài? Những sinh viên sư phạm là thủ khoa, có giải quốc gia, quốc tế nếu có khả năng sư phạm tốt nên tuyển thẳng. Theo cháu, nếu làm điều đó thì 10 năm nữa, nền giáo dục Việt Nam sẽ tự đi lên".
Xem thêm: Tranh luận về tâm thư thủ khoa gửi Bộ trưởng Giáo dục